Thứ Hai, 17/11/2014 21:38

Tư duy “chọn - bỏ”

Đầu tuần này, giải trình trước Quốc hội về dự thảo sửa đổi Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cho rằng điểm đột phá nhất của ban soạn thảo là thay đổi cách tiếp cận từ “chọn - cho” sang “chọn - bỏ” đối với việc cấp phép các ngành, nghề kinh doanh. Ông Vinh nói: “Trước đây cái gì cho thì ghi trong luật nên không đủ vì phát sinh rất nhiều. Nay chọn bỏ nghĩa là cấm thì ghi vào, một khi không ghi vào luật thì doanh nghiệp được quyền làm”.

Bộ trưởng Bùi Quang Vinh trình bày dự thảo Luật đầu tư sửa đổi tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ảnh báo Nông nghiệp VN

Dự thảo Luật Đầu tư sửa đổi còn quy định nếu thấy danh mục ngành, nghề cấm đầu tư, kinh doanh và đầu tư, kinh doanh có điều kiện phát sinh bất hợp lý thì có thể đề nghị Quốc hội xem xét lại theo thủ tục rút gọn ngay trong năm chứ không phải chờ sửa luật như trước đây. Nghĩa là việc “chọn bỏ” có khả năng sẽ còn tiếp tục. Một hứa hẹn đáng để chờ đợi!

Thế nhưng, từ tinh thần của luật đến khâu thực thi là một quá trình có thể có khó khăn, trở ngại, nhìn từ thực tế những gì đã diễn ra với việc thực thi Luật Doanh nghiệp hiện hành.

Đó không chỉ là lo lắng của đại biểu, rằng không biết Chính phủ có kịp ra nghị định quy định điều kiện đầu tư, kinh doanh trước ngày luật mới có hiệu lực thi hành.

Việc đăng ký kinh doanh sẽ được tiến hành như thế nào khi mà thay đổi duy nhất trong dự thảo luật về việc này chỉ mang tính hình thức: tiết kiệm chút mực, chút giấy và chút công khi không ghi ngành nghề kinh doanh trên tờ giấy phép nữa? Ban soạn thảo từng giải thích khi xin giấy phép kinh doanh, người xin vẫn phải điền thông tin về ngành nghề định kinh doanh, có nghĩa rằng cơ quan cấp phép sẽ theo cách cũ: bắt điền theo danh sách mã ngành do mình quy định?

Đặt những câu hỏi này là vì còn nhớ, khi “bầu Kiên” bị đưa ra xét xử về tội kinh doanh trái phép, các luật sư đã trưng ra bằng chứng sở kế hoạch đầu tư của các địa phương khác nhau có những cách trả lời khác nhau nhưng tựu trung là từ chối cho đăng ký ngành, nghề “đầu tư tài chính”, vì đó như một quyền đương nhiên không cần đăng ký, hay vì không có một mã ngành nào cho việc này.

Nếu nhìn tư duy “chọn bỏ” như một điểm sáng, hứa hẹn được điểm cộng cho môi trường đầu tư ở tiêu chí “thủ tục thành lập doanh nghiệp”, thì môi trường đầu tư nói chung cần nhiều những tư duy và hành động “chọn bỏ” nữa, bên cạnh nỗ lực “chọn bỏ” thủ tục hành chính trong lĩnh vực thuế, hải quan hiện nay để cải thiện tiêu chí về “nộp thuế”. Cho tới nay, mặc dù có nhiều ý kiến đề nghị, Thủ tướng cũng ủng hộ, thế giới chỉ còn bảy nước áp dụng..., nhưng dự thảo sửa đổi Luật Doanh nghiệp vẫn chưa bỏ quy định bắt buộc doanh nghiệp phải có con dấu với ý nghĩa xác nhận ý chí của doanh nghiệp với lý do... “tập quán”, “thói quen”.

“Chọn bỏ” tiến bộ hơn “chọn cho”, đã hẳn. Nhưng dù sao đó cũng mới là việc chạy theo để xóa những bất hợp lý phát sinh trong đời sống kinh doanh. Vẫn còn nhiều câu hỏi và sự chờ đợi, trên mức nỗ lực của ban soạn thảo hai dự luật nói trên, khi mà đời sống kinh doanh đang thay đổi với tốc độ và cách thức ngoài sự hình dung của cơ quan quản lý nhà nước. Trong nhiều trường hợp, trách nhiệm của Nhà nước là phải nghĩ cho ra cách để quản chứ không được cấm, không được hạn chế quyền tự do kinh doanh vì nghĩ không ra hay có những e dè cản trở sự phát triển.

Nguyên Lê

Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online

Các tin tức khác

>   Bộ Công Thương: Có thể xây luật riêng về công nghiệp phụ trợ (17/11/2014)

>   Siết chặt quản lý giá và chống buôn lậu, gian lận thương mại (17/11/2014)

>   Chỉ số EMI tháng 10 giảm nhẹ so với tháng 9 (17/11/2014)

>   Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng “quên” câu hỏi về trách nhiệm (17/11/2014)

>   RCEP: Không dễ có lợi thế cạnh tranh (17/11/2014)

>   Hà Nội “chốt” khởi công 4 dự án xử lý nước thải trong tháng 11 (17/11/2014)

>   Đại biểu Quốc hội: Cần thay đổi phương thức sản xuất cho nông dân (17/11/2014)

>   ĐBQH đề xuất “bán khách sạn ở Hà Nội” để giúp ngư dân (17/11/2014)

>   Bộ trưởng Thăng đối mặt với những vấn đề gì? (17/11/2014)

>   Chuẩn bị kết nối cơ chế một cửa ở sân bay (17/11/2014)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật