Chủ Nhật, 16/11/2014 08:03

Xóa cơ chế 'bộ chủ quản'

Cần tập trung về một đầu mối quản lý và sử dụng vốn nhà nước tại các DN. Đây là quan điểm của Đại biểu Trần Hoàng Ngân (Đoàn ĐB TP HCM) khi trao đổi với DĐDN bên hành lang Quốc hội.

Theo ĐB Ngân, thời gian vừa qua nguồn vốn của nhà nước đầu tư vào các DN do quá nhiều cơ quan quản lý nên hiệu quả quản lý vốn thấp lại thiếu tách bạch với quản lý nhà nước nên ảnh hưởng đến các nguyên tắc của kinh tế thị trường.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân

- Vậy theo ông việc tách bạch cần làm rõ hơn điều gì?

Chúng ta có quy định rồi, có những lĩnh vực mà tư nhân không đầu tư. Một nguyên tắc là không đầu tư vào những ngành, lĩnh vực, sản phẩm và khu vực kinh tế tư nhân hoặc xã hội có đủ năng lực và điều kiện cung ứng với chất lượng và hiệu quả bằng hoặc cao hơn.

Nhà nước có thể đầu tư giai đoạn đầu vào ngành đó, nhưng giữa chừng thấy rằng tư nhân có thể đảm trách được thì nên giãn ra để thị trường tự điều chỉnh. Nhiều quốc gia, một số lĩnh vực như hàng không, bưu điện nếu tư nhân có thể đảm trách thì Nhà nước chỉ đầu tư vào đó khoảng 20 năm, 30 năm chúng ta lại cho tư nhân tiếp quản. Ở đây có nghĩa là duy trì chứ không phải làm suốt, không được thoái vốn, không được chấm dứt. Đấy là nguyên tắc mà tôi cho rằng cũng phù hợp với Hiến pháp sửa đổi. Chúng ta nói quản lý kinh tế, điều hành kinh tế theo những quy luật khách quan của kinh tế thị trường, quy luật khách quan kinh tế thị trường là nhà nước vào lúc cần thiết, và lúc không cần thiết để khối tư nhân làm với nguyên tắc nhà nước không cạnh tranh với khu vực tư nhân và xã hội nếu khối này làm bằng hoặc tốt hơn Nhà nước.

- Như vậy, có thể hiểu, Luật Quản lý và sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại các DN sửa theo hướng bỏ cơ chế “bộ chủ quản” đối với các DNNN, thưa ông?

Đúng vậy! Tất cả nguồn vốn nhà nước đầu tư vào các DN chỉ nên do một cơ quan quản lý. Hiện nay, vốn nhà nước đang nằm trong DNNN là hơn 1.000.000 tỷ. Nguồn vốn này đang được rải rác, phân tán ở nhiều bộ, ban, ngành và ở 63 tỉnh, thành, các địa phương. Chúng ta thấy sự phân tán đó dẫn đến sử dụng vốn không hiệu quả, thậm chí chỗ thừa thì vẫn để gửi trong ngân hàng hưởng lãi suất thấp, còn chỗ thiếu phải đi vay với một lãi suất rất cao.

Do đó, chúng ta đang rất cần một cơ quan chuyên môn quản lý tập trung nguồn vốn này và cơ quan chuyên môn đó chịu trách nhiệm trước nhân dân là 90 triệu cổ đông. Bởi vì tài sản này tài sản của nhà nước và Quốc hội sẽ là cơ quan đại diện cho người dân để giám sát khoản vốn nhà nước. Cho nên, tôi nghĩ rất cần mô hình quản lý tập trung và mô hình đó có thể áp dụng theo mô hình của Singapore. Hình thành nên một Tổng cục quản lý vốn và chịu trách nhiệm báo cáo rất chi tiết. Cơ quan này sẽ tính toán nên đầu tư vào ngành nào, nên đầu tư vào loại hình nào, ở thời gian nào cho phù hợp. Trong khi chưa có một cơ quan quản lý ngang bộ về vốn đầu tư tại các DN, tôi đề nghị quản lý tập trung đó có thể nằm ở Bộ Tài chính hoặc Bộ Kế hoạch - Đầu tư.

- Thực tế, từ năm 2008 đến nay, chúng ta đã có mô hình TCty SCIC để quản lý và sử dụng vốn tại các DNNN. Tuy nhiên, SCIC đã thu nạp khoảng trên 1.000 DNNN và đã bán khoảng 300 DNNN. Phải chăng, chúng ta cần phải đẩy mạnh thoái vốn nhà nước tại các DN, thưa ông?

Cơ quan quản lý vốn tập trung chỉ đơn thuần thực hiện chức năng kinh doanh, đầu tư vốn không liên quan đến quản lý nhà nước.

Theo tôi, chúng ta phải nâng cấp mô hình SCIC nên để có thể thu nạp toàn bộ nguồn vốn nhà nước đầu tư tại các DNNN. Đầu tư ngoài ngành thì không nên, nhưng tôi không đồng tình với việc phải thoái vốn cho bằng được. Những nơi đang làm ăn hiệu quả thì cần tổ chức lại để đồng vốn được sinh lời. Phải làm sao 1 triệu tỷ đồng này có lãi cao chứ không như hiện nay chỉ có lợi nhuận tính tổng thể khoảng 7 – 8.000 tỷ đồng là quá thấp.

Cơ quan quản lý vốn nhà nước này phải làm sao để nguồn vốn của nhân dân không bị giảm đi mà phải tăng lên. Không thể để thoái vốn rồi dùng cho chi tiêu khác của Chính phủ được. Cơ quan này phải thường xuyên báo cáo và chịu trách nhiệm trước quốc hội. Trong bối cảnh nguồn thu ngân sách đang rất hạn hẹp, việc đầu tư vào sản xuất kinh doanh mang lại hiệu quả, tăng nguồn thu cũng là một vấn đề phải đặc biệt lưu tâm. Cần chắt chưu đồng vốn của nhân dân.

- Một mục tiêu khác để xóa bỏ cơ chế “bộ chủ quản” là tách quản lý nhà nước ra khỏi hoạt động sản xuất kinh doanh. Theo ông phải tổ chức ra sao để cơ quan quản lý vốn tập trung đó không rơi trở lại vào một mô hình quản lý nhà nước kiểu mới?

Cơ quan quản lý vốn tập trung chỉ đơn thuần thực hiện chức năng kinh doanh, đầu tư vốn không liên quan đến quản lý nhà nước. Họ sẽ điều hành lĩnh hoạt các lĩnh vực nào quản trị tốt, hiệu quả thì phát triển, lĩnh vực nào kém hiệu quả thì co hẹp lại. Cơ quan này cần phải được giao quyền chủ động và không chịu sức ép quản lý nhà nước từ bất cứ bộ ngành nào. Họ quyết định cổ phần hóa DN nào hay bán DN nào là toàn quyền của họ.

Đẩy nhanh mô hình cơ quan quản lý vốn tập trung chính là tách quản lý nhà nước ra khỏi kinh doanh. Đồng thời công tác kiểm tra, giám sát nguồn vốn nhà nước đầu tư vào DN cũng sẽ dễ dàng hơn, minh bạch hơn.

- Xin cảm ơn ông!

Đề xuất cơ quan chuyên trách ngang bộ thực hiện quản lý vốn Nhà nước

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Luật không quy định cụ thể đại diện chủ sở hữu là các Bộ, UBND... mà vẫn giao quyền cho Chính phủ, đồng thời đề nghị Chính phủ nghiên cứu mô hình để từ đó có những đề xuất phù hợp, sát thực tiễn và góp phần thiết thực vào việc nâng cao hiệu quả quản lý vốn Nhà nước đầu tư tại DN. Thảo luận về vấn đề này, nhiều ý kiến đại biểu đồng tình với định hướng nghiên cứu, thành lập mô hình đại diện chủ sở hữu. Đại biểu Đỗ Văn Vẻ (Thái Bình) cho rằng, mô hình này sẽ bảo đảm công khai, minh bạch trong đánh giá hiệu quả sử dụng vốn nhà nước của DN, tăng cường trách nhiệm của cá nhân, tổ chức đối với việc đầu tư, quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại DN. Tuy nhiên, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo bổ sung quy định cơ quan chủ sở hữu không nhất thiết phải là cơ quan soạn thảo chính sách, tham gia vào thị trường, không can thiệp vào thị trường bằng mệnh lệnh hành chính. Theo đại biểu Trương Văn Vở (Đồng Nai), việc giao cho Chính phủ nghiên cứu và đề xuất mô hình phù hợp cần xem xét lại. Cần quy định ngay trong luật việc thành lập cơ quan chuyên trách ngang bộ thực hiện quản lý vốn Nhà nước bởi đây là đòi hỏi khách quan từ thực tiễn đang đặt ra. Đại biểu Phạm Huy Hùng (Hà Nội) lại đề nghị thành lập Tổng cục Quản lý vốn Nhà nước, một mô hình tương tự như mô hình của TCty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) hiện nay.

Tại kỳ họp Quốc hội trước, một số ý kiến đề nghị nghiên cứu thực hiện mô hình tập trung và có thể giao cho một cơ quan thực hiện quản lý và giám sát toàn bộ vốn Nhà nước tại DN, bảo đảm tách bạch với cơ quan quản lý Nhà nước. Việc nghiên cứu thành lập một cơ quan chuyên trách về quản lý và giám sát toàn bộ vốn nhà nước đầu tư tại DN sẽ tạo được đột phá, thay đổi cơ bản trong việc quản lý DN có vốn đầu tư của Nhà nước, tách biệt chức năng quản lý nhà nước và chức năng chủ sở hữu DN.


Bá Tú thực hiện

Diễn đàn doanh nghiệp

Các tin tức khác

>   Thị trường bán lẻ trước sự “đổ bộ” của DN ngoại (15/11/2014)

>   Đánh giá tiềm năng dầu khí tại Việt Nam (15/11/2014)

>   Đã đến lúc bắt tay vào thành lập bộ kinh tế biển (15/11/2014)

>   Môi trường kinh doanh - Những góc nhìn (15/11/2014)

>   Hiến kế tái cơ cấu nông nghiệp: “Nghịch lý thừa, thiếu thị trường” (15/11/2014)

>   Chống dịch bệnh tôm: Dân cuống cuồng, quan chẳng vội (15/11/2014)

>   “Năm vàng” xuất khẩu lao động sang Nhật (15/11/2014)

>   Tiện ích công nghệ sao phải lo sợ, cấm đoán? (15/11/2014)

>   Coi thu hút FDI là động lực quan trọng trong phát triển kinh tế (15/11/2014)

>   Nhà xe ở Hà Nội "lánh mặt," kêu khó trước sức ép giảm cước (15/11/2014)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật