Thứ Hai, 17/11/2014 06:23

Lãng phí khủng trong điều hành giao thông

Nhiều dự án được đầu tư tiền tỉ nhưng không kết nối với nhau, trở thành những mảnh ghép rời rạc.

UBND TP.HCM vừa yêu cầu Sở GTVT đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án xây dựng Trung tâm Điều hành giao thông đô thị TP nhằm quản lý, kiểm soát, điều hành hệ thống giao thông và tích hợp thông tin để phòng, chống tội phạm. Thực tế sau nhiều năm nghiên cứu, đến nay trung tâm này vẫn còn nằm… trên giấy.

Chưa có trung tâm điều hành nên các bảng quang báo chỉ mới chỉ dẫn hướng đi, loại xe bị cấm lưu thông… mà chưa có tác dụng điều hòa giao thông. Ảnh: L.ĐỨC

Những mảnh ghép rời rạc

Từ năm 2002 tới nay, cả chục dự án điều hành giao thông đã được triển khai ở TP.HCM với kinh phí lên tới hàng trăm tỉ đồng. Cụ thể:

Tháng 12-2002, Trung tâm Điều khiển đèn tín hiệu giao thông đặt tại Phòng CSGT đường bộ (PC67 - Công an TP.HCM) do chính phủ Pháp tài trợ đi vào hoạt động. Có 48 giao lộ thuộc các quận 5, 6 và 11 được lắp camera quan sát, truyền dữ liệu về trung tâm.

Đầu năm 2009, Trung tâm Điều khiển chiếu sáng công cộng đặt tại đường Phạm Viết Chánh, quận 1 có tổng mức đầu tư 100 tỉ đồng ra đời. Trung tâm dùng hệ thống thông tin địa lý (GIS) để kiểm soát, điều khiển từ xa hệ thống đèn đường, đèn tín hiệu giao thông.

Tháng 6-2010, Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) lắp đặt 200 camera tại hơn 100 vị trí thường xuyên kẹt xe tại TP.HCM. Tới tháng 10-2010, Đài Tiếng nói nhân dân TP.HCM (VOH) cũng lắp đặt 200 camera quan sát giao thông tại các giao lộ thường ùn tắc với kinh phí từ ngân sách ước hơn 40 tỉ đồng.

Cuối năm 2012, Sở GTVT lắp thí điểm 14 bảng quang báo điện tử với vốn đầu tư trên 1 tỉ đồng/bảng nhằm hướng dẫn, điều hòa giao thông, cảnh báo tình hình kẹt xe...

Tuy nhiên, ông Lê Quyết Thắng, Giám đốc Khu Quản lý giao thông đô thị số 1, cho hay những hệ thống trên hoạt động độc lập, không kết nối được với nhau. Ngoài ra, hầu hết đèn tín hiệu/bảng quang báo được điều khiển theo lập trình sẵn hoặc bằng tay, gây khó khăn rất lớn cho việc điều hành. Các loại đèn tín hiệu, camera ở các công trình trên hiện đều đã xuống cấp (đầu dò đếm lưu lượng xe bị hư, cáp nối bị đứt...) nên hiệu quả khai thác không cao.

Một chuyên gia ngành giao thông nhận xét, các công trình trên như những mảnh ghép rời rạc đang nằm vung vãi, lãng phí khắp TP từ nhiều năm qua. TP rất cần một trung tâm điều hành để “gom” chúng lại và vận hành thống nhất để nâng cao hiệu quả điều hành giao thông.

Quy trình ngược

Theo một số chuyên gia giao thông và công nghệ thông tin, lẽ ra TP phải xây dựng một trung tâm điều khiển trước khi triển khai lắp đặt các thiết bị đầu vào, quan sát và hệ thống mạng nêu trên. Khi có trung tâm trước, hệ thống camera, thiết bị đầu vào và mạng mới đồng bộ, từ đó có thể mở rộng, nâng cấp (hoặc kết nối giữa trung tâm chính với các trung tâm nhỏ, chi nhánh) theo sự phát triển của giao thông TP. Nhưng như nêu trên, nhiều năm qua TP đã làm theo quy trình ngược lại.

Theo đề án điều hành giao thông năm 2009, trung tâm điều khiển sẽ được xây tại khu đất 152 Điện Biên Phủ, vốn là trụ sở của Khu Quản lý giao thông đô thị số 1, Sở GTVT. Sau đó, để có tiền xây trung tâm, vị trí trên được TP giao cho Công ty Cổ phần Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP.HCM (CII) xây dựng cao ốc văn phòng 27 tầng. Khi công trình hoàn thành sẽ dành một phần diện tích cho trung tâm điều khiển giao thông TP.

Mới đây, UBND TP kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép điều chỉnh công năng 2.400/5.800 m2 đất của dự án cao ốc văn phòng tại 152 Điện Biên Phủ sang căn hộ để bán. Nếu được chấp thuận thì dự án sẽ được khởi công ngay trong năm 2014 để đến quý II-2017 đưa vào khai thác. “Muốn được chấp nhận điều chỉnh dự án cũ thì phải lập dự án mới, phải qua nhiều khâu trình, duyệt rất tốn thời gian, công sức… Vì vậy việc có Trung tâm Điều khiển giao thông TP vẫn còn xa vời lắm!” - một cán bộ Sở GTVT nói.

Từ 100 tỉ vọt lên 3.800 tỉ đồng

Tháng 5-2009, Sở GTVT trình UBND TP dự án 100 tỉ đồng xây dựng Trung tâm Điều hành giao thông TP.HCM. Nguyên lý chung của hệ thống là dữ liệu thu được từ các điểm đặt camera, “mắt thần” tại các bảng quang báo điện tử, các chốt đèn... sẽ được truyền về trung tâm đặt tại 152 Điện Biên Phủ, quận Bình Thạnh.

Đầu năm 2012, Sở GTVT lại trình dự án Trung tâm Điều khiển giao thông TP với mức đầu tư lên tới 187 triệu USD (tương đương 3.800 tỉ đồng, trong đó chủ yếu là vốn vay ODA của chính phủ Pháp) và dự kiến triển khai từ năm 2012 đến 2017.

Theo Sở GTVT, Trung tâm 2012 đội vốn lên gấp 38 lần Trung tâm 2009 là do kết nối được với các hệ thống chốt đèn, bảng quang báo, camera… hiện hữu. Sau này, Trung tâm 2012 còn nối kết với hệ thống giao thông trên các tuyến đường cao tốc bao quanh TP, các tuyến đường vành đai… Từ trung tâm sẽ thực hiện được ba nhóm chức năng: Một, thống kê lưu lượng xe và tình hình giao thông trên toàn TP. Hai, từ trung tâm có thể điều chỉnh thời lượng, chu kỳ của đèn tín hiệu giao thông một cách linh hoạt. Ba, dữ liệu của trung tâm và hệ thống camera sẽ là cơ sở phạt nguội người vi phạm luật giao thông.

“Chỉ với ba chức năng trên mà tổng mức đầu tư đã “đội” lên quá lớn. Nay TP chỉ đạo trung tâm phải tích hợp thêm thông tin để phòng, chống tội phạm thì mức đầu tư sẽ lên bao nhiêu nữa?” - vị cán bộ Sở GTVT e ngại.

Họ đã nói

Hiện hệ thống camera giao thông trên cả nước hiệu quả không cao vì sử dụng công nghệ lạc hậu nên độ nhạy sáng, độ phân giải thấp. Hệ thống này chỉ phát hiện các lỗi vi phạm của ô tô như chạy quá tốc độ, đi sai làn đường chứ không ghi nhận được cụ thể biển số xe vi phạm nên khó có cơ sở xử lý.

Ông Phạm Đình Xinh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu an toàn giao thông

Ở cầu Công Lý (phía đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa hướng về đường Nguyễn Văn Trỗi) có hai bảng quang báo đặt ngay dưới dốc cầu. Khi đổ dốc cầu mọi người phải tập trung vào việc lái xe nên không thể quan sát nội dung trên bảng quang báo. Rõ ràng trước khi lắp đặt bảng quang báo, cơ quan chức năng đã không điều tra, phân tích kỹ đặc điểm lưu thông ở khu vực nên nó không phát huy tác dụng.

TS Nguyễn Hữu Nguyên, Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM

Chỉ nên lắp đặt bảng quang báo ở những tuyến đường cửa ngõ TP để tài xế biết tình hình giao thông ở khu vực nội thành khi đi vào và giao thông các tuyến ngoài TP khi đi ra. Các bảng quang báo này phải thông tin tình hình giao thông từ xa, phạm vi rộng chứ không phải ở một vài tuyến đường phía trước.

PGS-TS Phạm Xuân Mai, nguyên Trưởng khoa Giao thông Trường ĐH Bách khoa


Lưu Đức - Hoàng Tuyên

pháp luật tphcm

Các tin tức khác

>   Giảm thuế VAT cho vật tư nông nghiệp: Nông dân hưởng lợi nhiều nhất (16/11/2014)

>   Hợp tác Việt-Nga trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử (16/11/2014)

>   TPHCM: Khởi công nhà máy sản xuất xe chuyên dùng (16/11/2014)

>   Đầu tư hộ, đại gia mang nợ 30 tỷ (16/11/2014)

>   Xóa cơ chế 'bộ chủ quản' (16/11/2014)

>   Thị trường bán lẻ trước sự “đổ bộ” của DN ngoại (15/11/2014)

>   Đánh giá tiềm năng dầu khí tại Việt Nam (15/11/2014)

>   Đã đến lúc bắt tay vào thành lập bộ kinh tế biển (15/11/2014)

>   Môi trường kinh doanh - Những góc nhìn (15/11/2014)

>   Hiến kế tái cơ cấu nông nghiệp: “Nghịch lý thừa, thiếu thị trường” (15/11/2014)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật