Nới “room” ngắn hạn cho vay dài hạn: Rủi ro thanh khoản chực chờ
Trong bối cảnh khả năng cạnh tranh của đa số DN còn ốm yếu, cùng với năng lực quản lý rủi ro của nhiều NH chưa thực sự tốt, theo nhiều chuyên gia, không nên tăng tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn để tránh hệ thống NH vấp vào bẫy thanh khoản như trước đây không lâu.
Mới đây, một số NHTM đề nghị NHNN nâng tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn. Theo lý giải của các NH, trong khi cho vay DN khó khăn, nếu đẩy mạnh cho vay khách hàng cá nhân mà chủ yếu là vay mua bất động sản với thời gian dài từ 15 – 20 năm thì sẽ là một hướng mở để đạt mục tiêu tăng trưởng tín dụng (TTTD). Tuy nhiên, hiện “room” sử dụng vốn huy động ngắn hạn để cho vay trung dài hạn đã hết, nên nếu NH muốn cho vay lĩnh vực khác thì tỷ trọng vốn được phép sử dụng còn rất hạn hẹp.
Nhớ lại cách đây gần 5 năm, các NH vẫn được phép sử dụng 40% vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn. Vào thời điểm đó, tín dụng tăng trưởng ở mức “nóng” 20 – 30%, thậm chí cao hơn. Thực tế cũng có NH mạnh tay cho vay bất động sản với thời hạn dài, bởi thị trường bất động sản đang tăng trưởng “nóng”, có dấu hiệu “bong bóng” giá trị tài sản.
Lượng định xu hướng này, NHNN đã có quyết định điều chỉnh giảm tỷ lệ lượng vốn huy động ngắn hạn cho vay trung dài hạn từ 40% xuống còn 30% kể từ ngày 1/1/2010 như một chốt chặn rủi ro thanh khoản của hệ thống. Ấy vậy mà, với tỷ lệ 30%, có những thời điểm như năm 2011, không ít NH gặp khó khăn về thanh khoản khi nguồn vốn và sử dụng vốn mất cân đối, tỷ lệ sử dụng vốn/huy động vốn LDR thường xuyên vượt 100%. Sau chấn chỉnh cảnh báo của NHNN về rủi ro thanh khoản, tỷ lệ này đã được giảm xuống
Mặc dù, đối với hoạt động NH thì tỷ lệ khống chế trên không phải là con số mơ ước, bởi huy động 10 đồng mà chỉ được phép cho vay hơn 8 đồng cho thấy hiệu quả sử dụng nguồn vốn của các NH chưa đạt như mong muốn. Trong khi đó, mục tiêu kinh doanh của NH phải đảm bảo lợi nhuận, mức cổ tức thỏa đáng cho các cổ đông. Vì thế, khi thị trường tiền tệ đang ổn định, thanh khoản các NH được đánh giá là khá dồi dào thậm chí là dư thừa, một số NH mạnh dạn đề xuất với NHNN cho phép nâng tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn. Nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu tỷ lệ “room” được điều chỉnh tăng lên?
Trước hết, “điểm trừ”cho đề xuất này đó là bài học rủi ro thanh khoản của hệ thống NH những năm trước đây chưa hề cũ, khi các NH lấy vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn. Mà đến giờ này thị trường nguồn vốn trung dài hạn vốn dĩ thuộc về thị trường trái phiếu hầu như không có, TTCK thì trồi sụt. Chỉ còn mỗi kênh vốn chủ lực cho DN là NH. Đơn cử, chỉ nhìn vào cơ cấu huy động tiết kiệm tại NH đến 80% là kỳ hạn dưới 6 tháng đã có thể thấy rõ sự mất cân đối dòng tiền, do chênh lệch về kỳ hạn giữa nguồn vốn và sử dụng vốn. Chưa cần đến phương án nếu tăng tỷ lệ sử dụng vốn nữa thì rủi ro thanh khoản đã là hiện hữu.
“Điểm trừ” nữa đối với đề xuất trên, theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, đó là những mong muốn trên chỉ có ở một vài NH, không mang tính đại diện cho toàn hệ thống bởi đa số NH đang dư dả “room”. Cũng có lập luận cho rằng, ở nước ngoài, họ không giới hạn tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn như tại Việt Nam. Nhưng, có điều quan trọng đối với sự “buông thả” này là, ở các quốc gia đó, thị trường vốn của họ phát triển. Các NH có thể phát hành các loại trái phiếu ra thị trường quốc tế giúp họ chủ động cân đối nguồn vốn chênh lệch kỳ hạn. Còn tại Việt Nam thì việc này dường như là nhiệm vụ bất khả thi đối với NH, khi mà thị trường vốn chưa phát triển.
Trong bối cảnh khả năng cạnh tranh của đa số DN còn ốm yếu, cùng với năng lực quản lý rủi ro của nhiều NH chưa thực sự tốt, theo nhiều chuyên gia, không nên tăng tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn để tránh hệ thống NH vấp vào bẫy thanh khoản như trước đây không lâu. Và quan điểm của Cơ quan Thanh tra, giám sát NH (NHNN) là sẽ không có điều chỉnh về tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn.
Hà Thành
thời báo ngân hàng
|