Năm đại gia quyết làm ôtô riêng cho người Việt
Một loạt DN ôtô 100% vốn trong nước đã quyết định liên kết với nhau nhằm thúc đẩy ngành công nghiệp ôtô Việt Nam phát triển, trước thời hạn gia nhập AFTA cận kề.
Chứng minh Việt Nam làm được ôtô
Nhóm các doanh nghiệp này gồm: Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM), Tổng công ty Công nghiệp ô tô Việt Nam (Vinamotor), Tổng công ty Cơ khí Giao thông vận tải Sài Gòn (SAMCO), Tập đoàn ôtô Trường Hải, Công ty CP ôtô Xuân Kiên (Vinaxuki), Nhà máy Z179 (Bộ Quốc phòng) và Trung tâm Tư vấn Phát triển cơ khí Việt Nam (MDC).
Đây đều là những DN sản xuất, lắp ráp ôtô chủ chốt trong nước và là thành viên của Hiệp hội DN cơ khí Việt Nam (VAMI), tự nguyện liên kết với nhau. Các DN này nhận thấy, đã đến lúc phải hợp tác để tồn tại và phát triển trong một môi trường cạnh tranh khốc liệt.
Các thành viên đã thống nhất thành lập Ban Ôtô thuộc VAMI, nhằm tạo điều kiện để các DN sản xuất, lắp ráp ôtô, các DN sản xuất công nghiệp phụ trợ trong nước liên kết, tạo nội lực tổng hợp, bảo vệ thị trường nội địa và phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam.
Theo ông Đào Phan Long, Tổng thư ký kiêm Phó chủ tịch VAMI, 4 lĩnh vực mà các DN ô tô trong nước hướng tới là phát triển sản xuất xe tải, xe khách, xe chuyên dụng và xe con. Nói về sức mạnh của các DN ô tô trong nước, ông Long nhận xét, tính chung thì có thể sản xuất được toàn bộ khung, gầm xe các loại, thùng xe tải, cùng nhiều linh kiện khác với tỷ lệ nội địa hóa một số chủng loại xe tới trên 50%. Thời gian tới, các DN sẽ tận dụng thế mạnh của nhau để thúc đẩy sản xuất ô tô.
Sự liên kết này chắc chắn sẽ góp phần tăng sức mạnh cho các DN ôtô nói riêng cũng như ngành công nghiệp ô tô Việt Nam nói chung. Bên cạnh đó Ban Ôtô cũng là nơi tập hợp các đề xuất và kiến nghị về cơ chế, chính sách để báo cáo Chính phủ, các Bộ, ngành hữu quan - ông Long nhấn mạnh.
Một loạt DN ôtô 100% vốn trong nước đã quyết định liên kết với nhau nhằm thúc đẩy ngành công nghiệp ôtô Việt Nam phát triển
|
"Chúng tôi liên kết với nhau, quyết tâm làm ôtô, để chứng minh rằng người Việt Nam có thể làm được", ông Bùi Ngọc Huyên, Tổng giám đốc Vinaxuki cho biết. Chẳng hạn, một số DN trong nhóm có thể đặt hàng Vinaxuki sản xuất khung xe tải, xe khách, xe con, thậm chí là gia công khuôn mẫu cho họ. Ngược lại, Vinaxuki cũng sẽ mua các linh kiện mà các DN ô tô trong nhóm đã sản xuất được. Đặc biệt, sẽ mở ra hướng phát triển công nghiệp hỗ trợ, thông qua việc đặt hàng các DN cơ khí trong nước để triển khai sản xuất linh kiện ô tô.
Vấn đề còn lại: Chính sách
Các DN rất quyết tâm rồi, song vấn đề quan trọng là chính sách Khó khăn lớn nhất mà DN ô tô gặp phải là chính sách. So với DN ôtô có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), thì DN ô tô 100% vốn trong nước luôn luôn yếu về vốn, công nghệ và thương hiệu, đã vậy lại không nhận được sự ưu đãi, khuyến khích phát triển nên không thể vươn lên được, ông Huyên nhấn mạnh.
Thời gian qua, các DN ô tô thực sự mất niềm tin trong việc xây dựng chính sách phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam. Chính sách về thuế, phí với ô tô thay đổi liên tục khiến cho DN luôn luôn bị động. Đặc biệt, sự bất đồng sâu sắc giữa 2 cơ quan là Bộ Công Thương và Bộ Tài chính đã khiến cho chính sách phát triển công nghiệp ô tô thiếu hiệu quả.
Cùng với đó, các chính sách về ưu đãi vốn vay, thuê đất, thời gian qua DN ô tô hầu như không được hưởng.
Ông Huyên thừa nhận giấc mơ xe Việt của ông vẫn đang dang dở. Mẫu xe VG vẫn chưa thể xuất xưởng bởi chịu thuế, phí cao. Nếu ra được thị trường, giá bán cũng chẳng thể rẻ hơn giá xe nhập khẩu. "Tôi đã từng đề xuất, nếu nội địa hóa ô tô con đạt 50% thì giảm 50% thuế tiêu thụ đặc biệt, Bộ Công Thương đồng ý nhưng Bộ Tài chính thì không, vì vậy rất khó cạnh tranh", ông bày tỏ.
Ô tô được coi là một trong những ngành công nghiệp quan trọng, nếu phát triển tốt sẽ thúc đẩy công nghiệp hóa đất nước, tăng thêm thu nhập cho người dân, giúp tránh xa bẫy thu nhập trung bình, nhưng sẽ rất khó thực hiện nếu cứ duy trì chính sách như hiện nay.
Không những vậy, còn không ít lãnh đạo các cơ quan chức năng chưa tin tưởng vào khả năng của DN Việt nên không ủng hộ. Lấy Israel làm ví dụ, ông Huyên dẫn chứng, họ lập quốc vào năm 1947 với vô vàn khó khăn, là điểm duy nhất tại Trung Đông không có một giọt dầu nào, sa mạc khô hạn, không có tài nguyên, chỉ với 7 triệu dân... nhưng đến nay đang nằm trong top 10 quốc gia công nghệ cao của thế giới. Vấn đề là người ta quan tâm tới tài nguyên chất xám. Cái mà người ta quan niệm, đó là tài nguyên thiên nhiên càng sử dụng sẽ càng cạn kiệt, còn tài nguyên chất xám thì càng sử dụng lại càng có nhiều hơn.
Việt Nam có dân số gần 100 triệu người với nghị lực và khả năng sáng tạo lớn, nhưng cái gì cũng nhập khẩu thì sẽ chẳng làm được gì cả. DN không được tin tưởng, tạo điều kiện, khuyến khích sản xuất sẽ không có sự phát triển, kết cục chỉ là sự lệ thuộc, ông Huyên tiếc nuối.
Trần Thủy
Diễn đàn Kinh Tế Việt Nam
|