Tối đa bao nhiêu vốn vay ngân hàng được rót vào cổ phiếu?
Ngân hàng Nhà nước vừa công bố Thông tư 36/2014/TT-NHNN, trong đó có quy định về tổng mức dư nợ cấp tín dụng để đầu tư kinh doanh cổ phiếu không được vượt quá 5% vốn điều lệ NHTM. Với quy định này, tối đa còn bao nhiêu vốn từ các ngân hàng thương mại được rót cho mục đích đầu tư, kinh doanh chứng khoán?
* Siết việc nắm cổ phần TCTD khác của NHTM, dư nợ đầu tư cổ phiếu không được quá 5% vốn
* VDSC: Đầu tư kết hợp margin không còn "hợp thời" trong ngắn hạn
Theo công bố từ Ngân hàng Nhà nước, tính đến thời điểm 30/09/2014, vốn điều lệ của hệ thống ngân hàng thương mại tại Việt Nam (NHTM Nhà nước, NHTM cổ phần, Ngân hàng liên doanh, nước ngoài) là gần 412,000 tỷ đồng.
Trong khi đó Thông tư 36 quy định tổng mức dư nợ cấp tín dụng của NHTM, chi nhánh NH nước ngoài đối với tất cả khách hàng để đầu tư kinh doanh cổ phiếu không được vượt quá 5% vốn điều lệ, vốn được cấp của NHTM, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Như vậy, nếu chưa xét đến điều kiện nợ xấu, thì tối đa sẽ có khoảng 20,600 tỷ đồng được phép rót vào cổ phiếu, đây cũng chính là một phần của nguồn vốn thường được sử dụng cho margin trên thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, nếu xét cả yêu cầu về tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng phải thấp hơn 3% theo quy định của Thông tư 36 thì số lượng tiền được phép sử dụng cho vay đầu tư kinh doanh chứng khoán sẽ thấp hơn rất nhiều.
Tính đến thời điểm cuối tháng 09/2014, trong nhóm các ngân hàng tương đối minh bạch về số liệu báo cáo tài chính, có một số ngân hàng đang có tỷ lệ nợ xấu trên 3% gồm Ngân hàng Quốc dân - NVB (4.94%), Eximbank – EIB (3.36%), Ngân hàng Á Châu - ACB (3.07%), Ngân hàng Quân Đội - MBB (3.06%). Nếu trừ các ngân hàng này (số ngân hàng có nợ xấu trên 3% là nhiều hơn), dư nợ cấp tín dụng tối đa cho thị trường cổ phiếu còn ở mức khoảng 18,800 tỷ đồng.
Tình hình nợ xấu tại 17 ngân hàng đã công bố BCTC quý 3/2014
ĐVT: tỷ đồng
|
Ngoài ra, xét đến quy định NHTM không được cấp tín dụng, ủy thác cho công ty con, công ty liên kết của TCTD để công ty con, công ty liên kết đầu tư kinh doanh cổ phiếu, cho vay để đầu tư kinh doanh cổ phiếu, một lượng vốn khác cũng sẽ phải rút ra khỏi cổ phiếu. Sẽ có một số nhà băng như ACB, DongABank, MBB, VCB, BIDV, CTG, ABBank, VPBank, Techcombank, VietCapitalBank... không được cấp tín dụng cho các công ty con như ACBS, DAS, MBS, VCBS, BSI, CTS, ABS, VPBS, TCBS, VCSC...
Được biết, gần đây theo thông tin từ báo chí, ông Phạm Hồng Sơn, Vụ trưởng Vụ Quản lý kinh doanh - UBCKNN, cho biết đến hết tháng 09/2014, lượng margin trên thị trường chứng khoán là gần 15,000 tỷ đồng. Tổng hợp đến tháng 10/2014 là trên 17,000 tỷ đồng theo số liệu tổng hợp do các công ty chứng khoán báo cáo.
Kể từ ngày 01/02/2015, Thông tư 36/2014/TT-NHNN chính thức được áp dụng, trong đó có nội dung quy định về điều kiện, giới hạn cấp tín dụng để đầu tư, kinh doanh cổ phiếu từ tổ chức tín dụng với các điểm đáng lưu ý:
- Chỉ được cấp tín dụng dưới hình thức cho vay, chiết khấu giấy tờ có giá đối với khách hàng để đầu tư, kinh doanh cổ phiếu khi đáp ứng điều kiện đảm bảo các giới hạn về tỷ lệ đảm bảo an toàn, có tỷ lệ nợ xấu dưới 3% và không được cấp tín dụng trung và dài hạn cho khách hàng để đầu tư, kinh doanh cổ phiếu.
- Tổng mức dư nợ cấp tín dụng với tất cả khách hàng để đầu tư kinh doanh cổ phiếu không được vượt quá 5% vốn điều lệ, vốn được cấp của NHTM, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (Thông tư 13 quy định NHTM, chi nhánh NH nước ngoài không cho vay chứng khoán - bao gồm cả trái phiếu - quá 20% vốn điều lệ).
- NHTM không được cấp tín dụng, ủy thác cho công ty con, công ty liên kết của TCTD để công ty con, công ty liên kết đầu tư kinh doanh cổ phiếu, cho vay để đầu tư kinh doanh cổ phiếu.
- Khoản cấp tín dụng của NHTM, chi nhánh nước ngoài cho khách hàng để đầu tư cổ phiếu không được bảo đảm bằng chính cổ phiếu đó.
- NHTM không được cấp tín dụng cho khách hàng để đầu tư kinh doanh cổ phiếu của chính NHTM, trừ trường hợp cho vay với người lao động.
- TCTD không được cấp tín dụng cho khách hàng để đầu tư, kinh doanh trái phiếu doanh nghiệp chưa niêm yết.
|
Anh Đức
|