Thứ Bảy, 01/11/2014 14:53

Chính sách trợ cấp giá gạo vào túi ai?

Việc trở thành nhà nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam những năm gần đây, các doanh nghiệp Trung Quốc là người hưởng lợi lớn nhất chính sách này, thay vì nông dân Việt Nam.

Thu hoạch lúa hè thu ở Giồng Riềng, Kiên Giang

Dù hoạt động sản xuất được hưởng nhiều chính sách hỗ trợ, nhưng nông dân trồng lúa Việt Nam không được hưởng lợi bởi với việc xuất khẩu gạo giá rẻ, doanh nghiệp và người tiêu dùng nước ngoài mới chính là đối tượng được hưởng lợi.

Với việc trở thành nhà nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam những năm gần đây, các doanh nghiệp Trung Quốc là người hưởng lợi lớn nhất chính sách này, thay vì chính nông dân Việt Nam.

Vốn trợ cấp cho nông dân “chạy ra” nước ngoài

Một báo cáo mới đây của Liên minh vì quyền của nông dân về thị trường lúa gạo Việt Nam cho thấy người trồng lúa ở Việt Nam đang được hưởng rất nhiều chính sách hỗ trợ mà các ngành nông nghiệp khác không có.

Đó là chính sách miễn giảm thủy lợi phí, giảm thuế đất, hỗ trợ người sản xuất lúa hằng năm, hỗ trợ khai hoang cải tạo đất trồng lúa... Chưa kể những chính sách vĩ mô về thị trường cũng tập trung ưu đãi cho ngành trồng lúa như hỗ trợ xây dựng kho chứa, mua tạm trữ lúa trong điều kiện khó tiêu thụ và giá lúa xuống thấp, chính sách đảm bảo người trồng lúa có lời tối thiểu 30%...

Trong khi đó, theo các chuyên gia, nông dân trồng lúa không phải là người được hưởng lợi từ các chính sách hỗ trợ này mà chính là các nhà nhập khẩu gạo Việt Nam.

TS Nguyễn Hùng Dũng, giám đốc VCCI Cần Thơ, cho rằng những chi phí hỗ trợ này đã không được tính vào giá thành sản xuất.

Do đó, giá thành sản xuất lúa của Việt Nam ở mức thấp hơn thực tế dẫn đến giá xuất khẩu thấp. Như vậy vô hình trung tiền mà Việt Nam trợ cấp cho nông dân trong nước lại chuyển qua trợ cấp cho quốc gia nhập khẩu gạo, hay nói một cách khác Việt Nam làm từ thiện cho nước ngoài.

Theo các chuyên gia, với sản lượng gạo Việt Nam được xuất sang Trung Quốc ngày càng tăng và chiếm tỉ trọng lớn trong tổng sản lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam những năm gần đây, các nhà nhập khẩu của Trung Quốc chính là đối tượng hưởng lợi nhiều nhất.

Số liệu của ngành lương thực Việt Nam cho biết trong năm 2010, tỉ trọng gạo của Việt Nam xuất sang Trung Quốc chỉ chiếm 1,87%, nhưng đến năm 2013 đã lên tới 36,7% và bảy tháng đầu năm 2014 là 40%.

Đó là con số thống kê chính thức, chưa kể có 1-2 triệu tấn gạo từ Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc theo đường tiểu ngạch mỗi năm với giá còn rẻ hơn hợp đồng chính ngạch.

Ngoài các chi phí hỗ trợ kể trên, theo ông Dũng, cách tính giá thành lúa của Việt Nam hiện nay cũng chưa bao gồm các chi phí về môi trường, tài nguyên mà Việt Nam phải gánh chịu do quá tập trung vào nâng cao năng suất mấy chục năm qua.

“Thiệt hại về môi trường đất, nước do hàng triệu tấn phân bón và thuốc trừ sâu đổ xuống mỗi năm chưa được tính vào giá thành lúa. Bán gạo giá rẻ như thời gian qua thực tế là bán rẻ tài nguyên” - ông Dũng nói.

Cần thay đổi tư duy xuất khẩu gạo

Nhiều chuyên gia nông nghiệp cho rằng dù sản lượng lúa Việt Nam tăng mạnh trong những năm qua, kèm theo đó là lượng gạo Việt Nam xuất khẩu tăng theo, nhưng thực tế cho thấy thu nhập của nông dân không những không được cải thiện như kỳ vọng, thậm chí còn bị giảm do chi phí đầu vào (giá nhân công, phân bón...) ngày càng tăng, chưa kể nguy cơ đất trồng bị thoái hóa và ô nhiễm môi trường tăng cao.

Giám đốc một doanh nghiệp xuất khẩu gạo thừa nhận việc quá chú trọng đến tăng sản lượng dẫn đến chất lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam không cao, thị trường xuất khẩu tập trung ở phân đoạn thấp, chủ yếu là thị trường Trung Quốc.

Do đó, cùng một chủng loại gạo xuất khẩu nhưng gạo Thái Lan thường có giá cao nhất và gạo Việt Nam có giá thấp nhất. Chẳng hạn cùng là gạo hạt dài chất lượng cao, nhưng của Thái Lan vào tháng 7-2012 có giá 592 USD/tấn, trong khi của Việt Nam chỉ có 415 USD/tấn.

Tương tự, gạo thơm Hom Mali của Thái Lan có giá 1.025 USD/tấn, còn gạo thơm của Việt Nam 5% tấm chỉ có giá 625 USD/tấn.

Một chuyên gia trong lĩnh vực nông nghiệp khuyến cáo với sự gia nhập thị trường xuất khẩu gạo của Myanmar và Campuchia những năm gần đây cùng sự thu hẹp tại các thị trường nhập khẩu gạo truyền thống (Philippines, Malaysia và nhiều nước châu Phi) nhờ tự lực về cung cấp lúa gạo, nguy cơ gạo Việt Nam bị rơi vào tình trạng dư thừa nguồn cung rất lớn trong tương lai không xa.

Và một khi giá gạo xuất khẩu giảm, giá mua lúa trong nước cũng bị giảm theo, nông dân trồng lúa là những người sẽ chịu thiệt hại trước tiên và trực tiếp bởi các chính sách hỗ trợ của Chính phủ (nếu được duy trì thường xuyên) cũng chỉ có thể bù đắp một phần chi phí sản xuất lúa của nông dân.

Do đó, theo TS Nguyễn Đức Thành, Trung tâm Nghiên cứu kinh tế và chính sách VEPR (Đại học Quốc gia Hà Nội), Chính phủ nên dần giảm bớt các hỗ trợ cho nông dân (thủy lợi phí, thuế đất, hỗ trợ người sản xuất lúa hằng năm, hỗ trợ khai hoang cải tạo đất trồng lúa...) nhằm thúc đẩy nhanh hơn quá trình chuyển dịch nền kinh tế Việt Nam sang hướng công nghiệp hóa và phát triển dịch vụ.

Trên cơ sở đó, thay vì quy định cứng 3,8 triệu ha quỹ đất trồng lúa, chỉ nên trồng lúa ở những diện tích mà cây lúa có lợi thế cạnh tranh hơn hẳn các loại cây trồng hằng năm khác, còn lại chuyển đổi sang các loại cây trồng hằng năm khác và ngược lại.

“Việc quyết định trồng loại cây hằng năm gì là lựa chọn riêng của mỗi hộ nông dân, nhưng với chính sách này Việt Nam có thể điều tiết được nguồn cung trồng lúa linh hoạt theo biến động của nhu cầu tiêu thụ gạo trên thị trường thế giới” - ông Thành nói.

GS Nguyễn Quốc Vọng (Đại học RMIT, Melbourne, Úc):

Việt Nam cần tập trung sản xuất gạo chất lượng cao

Nhìn chung, Việt Nam chỉ tập trung sản xuất hàng nông sản thô nên xuất khẩu với giá chỉ bằng 50-60% giá trung bình của thế giới. Sản xuất nông nghiệp Việt Nam cũng mất cân đối, trong đó tập trung vào trồng lúa là nhiều nhất trong khi so với các nông sản khác nói chung thì giá trị thương mại của lúa gạo toàn cầu thấp hơn nhiều.

Khi gia nhập WTO, Việt Nam đã có một thị trường nông sản cực kỳ to lớn với giá trị thương mại toàn cầu lên đến hơn 1.300 tỉ USD/năm. Để chinh phục thị trường này, Việt Nam cần chuyển đổi bớt diện tích một số loại cây trồng sang các loại mà thế giới cần, đồng thời nâng cao tiêu chuẩn canh tác và chế biến sâu để đáp ứng các tiêu chuẩn của thị trường thế giới.

Úc có đất đai rộng mênh mông nhưng chỉ dành 100.000ha đất trồng lúa với sản lượng trên 1 triệu tấn/năm, nhưng xuất khẩu gạo đi 60 nước với giá trị 1 tỉ USD, tức đạt hiệu quả 10.000 USD/ha. Ngoài gạo, nước này cũng chế biến các sản phẩm từ gạo như bánh gạo, sữa gạo, dầu gạo, các sản phẩm từ phụ phẩm lúa gạo.


Trần Mạnh

Tuổi Trẻ

Các tin tức khác

>   Mập mờ cơ chế phân giao nhập khẩu đường (31/10/2014)

>   Nông nghiệp “chất” của Việt Nam (31/10/2014)

>   Xuất khẩu gạo: Đổi vị thế trong “3 chân vạc” (31/10/2014)

>   Nông nghiệp thông minh: Ý tưởng nhiều hơn thực tiễn? (30/10/2014)

>   Làm sao ngăn tình trạng gian lận khi tính chữ đường cho mía? (28/10/2014)

>   Nâng vị thế mặc cả cho nông dân (28/10/2014)

>   DN nông sản khó đưa hàng vào siêu thị (28/10/2014)

>   Hồ tiêu Việt Nam 14 năm liền giữ ngôi vị xuất khẩu số 1 thế giới (27/10/2014)

>   Thiếu xoài xuất khẩu sang Hàn Quốc, New Zealand (27/10/2014)

>   Xuất nhập khẩu cao su: Lượng tăng, giá giảm (27/10/2014)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật