Xử lý sở hữu chéo: Bắt đầu từ hoàn thiện thể chế
Theo TS. Trần Hoàng Ngân, xử lý sở hữu chéo nếu chỉ để riêng ngành ngân hàng (NH) vào cuộc là chưa đủ mà cần có sự đồng bộ, bắt đầu từ việc hoàn thiện thể chế. Để xử lý sở hữu chéo thì luật phải rõ để thanh tra, kiểm tra xem sở hữu chéo nào là vi phạm, đồng thời phải kiểm soát được nhóm cổ đông.
Đề án tái cơ cấu hệ thống tổ chức tín dụng (TCTD) giai đoạn 2011-2015 xác định: tập trung lành mạnh hóa tình trạng tài chính của các TCTD, cải thiện mức độ an toàn và hiệu quả hoạt động của các TCTD, nâng cao trật tự, kỷ cương và nguyên tắc thị trường trong hoạt động NH. Phấn đấu đến cuối năm 2015 hình thành được ít nhất 1-2 NHTM có quy mô và trình độ tương đương các NH trong khu vực.
Không phải sở hữu chéo nào cũng tiêu cực, phải hoàn chỉnh Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước...
|
Hoàn thiện luật để minh định hệ quả “sở hữu chéo”
Một nội dung của quá trình tái cơ cấu đang được dư luận quan tâm là xử lý vấn đề sở hữu chéo, đầu tư chéo trong lĩnh vực NH. TS. Trần Hoàng Ngân – Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ Quốc gia cho biết: Ủy ban Kinh tế đã thành lập các đoàn cùng NHNN giám sát và thực tế cho thấy, không phải sở hữu chéo nào cũng tiêu cực. Chẳng hạn, NH nước ngoài mua cổ phần của NH Việt Nam là bình thường. Hay như thời gian vừa qua việc hợp nhất 3 NHTM: Đệ Nhất, Tín Nghĩa, Sài Gòn cũng là một cách để xử lý sở hữu chéo. Hiện, NHNN cũng xác định một vài cặp sở hữu chéo sẽ được xử lý, ví dụ như NHTMCP Sài Gòn Thương Tín (STB) và NHTMCP Phương Nam (PNB) đã có chủ trương cho hợp nhất.
Chủ tịch Hội đồng quản trị NHTMCP Đông Á (DongABank)– ông Cao Sĩ Kiêm cho rằng, để đẩy nhanh tái cơ cấu NH cũng như vấn đề xử lý sở hữu chéo, bên cạnh đẩy mạnh việc thoái vốn đầu tư ngoài ngành của các tập đoàn, tổng công ty thì việc cần làm nữa là phải sửa một số luật như: Luật DN, Luật Kinh doanh, Luật Quản lý sử dụng vốn Nhà nước vào đầu tư sản xuất kinh doanh… để những dòng vốn sử dụng không hiệu quả sẽ được khắc phục dần nhờ những phạm vi điều chỉnh của luật.
Đồng tình với quan điểm này, TS. Trần Hoàng Ngân bổ sung, xử lý sở hữu chéo nếu chỉ để riêng ngành NH vào cuộc là chưa đủ mà cần có sự đồng bộ, bắt đầu từ việc hoàn thiện thể chế. Để xử lý sở hữu chéo thì luật phải rõ để thanh tra, kiểm tra xem sở hữu chéo nào là vi phạm, đồng thời phải kiểm soát được nhóm cổ đông.
TS. Nguyễn Đức Kiên – Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, thời gian tới cần tập trung vào các nội dung: Hoàn thiện khuôn khổ pháp lý liên quan đến sở hữu chéo, đầu tư chéo; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về sở hữu vốn điều lệ, việc góp vốn, mua cổ phần, chuyển nhượng cổ phiếu, việc cấp tín dụng cho cổ đông và người có liên quan và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Bên cạnh đó, cần nghiên cứu trình Thủ tướng Chính phủ cơ chế cho phép NHNN tiếp nhận phần vốn thoái của DNNN tại TCTD nhằm hỗ trợ cho quá trình tái cơ cấu các TCTD, đồng thời, góp phần xử lý vấn đề sở hữu chéo của TCTD.
Hệ thống đã an toàn
Theo TS. Trần Hoàng Ngân, đây không phải lần đầu tiên mà là lần thứ 4 hệ thống TCTD được tái cơ cấu. Lần tái cơ cấu đầu tiên là thời điểm năm 1989 - 1990, khi một số hợp tác xã tín dụng bị đổ vỡ đã được tái cơ cấu để hình thành hệ thống NHTM 2 cấp.
Lần thứ hai, khi khủng hoảng tài chính châu Á 1997 xảy ra, chúng ta đã tái cơ cấu TCTD với trọng tâm đưa nợ xấu giảm xuống.
Đến năm 2005 có thêm lần tái cơ cấu TCTD nữa khi chuyển một loạt NH nông thôn sang thành NH đô thị. Còn lần thứ 4 này là tái cơ cấu TCTD theo Quyết định 254/QÐ-TTg. “So với những lần tái cơ cấu trước, lần này phức tạp hơn. Nhưng đến nay, nỗ lực của hệ thống NH trong tái cơ cấu đã mang lại sự an toàn cho hệ thống”, TS. Trần Hoàng Ngân nhìn nhận.
TS. Nguyễn Đức Kiên cho biết, sau 2 năm thực hiện tái cơ cấu, với sự chủ động, quyết liệt, đồng bộ các giải pháp, hệ thống NH đã đạt được một số kết quả bước đầu quan trọng, tạo nền tảng cho việc đẩy nhanh, vững chắc việc cơ cấu lại các TCTD.
Ông Kiên đã đưa ra hàng loạt ví dụ để minh chứng cho nhận định trên. Đó là thị trường tiền tệ, thị trường vàng và ngoại hối từng bước lập lại trật tự, kỷ cương, tạo môi trường thuận lợi cho việc cơ cấu lại các TCTD thông qua điều hành linh hoạt chính sách tiền tệ và tăng cường các biện pháp điều tiết thị trường đi đôi với nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, thanh tra, giám sát NH. Rủi ro thị trường vàng về cơ bản được loại bỏ nhờ đóng trạng thái vàng, chấm dứt huy động, cho vay vàng, kinh doanh vàng trên tài khoản và đóng sàn giao dịch vàng. Cơ cấu nguồn vốn dịch chuyển theo hướng ổn định hơn và các TCTD ít phụ thuộc vào nguồn vốn trên thị trường liên NH.
Bên cạnh đó, tình trạng cạnh tranh không lành mạnh trong huy động vốn hay vượt trần lãi suất về cơ bản cũng được chấm dứt. Rủi ro hệ thống giảm dần, an toàn hệ thống các TCTD và khả năng chi trả của các TCTD được cải thiện: Tỷ lệ an toàn vốn luôn cao hơn mức quy định (tháng 12/2011 là 12,9% nhưng đến tháng 6/2014 là 12,94%); Tỷ lệ tín dụng/huy động vốn giảm (tháng 12/2011 là 103% thì đến tháng 6/2014 là 89%); Tỷ lệ khả năng chi trả của hệ thống được cải thiện, đến tháng 6/2014, tỷ lệ khả năng chi trả ngay gần 25%).
Nợ xấu bước đầu được kiềm chế và xử lý, góp phần lành mạnh hóa tài chính và khơi thông dòng vốn cho nền kinh tế. Công ty VAMC, tuy mới được thành lập, đã phát huy vai trò tích cực trong xử lý nợ xấu.
“Về cơ bản, NHNN đã kiểm soát được tình hình của các NHTMCP yếu kém. Hiện nay, đa số các TCTD phi NH đã trình hoặc đang hoàn thiện phương án để trình NHNN theo hướng thoái vốn, bán lại, sáp nhập, hợp nhất hoặc tự củng cố, chấn chỉnh”, TS. Nguyễn Đức Kiên nhấn mạnh.
Đức Nghiêm
thời báo ngân hàng
|