Coi thu hút FDI là động lực quan trọng trong phát triển kinh tế
10 tháng qua, đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đang trên đà phục hồi, thể hiện qua con số giải ngân, việc cấp giấy chứng nhận...
* FDI tăng - Mừng ít, lo nhiều
* Băn khoăn ưu đãi FDI
* Đừng luỵ FDI mà bạc đãi doanh nghiệp Việt
Nhà máy nước giải khát của Nhật Bản xây dựng tại Bình Dương.
|
Dòng vốn đầu tư nước ngoài giữ nhịp tăng trưởng cũng thể hiện sự ổn định đầu tư vào Việt Nam ngay bối cảnh tình hình kinh tế-xã hội trong khu vực, thế giới còn khó khăn.
Tuy nhiên, tiến sỹ Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Trung ương (CIEM) cho rằng, các chính sách nhằm thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) còn nhiều bất cập.
Để tăng cường thu hút FDI trong thời gian tới, Việt Nam cần coi thu hút FDI như một động lực quan trọng và đang vận hành tốt trong phát triển kinh tế Việt Nam.
Quy mô dự án FDI đang nhỏ dần
Theo công bố của Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến ngày 20/10, cả nước có 1.306 dự án mới được cấp Giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đăng ký 9,95 tỷ USD, bằng 76,1% so với cùng kỳ năm 2013.
Bên cạnh đó, có 469 lượt dự án tăng vốn đầu tư với tổng vốn đăng ký tăng thêm là 3,74 tỷ USD, bằng 60,9% so với cùng kỳ năm 2013. Như vậy, tính chung cả cấp mới và tăng vốn trong 10 tháng của năm 2014, các nhà đầu tư nước ngoài đã đăng ký đầu tư vào Việt Nam 13,7 tỷ USD, bằng 71,2% so với cùng kỳ 2013.
Giải thích nguyên nhân về vốn đăng ký FDI sụt giảm, Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, ông Nguyễn Nội cho biết, vốn đăng ký giảm có nguyên nhân là do số lượng dự án quy mô lớn trong năm nay không nhiều, trong khi năm 2013 có nhiều dự án quy mô lớn được cấp phép. “Ngay từ ban đầu, đặt kế hoạch cho năm 2014, chúng tôi cũng dự đoán ít có dự án lớn,” ông Nội nói.
Cục Đầu tư nước ngoài cho biết quy mô dự án FDI đang nhỏ dần đi. Hiện số dự án có vốn đầu tư trên 1 tỷ USD là rất thấp, còn số dự án có vốn đầu tư dưới 5 triệu USD lại chiếm tới khoảng 70% tổng số dự án.
Theo giáo sư, tiến sỹ khoa học Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, hiện nay, đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thì cần lưu ý hiện tượng có khá nhiều doanh nghiệp nhỏ đã được cấp phép trong khi Việt Nam cần coi trọng hơn chất lượng FDI.
“Nếu không quy định minh bạch và công khai một số điều kiện thành lập doanh nghiệp FDI mà áp dụng không ghi ngành nghề kinh doanh, không quy định vốn tối thiểu từng ngành, lĩnh vực thì không biết điều gì sẽ xảy ra,” giáo sư Nguyễn Mại băn khoăn.
Có nhiều lý do giải thích cho việc vốn FDI vào Việt Nam tiếp tục xu hướng sụt giảm so với năm trước. Một trong những nguyên nhân vẫn là câu chuyện môi trường đầu tư - kinh doanh của Việt Nam chưa thực sự được cải thiện một cách đột phá so với các thị trường trong khu vực. Bên cạnh đó, cũng có nhiều ý kiến cho rằng, thu hút đầu tư nước ngoài của chúng ta chưa tạo được động lực phát triển cho doanh nghiệp trong nước.
Tuy nhiên, theo ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Quản lý khu kinh tế (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), nhìn vào thực tế, hiện vẫn rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài quyết định đầu tư vào Việt Nam ; trong đó có nhà đầu tư Trung Quốc, Đài Loan . Điều này cho thấy họ tiếp tục tin tưởng vào tiềm năng và môi trường đầu tư của Việt Nam.
Ông Đông ví dụ việc hai dự án lớn có vốn đăng ký đầu tư từ 1 tỷ USD vừa được cấp giấy chứng nhận đầu tư, đó là dự án Công ty Trách nhiệm hữu hạn điện tử Samsung CE Complex do nhà đầu tư Samsung Asia Pte. Ltd. - Singapore đầu tư tại Thành phố Hồ Chí Minh với tổng vốn đầu tư đăng ký 1,4 tỷ USD và dự án Công ty Trách nhiệm hữu hạn Samsung Display Bắc Ninh do nhà đầu tư Hàn Quốc đầu tư tại Bắc Ninh với tổng vốn đầu tư đăng ký 1 tỷ USD đã chứng minh điều này.
Cục Đầu tư nước ngoài cũng cho biết, tính đến ngày 20/10, đã có khoảng 10,15 tỷ USD vốn FDI được giải ngân, tăng 5,9% so với cùng kỳ năm trước.
Đây là kết quả tích cực và nguyên nhân là do một số dự án lớn được cấp chứng nhận đầu tư từ các năm trước đang giải ngân rất nhanh. Dự kiến cả năm nay, vốn thực hiện có khả năng đạt 12,5 tỷ USD, tăng 8,7% so với năm 2013.
Tình hình hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp FDI trong 10 tháng qua cũng tăng trưởng khá tốt. Cụ thể xuất khẩu của khu vực này (kể cả dầu thô) trong đạt 82,48 tỷ USD, tăng 13,6% so với cùng kỳ và chiếm 67% kim ngạch xuất khẩu.
Việt Nam tiếp tục được đánh giá là điểm đến hấp dẫn, an toàn với các doanh nghiệp nước ngoài khi đang có những cuộc đàm phán ở giai đoạn cuối các Hiệp định liên quan đến FDI với khu vực và các quốc gia ở EU, Nga, Hàn Quốc...
Cần có định hướng rõ ràng
Để nâng cao hiệu quả thu hút FDI trong năm 2014 và những năm tới, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, ông Đỗ Nhất Hoàng, cho biết ngành sẽ thu hút đầu tư theo hướng tăng cường thu hút dự án quy mô lớn, sản phẩm cạnh tranh, tham gia chuỗi giá trị toàn cầu của các tập đoàn đa quốc gia; đồng thời, chú trọng dự án quy mô vừa và nhỏ. “Vì không thể nói chỉ kêu gọi dự án đầu tư nước ngoài lớn mà không gọi dự án nhỏ,” Cục trưởng nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, định hướng thu hút FDI trong thời gian tới sẽ tập trung cho các ngành công nghiệp-xây dựng, dịch vụ và nông lâm ngư; các hoạt động sản xuất ở chuỗi giá trị cao hơn trong mạng sản xuất toàn cầu và khu vực để bù đắp thiếu hụt đầu tư do sự dịch chuyển FDI từ Việt Nam sang các nước có chi phí lao động thấp hơn.
Đối với các dự án khai thác tài nguyên chỉ cấp phép cho các dự án chế biến sâu, với công nghệ máy móc thiết bị hiện đại và có phương án xứ lý môi trường; hạn chế các dự án thâm dụng lao động mà không đòi hỏi công nghệ, giá trị gia tăng thấp. Đồng thời thu hút các dự án vào các ngành sản xuất đầu vào trung gian, các dự án dịch vụ trung gian và dịch vụ có giá trị gia tăng cao. Trong đó, quan trọng là thu hút FDI vào ngành công nghiệp hỗ trợ.
Tuy nhiên, để hiện thực hóa mục tiêu này, Việt Nam cần có chiến lược thu hút thị trường và đối tác phù hợp với từng loại hình. Bên cạnh đó, chăm sóc tốt các nhà đầu tư hiện hữu tại Việt Nam và cải thiện hơn nữa hình ảnh trong cộng đồng các nhà đầu tư hiện hữu. Đây sẽ là kênh quảng bá cực kỳ quan trọng đến cộng đồng đầu tư nước ngoài.
Hiện Việt Nam đang có những địa phương thu hút đầu tư nước ngoài rất tốt, ví dụ như Bình Dương được nhà đầu tư Mỹ đánh giá cao về hỗ trợ doanh nghiệp, giải quyết thủ tục. Giáo sư, tiến sỹ Nguyễn Mại cho biết, thời gian tới, cần nhân rộng những mô hình tốt như vậy.
Viện trưởng Nguyễn Đình Cung thì cho rằng, trong quá trình triển khai thực hiện, các địa phương nên có định hướng một cách rõ ràng, đặc biệt cần đặt ra những tiêu chí tương đối rõ ràng trong cách lựa chọn các nhà đầu tư. Bên cạnh đó, các địa phương cần có những chính sách minh bạch và công bằng vì lợi ích của cả hai phía.
Với cách tiếp cận đó thì Việt Nam hoàn toàn phù hợp với bối cảnh hiện nay và đặc biệt với những nơi như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh hay các tỉnh lân cận khi chất lượng của dự án đầu tư, chất lượng nhà đầu tư cần được coi trọng trong thu hút đầu tư nước ngoài.
“Việt Nam đã làm hết mình để tạo ra môi trường đầu tư kinh doanh tốt nhất, hấp dẫn các nhà đầu tư vào Việt Nam nhưng việc quyết định có đầu tư hay không sẽ không phụ thuộc vào sự nỗ lực hay mong muốn của Việt Nam,” Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh nhấn mạnh như vậy.
Người đứng đầu ngành Kế hoạch và Đầu tư vẫn hoàn toàn tin tưởng thu hút FDI có thể đạt được mức 15-16 tỷ USD trong năm 2014 này.
Thúy Hiền
vietnam+
|