Tái cơ cấu kinh tế không thể làm trong một đêm
Tái cơ cấu là quá trình dài, nếu nóng vội, sốt ruột có thể có những quyết định sai lầm. Nhưng cũng không được trì trệ, trì hoãn quá trình này. Đến năm 2015, sẽ có nhiều chuyển động tốt hơn cho quá trình tái cơ cấu nền kinh tế.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh. Ảnh: Báo Đầu tư
|
Trên một số diễn đàn, hội thảo về kinh tế, không ít ý kiến bày tỏ lo ngại với tiến trình chậm chạp cũng như kết quả còn mờ nhạt của việc tái cơ cấu nền kinh tế. Tuy nhiên, cũng có không ít ý kiến cho rằng tái cơ cấu kinh tế là việc lớn, không thể nóng vội, làm gọn trong một đêm.
Trước câu hỏi của phóng viên Báo Đầu tư về việc Bộ trưởng sẽ nói gì nếu phải trả lời chất vấn trong Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII về tiến trình tái cơ cấu còn chậm chạp; Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Bùi Quang Vinh cho biết sẽ trả lời trước cử tri và Quốc hội rằng, thời gian qua, tái cơ cấu nền kinh tế có chậm, chậm so với kỳ vọng của chúng ta, chậm so với yêu cầu thực tiễn của cuộc sống. Đấy là sự thực, nhưng giai đoạn vừa qua cũng đã tạo ra nền tảng, tạo điều kiện để chúng ta thực hiện tái cơ cấu kinh tế nhanh hơn trong năm tiếp theo.
Ông Vinh khẳng định: Chúng ta đã làm, làm thật và có kết quả, ví như trong tái cơ cấu đầu tư công, đã làm được nhiều việc. Chẳng hạn, xây dựng khung pháp lý cho quản lý đầu tư công, xây dựng kế hoạch đầu tư trung hạn… Việc tái cơ cấu DN nhà nước đúng là có chậm, nhưng cơ bản thì các đề án tái cơ cấu các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đã được thông qua.
Tuy nhiên, đây mới chỉ là kết quả bước đầu, chúng ta còn nhiều việc phải làm. Không được sốt ruột, tái cơ cấu là quá trình dài, nếu nóng vội, sốt ruột có thể có những quyết định sai lầm. Nhưng cũng không được trì trệ, trì hoãn quá trình này. Tôi tin là, đến năm 2015, sẽ có nhiều chuyển động tốt hơn cho quá trình tái cơ cấu nền kinh tế.
Theo Bộ trưởng Bùi Quang Vinh, Việt Nam phải tiếp tục đẩy mạnh thực hiện 3 đột phá chiến lược, đó là bên cạnh tái cấu trúc, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cần tiếp tục cải cách mạnh mẽ thể chế kinh tế. Trong đó, việc sửa đổi Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp là những nội dung quan trọng, sẽ đáp ứng được nhu cầu từ thực tiễn cuộc sống. Tư tưởng xuyên suốt 2 luật này là đảm bảo quyền tự do kinh doanh của công dân, của doanh nghiệp.
PV
Chính phủ
|