Chính sách về thị trường chứng khoán 2014: Đã hoàn thiện gì và còn lại gì?
Có thể nói năm 2014 là năm mà Ủy ban Chứng khoán (UBCK) dồn sức cho việc hình thành quỹ hoán đổi danh mục (ETF), hoàn thiện các thể chế giúp thúc đẩy công cuộc thoái vốn nhà nước và tạo nền tảng cho việc hình thành thị trường chứng khoán phái sinh. Qua đó tăng sản phẩm cho thị trường chứng khoán, góp phần nâng cao tính thanh khoản.
Đẩy mạnh tăng sản phẩm cho thị trường
Trong năm vừa qua, những biện pháp nhằm tăng sản phẩm mới cho thị trường chứng khoán được UBCK đặc biệt quan tâm và đã đem lại nhiều kết quả tích cực.
Cụ thể, vào giữa tháng 9/2014, UBCK ban hành quyết định số 51/2014/QĐ-TTg quy định một số nội dung về thoái vốn, bán cổ phần và đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán (TTCK) của doanh nghiệp nhà nước (DNNN). Quy định có điểm đáng chú ý là cho phép DNNN thoái vốn dưới mệnh giá, dưới giá trị sổ sách kế toán sau khi đảm bảo hạn chế tối đa tổn thất đầu tư và bảo tồn vốn nhà nước ở mức cao nhất khi chuyển nhượng.
Đây được xem như là “cú hích” thúc đẩy quá trình thoái vốn nhà nước, đem lại nhiều sản phẩm hơn cho thị trường chứng khoán. Theo ông Tống Minh Tuấn, Giám đốc khối IB VCBS, khi quá trình thoái vốn được thúc đẩy sẽ đem lại sự sôi động cho thị trường chứng khoán với nhiều hàng hóa cũng như lượng tiền đổ vào mua các doanh nghiệp từ khối DNNN. Đồng thời, sau khi vốn Nhà nước rút khỏi, các doanh nghiệp sẽ tiến hành tái cấu trúc và xuất hiện trên thị trường với diện mạo khác hẳn, hấp dẫn được một lượng lớn dòng tiền đầu tư (trong đó có cả đầu cơ tăng giá). Dẫu vậy, ông Tuấn cho biết thêm cần có những thông tư hướng dẫn cụ thể để việc thực hiện sớm đi vào thực tế và được triển khai.
Trong năm vừa qua, UBCK đã đạt được nhiều bước tiến trong việc tạo sản phẩm mới cho TTCK
|
Một điểm nhấn nữa là quỹ hoán đổi danh mục (ETF) nội đã chính thức đi vào hoạt động. Ngay từ đầu năm 2014, Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM (HOSE) và Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) đã tiến hành lấy ý kiến các thành viên thị trường về dự thảo quy chế, quy định liên quan đến Quỹ hoán đổi doanh mục (ETF).
Đến ngày 06/10/2014, chứng chỉ quỹ ETF nội đầu tiên E1VFVN30 đã chính thức chào sàn. Quỹ hoán đổi danh mục ETF VFMVN30 có thời hạn hoạt động không giới hạn, do CTCP Quản lý Quỹ đầu tư Việt Nam (Công ty VFM) quản lý. Quỹ hoạt động với số vốn 202 tỷ đồng, tương ứng với niêm yết 20.2 triệu chứng chỉ quỹ. Cùng với đó, vào cuối tháng 10 vừa qua, một quỹ ETF nội thứ hai do Công ty Quản lý tài sản SSI (SSIAM) quản lý đã chính thức gọi vốn và là quỹ đầu tư bám sát chỉ số HNX30.
