Không có ngoại lệ trong "cuộc chiến" chống xe quá tải
Buông lỏng một thời gian dài nên tình trạng xe quá tải trở thành căn bệnh tưởng chừng không còn thuốc chữa. Vì thế, không ít người đã hoài nghi về “cuộc chiến” kiểm soát tải trọng do ngành GTVT phát động. Nhưng thực tế đang chứng minh điều ngược lại…
* Kiến nghị phạt xe quá tải lên 100 triệu đồng
* TPHCM: Cảng để xe chở quá tải lần 2 sẽ bị đình chỉ hoạt động
Các biện pháp kiểm soát tải trọng sẽ tiếp tục được siết chặt hơn trong thời gian tới.
|
Nghịch lý “mười đồng bỏ ra trôi đi chín đồng”
Từ khoảng chục năm trước, nhiều chuyên gia lĩnh vực xây dựng giao thông đã đưa ra những cảnh báo về tình trạng xe quá tải ảnh hưởng đến hạ tầng giao thông. Theo đó, nếu lợi nhuận thu được khi xe chở quá tải chỉ tăng theo cấp số cộng thì chi phí sửa chữa cầu đường sẽ tăng theo cấp số nhân. Bỏ tiền ra làm đường lẽ ra sử dụng được 10 năm nhưng nếu để xe quá tải tàn phá, chỉ một năm sau đã phải sửa chữa hư hỏng. Vì thế, bỏ ra 10 đồng đầu tư nếu quản lý không tốt thì mất đến 9 đồng, gây lãng phí lớn cho tài sản Nhà nước.
Nhưng đáng buồn là trong nhiều năm, nỗ lực ngăn chặn xe quá tải không mang lại hiệu quả. Những giải pháp kiểm soát tải trọng khi ấy cũng tỏ ra khá yếu ớt, mơ hồ và thiếu đồng bộ như: Tăng cường công tác tuần tra kiểm soát, tăng mức xử phạt, tuyên truyền vận động… mà ít thấy có những giải pháp căn cơ, bền vững… Cũng vì thế mà khi Bộ GTVT phát động “cuộc chiến” không khoan nhượng, cả nước đồng loạt ra quân kiểm soát tải trọng xe vào đầu tháng 4/2014 vừa qua, có không ít người hồ nghi về sự thành công.
Khi chúng tôi gặp ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN, cũng là lúc thành phố đã lên đèn. Thời gian vừa qua, ông thường kín lịch, kể cả tranh thủ buổi tối và những ngày nghỉ đi vi hành kiểm tra công tác kiểm soát tải trọng tại các địa phương và bắt xe quá tải cố tình lách, né trạm. Trong câu chuyện, ông Huyện thừa nhận là những ngày đầu khi Bộ GTVT phát động chiến dịch kiểm soát tải trọng xe, trong đó giao Tổng cục Đường bộ VN là đơn vị chủ trì, chính những người trong cuộc cũng gặp phải áp lực rất lớn.
“Không áp lực sao được khi việc kiểm soát tải trọng đã bị buông lỏng cả chục năm qua giờ mới được siết lại. Thú thực nếu không có sự quyết tâm và sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo Bộ GTVT, không biết chiến dịch này sẽ như thế nào, hay lại đi vào vết xe đổ như nhiều lần trước”, ông Huyện tâm sự.
Đập tan sự hồ nghi, nghe ngóng
Khi lãnh đạo Bộ GTVT tuyên bố sẽ thiết lập các trạm kiểm soát tải trọng xe trên toàn quốc, có không ít sự hoài nghi trong dư luận. Khi ấy, “bóng ma” tiêu cực tại 25 trạm cân từng được triển khai (năm 2003 - PV) rồi sau đó bị dẹp bỏ lại hiện về. Sự hoài nghi ấy càng có cơ sở khi các trạm kiểm soát tải trọng bắt đầu phát sinh hàng loạt vấn đề như: Nạn “cò xe” vây kín trạm cân để tìm cách dẫn dắt xe qua trạm, lái xe chống đối cho xe lao cả vào trạm cân gây hư hỏng thiết bị, xe quá tải lách trạm đi vào các tuyến tỉnh lộ... Thậm chí, còn có những nghi vấn về tình trạng bảo kê cho “xe vua”, lực lượng tại trạm cân bắt tay với nhà xe để lách trạm… Sự hồ nghi lan đến cả các nhà xe, lái xe. Khi ấy hầu hết đều có tư tưởng “nằm chờ, nghe ngóng”. Không ít người còn nhận định rằng: “Qua cao điểm rồi sẽ là ... thấp điểm, mọi chuyện đâu lại vào đấy”.
Là lực lượng sát cánh trong chiến dịch kiểm soát tải trọng xe, Đại tá Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó cục trưởng Cục CSGT Đường bộ - Đường sắt (Bộ Công an) nhớ như in hình ảnh những đoàn xe lừng lững, xếp hàng trước các trạm cân. Ông kể, nhiều địa phương vừa làm vừa nghe ngóng xem tỉnh bạn có làm hay không. Có nơi còn lo sợ việc siết kiểm soát tải trọng sẽ ảnh hưởng đến phát triển kinh tế ở địa phương. Tất cả điều đó khiến dư luận cả nước như dồn cả vào những động thái của Bộ GTVT với một câu hỏi: “Có làm thực sự hay không?”.
Và tất cả những hoài nghi trên đều tan biến khi gần như ngay tức thời, để trả lời câu hỏi đó, lãnh đạo Bộ GTVT mà trực tiếp là Bộ trưởng Đinh La Thăng đã tuyên bố dứt khoát: “Lái xe, chủ xe, hay chủ doanh nghiệp cứ nghe ngóng, nhưng các biện pháp kiểm soát tải trọng chỉ có tăng lên chứ không giảm đi hay dừng lại. Cuộc chiến này tuy cam go, phức tạp nhưng sẽ thực hiện đến cùng. Chỉ như vậy mới dập tắt được tâm lý nghe ngóng, chờ đợi”. Bộ trưởng cũng khẳng định, trong cuộc chiến này sẽ không có ngoại lệ cho bất cứ trường hợp nào bởi nếu “tạo điều kiện” cho doanh nghiệp này, sẽ không thể xử lý được các doanh nghiệp khác…
Ông Nguyễn Văn Huyện cũng thừa nhận: “Nếu lúc đó lãnh đạo Bộ không có sự quyết tâm và sự khẳng định như đinh đóng cột như vậy, chúng tôi cũng không thể vững tâm thực hiện. Bởi đây là vấn đề phức tạp mà chỉ ngành GTVT thôi không đủ sức làm”.
Chở đúng tải giờ là nhu cầu tự thân
Anh Nguyễn Văn Nhật, lái xe chuyên cung cấp gạch lát nền cho các đại lý tại Hà Nội tâm sự với chúng tôi: “Trước đây, bao giờ tài xế cũng phải chấp nhận chở gấp ba lần tải trọng thiết kế của xe. Thậm chí, mỗi chuyến đi đều phải mang theo một bình nước để tưới lốp. Trên đường cứ phải trốn chui trốn lủi nhưng mặt bằng giá cước chung rồi, mình không làm thì không ai thuê. Từ khi siết chặt tải trọng, biết là không thể chạy quá tải được nữa nên khi đàm phán lại giá cước với chủ hàng cũng dễ dàng hơn. Giờ cứ đúng tải mà chạy, vừa đỡ hỏng xe, an toàn lại không phải xin xỏ ai nữa”.
Ông Đặng Thế Phương, Giám đốc Công ty giao nhận vận tải Phương Lâm (Hải Phòng) cũng tâm sự: Các nhà xe cạnh tranh với nhau bằng cách giảm giá cước nên phải chở quá tải. Khi đó, chỉ có chủ hàng được lợi còn nhà xe, lái xe phải gánh chịu bao khổ cực trên đường, tìm đủ mọi phương cách đối phó, thậm chí tiêu cực phí. Giờ siết chặt tải trọng rồi, chẳng thể làm kiểu chộp giật như thế mãi. Chúng tôi đã đàm phán xong giá cước mới nên bớt đi nhiều lo lắng trên đường.”
Tất cả những chia sẻ đó là tâm trạng chung của cánh lái xe và chủ xe hiện nay sau hàng loạt những giải pháp quyết liệt, mạnh tay của ngành GTVT, Công an và các địa phương trong cuộc chiến chống xe quá tải. Trong số các giải pháp đó, xử lý tận gốc, quản lý chặt ngay tại các bến cảng, nhà máy, mỏ vật liệu được đặt lên hàng đầu. Việc tuần tra phát hiện, xử phạt chỉ là phần ngọn. Bộ GTVT đã yêu cầu các đơn vị là nguồn hàng lớn như: Nhà ga, bến cảng, dự án giao thông… đi đầu trong việc thực hiện ký cam kết không xếp hàng hóa quá tải. Trường hợp không chấp hành, để xe quá tải lộng hành, trực tiếp người đứng đầu sẽ bị xử lý trách nhiệm, thậm chí kỷ luật cách chức ngay.
Đối với thanh tra giao thông- lực lượng chính thực thi nhiệm vụ tại các trạm cân, Bộ GTVT yêu cầu siết chặt kỷ cương, loại bỏ tiêu cực. Nhiều lần ông Lê Thanh Hà - Chánh Thanh tra GTVT bị Bộ trưởng Đinh La Thăng truy vấn về trách nhiệm của thanh tra trong việc để xe quá tải lọt trạm. Bộ trưởng yêu cầu chống tiêu cực trước hết phải ở chính lực lượng thanh tra. Phát hiện được thanh tra nào tiêu cực, tiếp tay xe quá tải phải truy tố, xử lý hình sự để răn đe. Từ đó, tình trạng các trạm kiểm soát tải trọng xe lơ là, tiếp tay cho xe quá tải giảm hẳn.
63 trạm kiểm soát tải trọng xe trên cả nước lúc đầu chỉ làm ban ngày, không làm ngày nghỉ. Tuy nhiên, sau khi có chỉ lệnh bất di bất dịch của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, địa phương nào để lọt xe quá tải, chủ tịch tỉnh đó phải chịu trách nhiệm, tất cả các trạm cân đã hoạt động liên tục 24/24h, 7 ngày trong tuần không ngơi nghỉ. Thậm chí, ở nhiều địa phương còn thực hiện những giải pháp chưa có tiền lệ.
Ông Mai Tiến Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam cho biết, ông đã trực tiếp nhiều lần gọi điện mời các doanh nghiệp vận tải đến họp, yêu cầu cam kết và tự mình “vi hành” bắt xe chở quá tải. “Hà Nam sẽ không làm theo hình thức mà sẽ chủ động, kiên trì và quyết liệt, chấp nhận va chạm để xóa xe quá tải”, ông Dũng tuyên bố thẳng thừng.
Đại tá Nguyễn Ngọc Tuấn cho biết: “Qua 9 tháng thực hiện kiểm soát tải trọng phương tiện, cái được lớn nhất là ý thức của lái xe, doanh nghiệp đã thay đổi và chấp hành tốt. Dù xe quá tải chưa hoàn toàn bị loại bỏ, nhưng giờ chở đúng tải bắt đầu là nhu cầu tự thân của lái xe, doanh nghiệp”.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Văn Huyện chia sẻ, thật mừng là những nỗ lực của ngành GTVT, các bộ, ngành chức năng và địa phương đã mang lại kết quả tích cực. Cái được lớn nhất là đã làm thay đổi nhận thức của chủ hàng, doanh nghiệp vận tải. Qua việc kiểm soát chặt xe quá tải, ngành GTVT đang định hướng và bắt đầu phát triển được hài hòa các phương thức vận tải. Đường sắt, hàng hải, đường thủy nội địa đã bắt đầu san sẻ được gánh nặng cho đường bộ. Minh chứng là tuyến vận tải sông pha biển, sau hàng chục năm “chết yểu”, giờ bắt đầu “sống lại”. Điều này sẽ giúp giảm mặt bằng giá cước và đưa thị trường vận tải phát triển minh bạch hơn.
Nguyên Thứ trưởng GTVT Ngô Thịnh Đức cũng thẳng thắn thừa nhận: “Các nhiệm kỳ trước chúng tôi cũng đặt ra vấn đề kiểm soát tải trọng xe nhưng đều thất bại vì những lý do liên quan đến tiêu cực. Giờ Bộ GTVT làm được, triển khai thành công có ý nghĩa thiết thực bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông và đảm bảo ATGT”.
Tiến Mạnh - Khánh Hà
giao thông vận tải
|