Không chỉ có điều hòa, NAG chính thức “lấn sân” vào dệt may
Bên cạnh việc tái cấu trúc toàn bộ hoạt động trong lĩnh vực điện máy - điều hòa để giành lại thị phần, CTCP Nagakawa Việt Nam (HNX: NAG) cũng quyết định bước chân vào mảng dệt may với mục tiêu mở rộng quy mô và nâng cao vị thế doanh nghiệp.
* Cổ phiếu NAG có gì mà “mê hoặc” nhà đầu tư?
Điều hòa đã có sẵn đơn hàng cho hai năm tới
Trước năm 2011, thị phần trong lĩnh vực điều hòa và điện máy của NAG chiếm khoảng 6%. Song, do đầu tư dàn trải, không tập trung ưu tiên trong ngành truyền thống mà NAG đã đánh mất thị phần khi đến nay chỉ còn 4%.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Đức Khả - Chủ tịch HĐQT NAG cho biết, cùng với thành công của quá trình tái cơ cấu, thời điểm này NAG đã và đang quay trở lại với thị trường chủ lực vốn là thế mạnh từ lâu. Cùng với thương hiệu nổi tiếng, NAG đang hướng đến mục tiêu giành lại 8-10% thị trường máy điều hòa và điện gia dụng.
“Nếu không có gì thay đổi thì đến năm 2015, NAG sẽ hết lỗ lũy kế và có lãi”, ông Khả nhấn mạnh.
NAG là đơn vị duy nhất tại Việt Nam sản xuất được điều hòa máy lớn và máy trung tâm
Ảnh chụp tại nhà máy của Nagakawa Việt Nam tại Vĩnh Phúc.
|
Để thực hiện được điều này, ông Khả cho biết NAG sẽ tiếp tục tập trung vào kênh bán hàng truyền thống và thời gian tới thì khai thác mạnh hơn trong mảng dự án.
Cụ thể, đối với kênh bán hàng truyền thống thì đến nay NAG đã xây dựng xong kế hoạch cho năm 2015. Trong thời gian ngắn sắp tới, NAG sẽ tổ chức ba hội nghị khách hàng tại cả ba miền Bắc, Trung, Nam nhằm giới thiệu cho khách hàng dòng sản phẩm điều hòa không khí thế hệ mới có chất lượng cao và nhiều tính năng ưu việt, tiết kiệm năng lượng, đạt tiêu chuẩn 5 sao.
Thêm vào đó, để nâng cao thị phần, NAG sẽ tập trung mạnh vào chất lượng dịch vụ, marketing, tổ chức thêm các hội nghị về kỹ thuật để nâng cao tay nghề cho đội ngũ kỹ thuật viên của các trạm bảo hành ủy quyền trong toàn quốc và kiện toàn bộ máy…
Riêng với mảng dự án, hiện tại NAG đã có sẵn công ty thành viên là Công ty Đầu tư và Phát triển Kỹ thuật IDT chuyên về tư vấn, thiết kế thi công các công trình cơ điện và điều hòa không khí cho các công trình dân dụng và công nghiệp. Và nếu không có gì thay đổi thì công ty này sẽ chính thức ký kết hai hợp đồng tại 2 dự án ODA có quy mô 240 triệu USD vào quý 1/2015. Trong đó, NAG sẽ cung cấp dịch vụ điều hòa không khí với giá trị hơn 200 tỷ đồng.
Tiếp đó là dự án bệnh viện tại Cao Bằng và hai dự án bệnh viện tại Hà Nội theo nguồn vốn viện trợ ODA mà NAG đã theo đuổi từ lâu, dự kiến được triển khai vào năm 2015 và 2016. Giá trị hợp đồng mà NAG có được từ các dự án này cũng vào khoảng 250 tỷ đồng.
Ông Khả tin tưởng rằng, lãi suất thấp như hiện nay sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp trong nước cạnh tranh hơn với doanh nghiệp nước ngoài. Sự ảnh hưởng tích cực của thị trường bất động sản cũng góp phần làm tăng sức mua đối với thị trường điện gia dụng, trong đó có có máy điều hòa. Và đây chính là thời điểm để NAG nắm bắt cơ hội, tạo đột phá và giành lại thị phần.
Bước vào dệt may để đón đầu TPP
Bên cạnh việc kiện toàn hệ thống máy điều hòa, NAG đang bước đầu chuẩn bị cho sự đầu tư vào lĩnh vực dệt may để mở rộng quy mô và nâng cao vị thế của doanh nghiệp.
Nói về lý do NAG quyết định lấn sân sang lĩnh vực mới này, ông Khả chia sẻ: “Trong thời gian qua, NAG tự hào đã xây dựng được hệ thống quản trị tương đối chuyên nghiệp, cùng với những mối quan hệ trong ngành từ trước nên NAG cơ bản có được những thuận lợi khi tham gia ngành nghề mới. Bên cạnh đó, nếu hiệp định TPP được thông qua thì rõ ràng ngành dệt may trong nước sẽ có tiềm năng rất lớn”.
Được biết, NAG đang đàm phán với các đối tác nước ngoài là Hồng Kông (CTCP KLW) và Nhật Bản (Tập đoàn Toray) để xây dựng nhà máy dệt may tại Việt Nam.
Hiện tại, đối tác Hồng Kông đang đàm phán mua lại 10% cổ phần NAG để trở thành cổ đông chiến lược của Công ty. Ông Khả cho biết thêm, mức giá đang thương thảo để chuyển nhượng cho đối tác này là trên 20,000 đồng/cp (giá cổ phiếu NAG trên sàn hiện nay là 7,800 đồng/cp – người viết).
Theo kế hoạch, sau khi hợp tác với KLW và Toray, NAG sẽ đầu tư nhà máy dệt với vốn hằng trăm triệu USD và chuỗi nhà máy may với số lượng công nhân lên đến hơn 10,000 lao động.
Tiếp theo đó, dự kiến đầu năm tới thì NAG sẽ phát hành cổ phần cho cổ đông hiện hữu, tăng vốn nhằm bổ sung nguồn lực cho lĩnh vực dệt may và hoạt động kinh doanh của Công ty.
Khi quyết định bước vào lĩnh vực dệt may, lợi thế của NAG là được Tập đoàn Toray cam kết hỗ trợ cung cấp nguyên vật liệu đầu vào. Nguồn nguyên liệu này được tạo ra bởi các nước đang cùng tham gia hiệp định TPP, do đó đây là lợi thế cho chính NAG khi Việt Nam tham gia hiệp định này.
Được biết, hiện nay KLW đã xây dựng một nhà máy may tại Vĩnh Phúc với số lượng nhân công ban đầu là 1,000 người. Theo ông Khả, KLW đang bày tỏ mong muốn NAG cùng hợp tác để đầu tư và mở rộng nhà máy này.
Đây là nhà máy được xây dựng theo tiêu chuẩn của Nhật, từ khâu sản xuất, vệ sinh cho đến môi trường đều theo quy trình nghiêm ngặt. Vào thời điểm này, nhà máy này đã đáp ứng trước những đơn đặt hàng từ Nhật, Châu Âu và Mỹ.
Một số hình ảnh tại nhà máy may của KLW đặt tại Vĩnh Phúc
Sanh Tín
|