Chỉ số EMI tháng 10 giảm nhẹ so với tháng 9
Chỉ số phát triển kinh tế tại các thị truờng mới nổi của HSBC (EMI) đã giảm từ mức 52.5 điểm của tháng 9 xuống còn 51.5 điểm trong tháng 10/2014. Điều này cho thấy tăng trưởng sản lượng yếu đi tại khắp các thị trường mới nổi trên thế giới.
HSBC cho rằng đà tăng trưởng chậm kể từ đầu quý 4 năm nay do ngành dịch vụ phát triển chậm lại và tăng trưởng các hoạt động của ngành cũng chậm lại kể từ sau mức cao 19 tháng liên tiếp vào tháng 9. Tốc độ tăng trưởng sản lượng của ngành sản xuất không thay đổi so với mức vừa phải của tháng 9.
Đáng chú ý, 4 thị trường mới nổi lớn nhất đều đạt sản lượng thấp trong tháng 10. Trung Quốc có mức phát triển yếu nhất kể từ tháng 7, trong khi tốc độ tăng trưởng tại Ấn Độ đã chậm đến mức thấp tháng thứ 5 liên tiếp. Các doanh nghiệp tư nhân tại Brazil cho biết sản lượng sụt giảm lần thứ 6 trong vòng 7 tháng, với tốc độ sụt giảm nhanh nhất kể từ tháng tháng 5/2009. Và cuối cùng, sản lượng tại Nga cũng giảm lần đầu tiên trong vòng 5 tháng.
Tăng trưởng đơn hàng mới tại khắp các thị trường mới nổi trên thế giới vẫn ở dưới mức yếu trong tháng 10 với tốc độ tăng trưởng yếu nhất trong năm tháng. Lượng công việc tồn đọng giảm tháng thứ 4 liên tiếp và tăng trưởng việc làm vẫn ở mức nhẹ.
Theo HSBC, áp lực lạm phát ở mức vừa phải trong tháng 10. Giá cả đầu vào đã tăng với tốc độ chậm nhất kể từ tháng 6/2013, trong khi giá cả đầu ra giảm nhẹ lần đầu tiên trong vòng bảy tháng.
Ông Simon Williams - Kinh tế gia trưởng khu vực Trung & Đông Âu, Trung Đông, và châu Phi (CEEMA) cho biết, đã có các dấu hiệu tích cực về sự bền vững tại hầu hết các quốc gia trong khu vực CEEMA, và ngành dầu mỏ màu mỡ của khối Gulf tiếp tục thể hiện tốt hơn kỳ vọng; Nga vẫn là mối lo ngại chính.
Ông Frederic Neumann - Đồng Giám đốc Khối Nghiên cứu Kinh tế khu vực châu Á thì cho rằng: “Không hẳn là chắc chắn nhưng tình hình châu Á đang bình ổn. Đơn hàng xuất khẩu mới lại yếu đi một chút nhưng đà tăng trưởng khu vực vẫn tốt. Áp lực chi phí giảm đã giúp ích cho điều này.”
Môi trường kinh doanh ngành sản xuất Việt Nam đang cải thiện
Theo HSBC, điều kiện kinh doanh của ngành sản xuất tại Việt Nam cải thiện nhẹ trong tháng 10 với tốc độ tuyển thêm nhân công nhanh nhất kể từ tháng 1 do sản lượng và đơn hàng mới tăng. Trong khi đó, các nhà cung cấp rút ngắn thời gian giao hàng lần đầu tiên trong vòng 10 tháng.
Một lần nữa, các nhà sản xuất tại Trung Quốc cho biết điều kiện hoạt động chung chỉ cải thiện nhẹ trong tháng 10. Sản lượng và đơn hàng mới đều tăng trưởng với tốc độ chậm nhất trong vòng 5 tháng, trong khi tăng trưởng đơn hàng xuất khẩu mới yếu đi dẫn đến ở mức khiêm tốn.
Các dữ liệu của tháng 10 cho thấy ngành sản xuất tại Đài Loan tiếp tục mất thêm đà tăng trưởng. Sản xuất tăng với tốc độ chậm nhất trong vòng 13 tháng trong khi tổng đơn hàng mới và đơn hàng xuất khẩu mới cũng tăng trưởng với tốc độ yếu hơn.
Trong khi đó, các nhà sản xuất tại Hàn Quốc cho biết sản lượng tiếp tục sụt giảm trong tháng 10 và là tháng thứ 7 liên tiếp dù tốc độ sụt giảm đã chậm lại. Tăng trưởng đơn hàng mới cũng giảm cùng với đơn hàng xuất khẩu mới từ các đối tác thế giới giảm.
Cuối cùng, điều kiện hoạt động của lĩnh vực sản xuất tại Indonesia xấu đi trong tháng 10, trái ngược với sự cải thiện ở mức vừa phải trong tháng 9 đã khiến sản lượng và đơn hàng mới sụt giảm đã phản ánh sự suy giảm chung về điều kiện kinh doanh.
Gia Nguyên
|