Chuyện lãi suất: “Dễ bị “ném đá”, nhưng tôi vẫn nói!”
Nói về lãi suất dễ bị “ném đá” vì đụng chạm đến các lợi ích khác nhau...
TS. Lê Thẩm Dương: "Một mình lãi suất mà phải lo nhiều biến như thế, phải thỏa mãn nhiều thứ, chứ nếu chỉ cứu doanh nghiệp thôi thì ai chẳng muốn giảm cho thật thấp".
|
Lẽ ra, lãi suất lúc này là điểm nóng chú ý của chính sách, để định hướng cho nhiều vấn đề năm tới, cả về các mặt vĩ mô đến hoạt động doanh nghiệp, túi tiền người dân…
Nhưng, các vấn đề nợ xấu, nợ công, dự án sân bay Long Thành… đang hút bớt không khí quan tâm của câu chuyện lãi suất.
“Với lại, tôi thấy bạn cũng viết cả rồi, còn hỏi cái gì nữa!”, TS. Lê Thẩm Dương, Trưởng khoa Quản trị Kinh doanh Đại học Ngân hàng Tp.HCM, nói thêm khi từ chối phóng viên VnEconomy cuộc phỏng vấn về chủ đề lãi suất.
Bản thân ông có lẽ cũng có chút thận trọng, với những gì nói ra sau đó, theo ông, có thể khiến một số doanh nghiệp tự ái hoặc dễ bị “ném đá”.
Sau ba lần đề nghị, chuyên gia này đồng ý nêu góc nhìn của mình về diễn biến lãi suất hiện nay, ứng xử của doanh nghiệp và người làm chính sách.
“Không nên cảm tính thế”
Thưa ông, đến nay mặt bằng lãi suất cho vay nói chung theo ông đã hợp lý chưa?
Hợp lý hay chưa thì căn cứ vào nhiều cái lắm. Bản chất của lãi suất là sinh ra từ lợi nhuận doanh nghiệp, chưa nói đến ở góc độ vĩ mô. Còn ở góc độ ngân hàng thương mại, nó lại là giá của quyền sử dụng tiền. Vậy, cậu tiếp cận ở khía cạnh là công cụ vĩ mô, hay góc độ giá của khoản vay?
Chuyện là bạn đọc gửi thư trao đổi, rồi một số ý kiến khác cho rằng lãi suất cho vay hiện vẫn còn cao…
Ở góc độ giá của khoản vay, nếu doanh nghiệp mà đòn cân nợ dưới 3, vay ít thôi, với tỷ suất lợi nhuận ROE 10%, thậm chí nhiều doanh nghiệp bây giờ chỉ 5%, thì lãi suất hiện nay là hợp lý quá còn gì. Bởi vì có phải ông vay tất đâu. Phần còn lại ông trả cho phí vốn là cổ tức. Cổ tức là cùng thuyền lời ăn lỗ chịu nên áp lực nó không quá nặng.
Nhưng trong điều kiện hiện nay, lãi suất cho vay của mình nhìn nó cao so với lợi nhuận mà doanh nghiệp thu được. Bởi vì doanh nghiệp bây giờ lỗ, lãi 5%, lãi 10%, chứ còn lãi cao hơn thì ít lắm.
Với tình hình doanh nghiệp hiện nay, có ý kiến lãi vay phải giảm được về 6-7%/năm mới hỗ trợ được. Thực tế cũng đã có những khoản vay mức đó, thậm chí thấp hơn nhưng vẫn chưa mở rộng. Theo ông, làm sao để có thể mở rộng được?
Trong lãi vay, ngoài phần lãi tiền gửi ra còn có phần trăm rủi ro. Làm sao mà đồng đều được. Khách loại 1 là 10%, khách loại 2 thì 12%, tức có 2% rủi ro trong đó.
Còn phần tiền gửi, ngân hàng huy động từ hồi lãi suất vẫn cao, bắt giảm đột ngột và bán với giá hiện tại đống tiền ông mua cao thì làm sao mà hạ ngay được. Ngân hàng cũng là người kinh doanh chứ, có lợi nhuận thì mới làm chứ.
Vậy triển vọng thời gian tới lãi suất có giảm tiếp và xuống thấp nữa không?
Phải thấy thế này, cùng một lúc lãi suất phải gánh nhiều cái: vừa đảm bảo ổn định tỷ giá, vừa phải đảm bảo thanh khoản, vừa làm sao để chống đô la hóa, vừa phải làm sao hỗ trợ được cho doanh nghiệp vay lãi suất thấp…
Bây giờ bàn về lãi suất thì phải bàn từng góc thôi. Chứ còn tổng thể thì cuối cùng chẳng làm được cái gì cả. Trong cái hàm số đó thì mình phải hy sinh một biến nào đó, chứ còn thỏa mãn tất cả các biến thì chịu. Hy sinh biến nào để đạt những biến khác và cái hàm đó ít xấu nhất.
Vừa rồi Ngân hàng Nhà nước hạ như vậy theo tôi là một bước tiến lắm rồi. Hạ cái trần, thực tế người ta cũng đã hạ rồi. Trên cái nền đó người ta hạ một cách linh hoạt và chắc chắn, trên cái nền cung - cầu vốn như thế, chứ không có ép hạ đâu.
Hạ lãi suất vừa qua là hợp lý, lãi suất cho vay hiện hợp lý nhưng không bao giờ có chuyện đồng đều cả. Cho vay tiêu dùng bằng sản xuất, khách hàng 1 bằng khách hàng 2 thì chết.
Lãi suất, ông doanh nghiệp thì nhìn qua lăng kính của ông doanh nghiệp, ông ngân hàng thì nhìn qua lăng kính của ông ngân hàng. Cuối cùng cứ vênh nhau miết. Cứ coi nó là cái chợ đi, chất thị trường nó có, chứ giá nó đang thế này ông thò tay vào can thiệp thì trái quy luật thị trường.
Như cậu nói, nếu muốn lãi suất cho vay thấp hơn nữa, dùng mệnh lệnh hành chính thì làm được ngay chứ có gì đâu. Hai nữa là cậu nói 6-7%/năm dựa trên cơ sở nào, phải giải thích vì sao lại 6-7%/năm chứ, chưa nói là chênh lệch trong mặt bằng đó rất hẹp mà như trên lãi suất cho vay giữa các khách hàng có chất lượng và độ rủi ro khác nhau thì chênh lệch đáng kể. Không nên cảm tính thế.
Anh phải tính toán lợi nhuận công ty bao nhiêu, hệ số nợ bao nhiêu, lạm phát bao nhiêu…, rồi từ đó kết luận nếu lãi suất cho vay quá 6-7% thì doanh nghiệp tiêu. Hay tại sao lại không là lãi suất 4-5%/năm thì mới dễ cứu được doanh nghiệp?
Tôi thấy thế này, trong doanh nghiệp có bốn loại chi phí: chi phí trong xưởng (người, máy, nguyên liệu…), chi phí ngoài xưởng (bán hàng, quản lý…), chi phí vốn và chi phí thuế.
Nhà nước đã lo thuế và lãi suất xuống thời gian qua rồi, thì trách nhiệm còn lại là doanh nghiệp phải lo cái phí ở trong xưởng, đặc biệt là cái phí gián tiếp ở ngoài xưởng.
Giả dụ như tôi làm biện pháp rắn, tinh giảm nhân sự các phòng ban, 3 phó giám đốc giảm đi còn 1 và giữ nguyên khối lượng công việc thì có chạy được không. Nó vẫn chạy bình thường thì sao? Hay mỗi ngày làm 8 tiếng nhưng chỉ làm thực chất có 3 tiếng ông ơi. Hãy làm đủ 8 tiếng xem sao.
Cho nên trách nhiệm của chính doanh nghiệp là rất lớn. Nhà nước đã chấp nhận bội chi để giảm thuế. Ngân hàng Nhà nước cũng mạo hiểm khi giảm lãi suất, đầy mạo hiểm.
“Tuyệt đối không đi xử lý tình huống”
Vì sao lại đầy mạo hiểm, thưa ông?
Bạn cũng đã từng viết đó. Nếu hạ lãi suất thì Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại tâm trạng thế nào? Anh có đảm bảo chắc chắn là lãi suất giảm vậy hôm nay tiền gửi nó vẫn vào, trong khi một kênh nào đó bùng lên cái thì thanh khoản nó đứt không? Rồi cái lạm phát tới đây là bao nhiêu? Nếu lãi suất thực âm, người ta vẫn gửi đấy, nhưng âm sâu quá thì thôi đấy. Rồi phải đặt trong mối quan hệ với tỷ giá sẽ ra sao. Khi hạ xuống anh phải cân tất cả các dòng tiền ở các kênh đầu tư sẽ thay đổi như thế nào.
Cho nên người ta linh hoạt, giảm rồi nhưng đôi khi người ta có thể phải đẩy lên đấy.
Vì lãi suất là công cụ quản lý tầm vĩ mô, quản trị chủ động. Thứ đúng nhất là kiểm soát lãi suất, tức là lúc đẩy lên lúc hạ xuống, không phải lúc nào cũng chỉ có hạ. Cho nên thắng lợi lớn nhất của mình không phải là kiềm chế lạm phát mà là kiểm soát lạm phát. Lúc phải đẩy lên, lúc phải hạ xuống nhưng luôn luôn phải trong tầm kiểm soát. Dân chúng cần làm quen và hiểu điều đó.
Hai năm vừa qua chúng ta làm được cái đó, hay Ngân hàng Nhà nước đã quản trị rủi ro một cách chủ động. Tuyệt đối không đi xử lý tình huống.
Nguyên tắc đầu tiên trong quản lý khủng hoảng là không được hoảng loạn. Chưa đâu vào đâu mà cứ hoảng loạn thì càng rối. Nguyên tắc thứ hai là tốc độ, thấy đúng thì làm ngay, chứ khi cháy nhà lại còn ngồi đọc kỹ “hướng dẫn sử dụng trước khi dùng” cái bình khí thì vứt. Nguyên tắc thứ ba là có mặt tại hiện trường, chứ không phải đi nghe lại người khác.
Tôi thấy hai năm qua Ngân hàng Nhà nước đã làm được theo ba nguyên tắc đó. Bên cạnh lãi suất, họ cũng đã kiểm soát được thị trường vàng, tỷ giá. Ai nói gì thì nói, tôi cứ kiểm soát được thị trường vàng, tôi vẫn kiểm soát được tỷ giá và đút túi được 35 tỷ USD đấy.
Như ông phân tích, lãi suất phải gánh nhiều nhiệm vụ, nên việc điều chỉnh tiếp hay không luôn phải cân nhắc kỹ…
Thế này nhé. Vừa rồi, sao không hỏi là vì sao Ngân hàng Nhà nước chỉ giảm lãi suất 0,5%/năm mà không phải là 1%/năm? Vì với mức đó thì tôi còn kiểm soát được các mặt trận khác. Mà nếu giảm 0,5%/năm mà sau đó không kiểm soát được các mặt trận khác do ảnh hưởng của nó thì có khi lại phải nâng lên đấy. Trong trường hợp ấy thì tôi nghĩ Thủ tướng cũng phải đồng ý thôi.
Như tôi nói ở trên, một mình lãi suất phải gánh nhiều nhiệm vụ vĩ mô. Có những công cụ chính sách tiền tệ khác, cũng vĩ đại lắm nhưng không uy lực bằng. Lãi suất một mặt phải cứu doanh nghiệp, mặt khác phải lo thanh khoản ngân hàng, phải lo lợi nhuận ngân hàng chứ mà lỗ thì cũng chết, lại lo đô la hóa và tỷ giá, rồi phải lo tiền gửi của người dân.
Một mình mà phải lo nhiều biến như thế, phải thỏa mãn nhiều thứ, chứ nếu chỉ cứu doanh nghiệp thôi thì ai chẳng muốn giảm cho thật thấp.
Mong muốn giảm lãi suất cho vay xuống thấp cũng xuất phát từ thực tế hoạt động sản xuất của nhiều doanh nghiệp còn khó khăn…
Thời gian qua hai cái phí thuế và lãi suất đã giảm, đã cứu đáng kể, còn các phí khác của doanh nghiệp thì ông phải lo chứ. Nếu ông vẫn không lo được và khó khăn thì thị trường nó thải loại. Ông còn bắt nhà nước lo thêm nữa như thế nào nếu cứ giữ hai cái phí của nhà ông một cách phí phạm mà không hoạt động hiệu quả?
Giả sử tôi là nhà nước, giảm thuế và lãi suất về 0%, anh có cam kết được doanh nghiệp vẫn tồn tại trong thế cạnh tranh hiện nay không, với trình độ quản trị hiện tại, với năng suất hiện tại? Năng suất thì thua Nhật Bản 132 lần, thua Thái Lan 5,12 lần. Với năng suất đó thì lãi suất có 0% thì cũng thua. Tức là phải nâng năng lực của doanh nghiệp lên.
Tất nhiên, ở câu chuyện lãi suất đang nói, ngân hàng cũng là doanh nghiệp. Anh cũng phải giảm phí và quản trị tốt hơn, lãi suất cho vay theo đó cũng tự khắc nó xuống thêm.
Anh ngân hàng cũng phải giảm chi phí nội bộ. Anh không giảm được thì để tôi nói cho. Anh cứ ra mà hỏi mấy cậu sinh viên ấy. Tiền trong túi chỉ có mấy đồng, mà trong ví có đến mấy cái thẻ ATM, chi phí nằm phí ở đó chứ đâu. Anh vét được vài nghìn phí của cậu sinh viên ấy nhưng làm tận mấy cái thẻ nằm mãi ở ví như vậy, chi phí nằm ở đó, lấy lãi đâu.
Rồi còn nhiều cái lắm. Như phí cờ hoa, khẩu hiệu, ăn nhậu… Nhiều doanh nghiệp và cả anh ngân hàng vẫn còn nặng mấy cái phí này lắm.
Tôi biết nói như vậy sẽ có nhiều doanh nghiệp tự ái, vì cái này đụng đến các lợi ích, người ta sẽ “ném đá”, nhưng tôi không sợ mà vẫn nói.
Tôi không làm chính trị bạn ơi, nhưng tôi thấy nhà nước cũng đã cứu đến tận cùng của tận tụy rồi, còn lại hai cái phí nội bộ thì doanh nghiệp, và ngân hàng nữa, phải tự lo chứ.
Minh Đức
vneconomy
|