Một động thái nhằm khuyến khích thị trường quỹ ETF phát triển tại Việt Nam, Trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD) đã thông qua quy chế tổ chức hoạt động vay và cho vay chứng khoán. Theo ý kiến nhiều chuyên gia, việc hình thành quỹ ETF nội mang lại tư duy đầu tư mới cho nhà đầu tư, góp phần thúc đẩy dòng tiền. Ngoài ra quỹ ETF nội còn có thể góp phần thay đổi hành vi và văn hóa đầu tư trên TTCK. Tuy nhiên, hiện tại thì mức độ quan tâm của nhà đầu tư vẫn chưa cao, thanh khoản của chứng chỉ quỹ ETF nội đầu tiên E1VFVN30 bình quân chỉ khoảng 200,000 đơn vị mỗi phiên.
Chính sách được mong đợi
Một trong những chính sách được mong đợi từ lâu, thị trường chứng khoán phái sinh, đã đạt được bước tiến lớn trong năm 2014 khi xác định rõ lộ trình và mọi thứ vẫn đang đi đúng hướng.
Cụ thể, lộ trình hình thành thị trường chứng khoán phái sinh gồm 3 giai đoạn. Giai đoạn đầu tiên, 2013-2015, là giai đoạn xây dựng khung pháp lý, hoàn thiện hạ tầng cơ sở vật chất, công nghệ bao gồm hệ thống giao dịch, thanh toán bù trừ chứng khoán phái sinh, hệ thống giám sát và công bố thông tin tại các Sở giao dịch chứng khoán, Trung tâm lưu ký chứng khoán và thành viên thị trường...
Cho đến hiện nay, UBCK đã hoàn thiện dự thảo Thông tư hướng dẫn tổ chức và hoạt động trên TTCK phái sinh Việt Nam và công bố rộng rãi để lấy ý kiến các tổ chức, cá nhân, các thành viên thị trường. Trong đó có quy định quy mô dành cho CTCK muốn tham gia lĩnh vực này, như thực hiện hoạt động môi giới chứng khoán phái sinh phải có vốn điều lệ và vốn chủ sở hữu từ 800 tỷ đồng trở lên còn muốn hoạt động tự doanh chứng khoán phái sinh phải có vốn từ 600 tỷ đồng trở lên.
Ngoài ra, UBCK cũng đã công bố Dự thảo Thông tư hướng dẫn đăng ký, lưu ký, bù trừ và thanh toán giao dịch chứng khoán để lấy ý kiến các thành viên thị trường.
Giai đoạn tiếp theo 2016-2020 là tổ chức vận hành TTCK phái sinh, trước mắt sẽ là các sản phẩm phái sinh dựa trên chỉ số chứng khoán, trái phiếu Chính phủ và cổ phiếu. Cụ thể, Tiến sỹ Nguyễn Sơn, Vụ trưởng Vụ phát triển thị trường – UBCK, tiết lộ tại “Hội thảo Cơ hội đầu tư các sản phẩm mới của TTCK Việt Nam” diễn ra vào cuối tháng 3/2014 là sản phẩm giao dịch đầu tiên sẽ gồm hợp đồng tương lai dựa trên chỉ số và trái phiếu chính phủ.
Cuối cùng, giai đoạn sau 2020 là hoàn thiện và nâng cao chất lượng hoạt động của TTCK phái sinh, từng bước đa dạng hóa các sản phẩm giao dịch.
Chính sách được mong đợi thứ hai là cho phép vay mượn chứng khoán, hay còn gọi bán khống. Trao đổi với người viết, ông Nhữ Đình Hòa - Tổng Giám đốc CTCK Bảo Việt (BVS) nhận định, nếu cơ chế này được cho phép ở thị trường Việt Nam sẽ hỗ trợ đáng kể cho nghiệp vụ quản trị rủi ro và tạo ra sân chơi mới cho nhà đầu tư.
Cùng quan điểm ông Huỳnh Minh Trí - Phó Giám đốc CTCK Công thương Chi nhánh TPHCM (CTS) nêu ra tại hội thảo “Tính hai mặt của hoạt động giao dịch ký quỹ trên TTCK Việt Nam”, TTCK Việt Nam chỉ cho giao dịch một chiều là ký quỹ mua, ký quỹ bán vẫn chưa được phép, nên khi thị trường rớt mạnh thì nhà đầu tư chỉ biết lo sợ, chờ đợi và bán cổ phiếu khi chạm ký quỹ quy định. Nếu cho phép bán khống (vay để bán) thì có thể cân bằng lại thị trường, tức là nhà đầu tư có thể bán trước mua sau, từ đó tạo nguồn cầu và giúp cổ phiếu tăng trở lại.
Tuy nhiên, do chứa đựng nhiều rủi ro nên UBCK cũng cần có nhiều cân nhắc và lộ trình áp dụng phù hợp.
Dẫu vậy, trong dự thảo thông tư hướng dẫn hoạt động đăng ký, lưu ký, bù trừ và thanh toán giao dịch chứng khoán mà UBCK gửi đến các thành viên thị trường lấy ý kiến gần đây cũng mới cho phép thành viên lưu ký tại VSD được vay chứng khoán trong một số trường hợp và phải có tài sản thế chấp giá trị đạt tỷ lệ 110% đến 115% giá trị khoản vay. Cần nhắc lại là thành viên lưu ký chỉ gồm công ty chứng khoán và ngân hàng thương mại.
Đợi nới room tới bao giờ?
Bên cạnh những chính sách đạt được bước tiến dài thì các chính sách khác như nới room ngoại, chuẩn hóa luật phát hành cổ phần dưới mệnh giá hay chính sách thuế trên thị trường chính khoán gần như dậm chân tại chỗ.
Vấn đề tăng tỷ lệ sở hữu cho nhà đầu tư nước ngoài (nới room) tại các doanh nghiệp niêm yết, doanh nghiệp đại chúng nóng lên từ cuối năm trước. Thậm chí, dự thảo đề án nới room cũng đã được UBCK hoàn thiện và trình lên Thủ tướng.
Ông Vũ Bằng - Chủ tịch UBCK, vào đầu tháng 6 cho biết Chính phủ đã giao cho Bộ Kế hoạch Đầu tư rà soát, phân loại danh mục ngành nghề để chọn lọc ra ngành được nới room, ngành không được. Cho nên đề án nới room vẫn còn phải chờ Chính phủ quyết, nhiều khả năng đến hết năm 2014 vẫn chưa thể hoàn tất. Riêng với ngành chứng khoán có lẽ sẽ được thực hiện sớm hơn bởi tính đặc thù. Hiện đang có hai loại hình là công ty chứng khoán có vốn ngoại dưới 49% và công ty chứng khoán 100% vốn ngoại, UBCK dự kiến tách ngành chứng khoán ra khỏi đề án nới room chung để trình Bộ Tài chính.
Có thể nói, thông tin nới room đã được bàn luận rất nhiều trong hơn 1 năm qua, nhiều chuyên gia nhận định rằng điều này sẽ không còn ảnh hưởng lớn đến thị trường nữa và nhà đầu tư thì đang chai sạn dần. Dẫu vậy, thực tế là nới room vẫn là chủ đề nóng và nhận được sự quan tâm của giới đầu tư, thể hiện qua việc hàng loạt mã chứng khoán tăng giá sau thông tin sẽ nới room cho ngành chứng khoán trước vào đầu tháng 6, kéo theo thị trường tăng điểm khá tích cực.
Bên cạnh đề án tăng tỷ lệ sở hữu cho nhà đầu tư ngoại thì các chính sách khác như chuẩn hóa luật phát hành cổ phần dưới mệnh giá hay chính sách thuế trên thị trường chính khoán cũng đang trong tình trạng treo, chưa có bước tiến triển đáng kể.
Mỹ Hà
Xem thêm:
* Nhìn lại chính sách trên TTCK năm 2013
|