Đầu tư dịch vụ thẻ: Lợi ích đi kèm rủi ro
Điểm mấu chốt của câu chuyện đầu tư thẻ khiến các NH vẫn đau đầu đó là các điểm chấp nhận thẻ phát triển vẫn khá chậm so với số lượng thẻ phát hành, cũng như tính bảo mật cho người sử dụng thẻ.
Lợi ích có
Ông An Vogels, Giám đốc MasterCard khu vực Đông Dương nhìn nhận, Việt Nam có tiềm năng lớn để phát triển thị trường thẻ. Hiện tại, số điểm chấp nhận thẻ của MasterCard tại Việt Nam tăng trưởng cao nhất khu vực. MasterCard cho biết, không chỉ với thẻ tín dụng mà công ty sẽ cùng các NH liên kết cho ra đời nhiều loại thẻ khác nhau, kể cả với thẻ ghi nợ nội địa. Sự sôi sục này được giải thích do nguồn lợi nhuận đem lại từ thẻ là rất lớn.
Nhiều NH đầu tư hạ tầng cho thẻ nhưng thu nhập chưa bao nhiêu.
|
Lãnh đạo các NHTM cũng thừa nhận, mảnh đất màu mỡ nhất để các NH tiếp tục thúc đẩy dịch vụ thẻ chính là phân khúc thẻ tín dụng. Dựa trên số liệu vừa được NHNN đưa ra, đến 31/8/2014 lượng thẻ do 52 tổ chức phát hành đạt trên 74 triệu thẻ, với khoảng 490 thương hiệu. Chính vì vậy, các NHTM càng ý thức được tiềm năng phát triển và xây dựng tính năng đa dạng của thẻ tín dụng, chiếm thị phần lẫn thương hiệu để có thể gia tăng nguồn thu bằng hình thức thu phí. Chẳng hạn, bên cạnh các loại phí như các loại thẻ thông dụng khác thì với thẻ tín dụng, ngoài thu phí thường niên, phí chuyển đổi ngoại tệ… NH còn có nhiều cơ hội áp lãi suất lên tới 30-35%/năm.
Với lợi ích trước mắt, nhiều NH không ngần ngại bỏ ra khoản chi phí đầu tư lớn cũng như phí liên kết với MasterCard hoặc Visa để gia tăng số lượng thẻ tín dụng phát hành, với nhiều thương hiệu thẻ khác nhau. Theo chia sẻ của một lãnh đạo NH, thông thường mức phí liên kết với các tổ chức phát hành thẻ được cam kết không tiết lộ và mỗi NH có mức cam kết khác nhau. Song, trung bình phí thường niêm mà NH phải trả cho một tổ chức, chẳng hạn như MaterCard, có khi lên đến 50 - 70 nghìn USD/năm. “Chi phí đầu tư hệ thống, phí cam kết… là rất lớn. Tuy nhiên, để gia tăng được thị phần NH không ngần ngại chi tiền”, vị lãnh đạo trên nói.
Đúng với tiêu chí “tiêu tiền để làm ra tiền”, nguồn thu từ thẻ đã đóng góp quan trọng trong cơ cấu lợi nhuận chung của một NH. Đơn cử, Sacombank là một trong những NH đã đưa ra thị trường nhiều loại thẻ khác nhau. Số lượng thẻ của Sacombank tính đến thời điểm cuối tháng 8/2014 vào khoảng 2,6 triệu thẻ, bao gồm các loại thẻ tín dụng, thẻ thanh toán và thẻ trả trước.
Trong đó, với thẻ tín dụng đạt trên 185 nghìn thẻ; thẻ thanh toán đạt trên 2 triệu thẻ và thẻ trả trước đạt trên 378 nghìn thẻ. Với số lượng thẻ phát hành ngày càng gia tăng, Sacombank cũng không ngừng bổ sung tiện ích cho chủ thẻ để từ đó gia tăng nguồn thu từ dịch vụ. Vì thế, riêng mảng thẻ đóng góp khoảng 20 - 25% vào tổng thu nhập, lợi nhuận của Sacombank.
Lãnh đạo DongA Bank cũng thừa nhận, đầu tư vào ATM hay thẻ không thể nói là lãi và kỳ vọng lãi sớm, nhưng khi đã có một số lượng khách hàng ổn định sẽ đem lại nhiều lợi ích cho NH, nhất là trong huy động vốn. Với hơn 6 triệu thẻ hiện nay, DongA Bank đã có số lượng khách hàng ổn định. Từ đó, NH mới có thể cung cấp được dịch vụ cho khách hàng, chứ không phải tìm kiếm khách hàng.
Rủi ro vẫn còn
Tiềm năng có thể nhìn thấy được, song lãnh đạo các NH cũng thừa nhận để khai thác được hết tiềm năng các NH cũng rất trầy trật. Điểm mấu chốt của câu chuyện đầu tư thẻ khiến các NH vẫn đau đầu đó là các điểm chấp nhận thẻ phát triển vẫn khá chậm so với số lượng thẻ phát hành, cũng như tính bảo mật cho người sử dụng thẻ. Kết quả, không ít khách hàng bị mất tiền, còn NH vướng nợ xấu do cấp hạn mức ồ ạt. Đó là chưa kể vấn nạn đánh cắp thông tin từ thẻ gia tăng không ngừng. Vụ việc xảy ra thời điểm giữa năm khi công an phá đường dây ăn cắp thông tin thẻ tín dụng quốc tế trị giá đến 200 triệu USD là một vết đen mà các NH phải khắc phục.
Phần lớn nhà đầu tư hệ thống thẻ thừa nhận tồn tại lỗ hổng trong hệ thống thẻ thanh toán đang lưu hành. Đó là việc thanh toán bằng thẻ trả trước và thẻ tín dụng hiện nay tại các điểm mua hàng, trung tâm thương mại đều không cần mật khẩu. Chủ thẻ khi có nhu cầu thanh toán bằng thẻ chỉ cần đưa thẻ cho nhân viên thanh toán để cà thẻ qua máy cà thẻ (POS) và sau đó ký vào biên nhận. Việc dùng thẻ tín dụng cho nhân viên bán hàng thanh toán qua POS lâu nay các chủ thẻ vẫn không nghĩ rằng tài khoản dễ bị đánh cắp.
Khi công nghệ ngày càng tiên tiến, dù NH có hệ thống bảo mật tuyệt đối nhưng vẫn có nhiều lý do khiến chủ thẻ tín dụng dễ dàng bị đánh cắp thông tin. “Thực tế là chính NH không kiểm soát được hết, cho đến khi tiền trong tài khoản bị trừ, hoặc có phản ánh từ chủ tài khoản”, một đại diện NH chia sẻ.
Hiện các NH đang cố gắng hoàn thiện hơn nữa hệ thống thẻ, giảm thiểu tối đa những sự cố về bảo mật. Điều này không chỉ tạo lợi thế cạnh tranh với NH khác mà trước hết giữ được khách hàng hiện hữu. Bởi khách hàng không hài lòng với dịch vụ thẻ thì xem như NH có thể mất luôn khách hàng đó trong tất cả các dịch vụ còn lại. Bên cạnh đó, NH cũng đang tính đến chuyện đa dạng hóa hợp tác với nhiều tổ chức phát hành thẻ khác trên thế giới để tích hợp được những tiện ích tối ưu cũng như cải thiện được các nhược điểm hiện tại…
Theo chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển, xu hướng đầu tư thẻ là bước đi phù hợp và cần thiết, vì nhu cầu không sử dụng tiền mặt của người dân đang tăng lên. Tuy nhiên, nếu NH không có lộ trình đầu tư bài bản mà chỉ phát hành thẻ theo phong trào sẽ sớm bị mất khách hàng trước những NH đầu tư nghiêm túc. Thực tế, thị trường thẻ khá phức tạp. Thách thức đối với thị trường mới nổi như Việt Nam là dân số tăng nhanh nên đối với thẻ, nhất là thẻ tín dụng, nếu NH không kiểm soát tốt, rủi ro sẽ lớn. Mặt khác, đối với khách hàng cá nhân, các sản phẩm, dịch vụ đưa ra phải có sự cam kết dài hạn, nếu không sẽ bị phản tác dụng.
Quỳnh Chi
thời báo ngân hàng
|