Thứ Sáu, 31/10/2014 10:37

Nông nghiệp “chất” của Việt Nam

Nhắc đến Việt Nam, người ta thường nghĩ đến hình ảnh một đất nước nông nghiệp lâu đời “nền văn minh lúa nước”. Mặc dù vậy, dường như nghề nông chưa bao giờ là lựa chọn ưu tiên của hàng vạn thế hệ người lao động ở một quốc gia có truyền thống nông nghiệp như nước ta.

Sự phát triển nhanh chóng của nền kinh tế thị trường khiến các ngành nghề mới mẻ có sức hút vô hình, làm mờ đi tiềm năng to lớn của những ngành nghề truyền thống, vốn dĩ vẫn mang nặng thành kiến như một nghề “lao động chân tay”. Ở những miền đất thuần nông, khát vọng chung của đa số người trẻ là thoát ly ruộng đồng, tìm đến đô thị phồn hoa với những công việc được ca tụng là thời thượng, văn minh, tri thức.

Nông nghiệp - nền tảng của sự phát triển

Những liên tưởng thường trực nhất về nông nghiệp và người nông dân có lẽ là hình ảnh “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”, kèm theo đó là muôn vàn rủi ro khó nắm bắt như: thiên tai, dịch bệnh, được mùa thì mất giá, được giá lại mất mùa, cùng bao nỗi nhọc nhằn có lẽ chỉ người nông dân thấu hiểu. Và cứ thế, những trở ngại tức thời khiến người ta vô tình quên đi “mật ngọt” phía sau con đường đầy nắng và gió.

Khó khăn trắc trở là vậy, nhưng không ai có thể phủ nhận tầm quan trọng của nông nghiệp đối với sự phát triển kinh tế, đặc biệt ở các quốc gia đang phát triển như Việt Nam. “Có thực mới vực được đạo”. Thật vậy, lương thực, sản phẩm chỉ có thể được tạo ra bởi nghề nông, là nhu cầu thiết yếu của con người. Thêm vào đó, điều kiện cần thiết để tăng trưởng kinh tế chính là sự chuyển dịch cơ cấu ngành nông nghiệp hướng tới tích lũy vốn cho quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế quốc dân theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ. Có thể nói, dù qua con đường trực tiếp hay gián tiếp, nông nghiệp là nền tảng vững chắc cho sự phát triển ổn định của mọi quốc gia.

Cây mía góp phần tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập của người dân

Đối với Việt Nam, một nước nông nghiệp đang phát triển, hiển nhiên nghề nông là cái gốc của sự phồn vinh thịnh vượng; các quốc gia châu Á được thiên thời ưu đãi ngoài "vóc dáng" tự nhiên vốn có, cái nắng cái sương của khí hậu bốn mùa giúp cho ngành nông nghiệp vốn đã đa dạng về chủng loại, sắc hương vị càng tôn lên vẻ phong phú của sự sống. Theo thời gian, nhiều thế hệ lao động đã tìm đến những ngã rẽ mới, nhưng vẫn còn đó những lớp người nuôi dưỡng trong mình tình yêu và nhiệt huyết với nghề nông như một bản sắc văn hóa đầy tính tự tôn, đầy niềm tự hào dân tộc. Họ kiên trì theo đuổi nghề nông, nhưng không cam chịu bước trên lối mòn của thế hệ cha ông đi trước. Tâm huyết yêu nghề cộng hưởng với khả năng lĩnh hội và áp dụng những thành tựu khoa học tiên tiến của thế hệ nông dân trẻ dám nghĩ dám làm đang từng ngày tô điểm rõ nét một diện mạo mới mẻ của nền nông nghiệp nước nhà vốn dĩ đang đối mặt với nhiều thách thức biến động cùng không ít cơ hội vươn xa.

Với vị thế của một nước xuất khẩu nông sản phong phú đa dạng, ngành nông nghiệp Việt Nam đang chứng kiến sự khởi sắc của những thế hệ nông dân thành đạt, không chỉ làm giàu trên chính ruộng đồng quê hương mà còn góp phần xây dựng và củng cố giá trị thương hiệu nông sản Việt trên trường quốc tế. Nhìn lại thời gian vừa qua, sự đóng góp của các đơn vị nước nhà đã gầy dựng nên thương hiệu Việt Nam như một quốc gia xuất khẩu thủy hải sản có hạng trên thế giới, quốc gia xuất khẩu gạo tầm cỡ, cùng hàng trăm ngàn sản phẩm mang đậm chất nông nghiệp được tiêu thụ rộng rãi trên toàn cầu. Hình ảnh tỷ phú nhà nông không còn là điều xa lạ khi những người nông dân “chân lấm tay bùn” sở hữu hàng trăm ngàn hecta đất, rừng dừa, rừng cao su, cánh đồng mẫu lớn về mía, lúa… xuất hiện ngày một nhiều.

Nông nghiệp và nghề làm nông, tưởng chừng mộc mạc giản đơn như những gì ta hay nghĩ, nhưng ẩn chứa dồi dào cái “chất” mà nếu không dấn thân bằng đam mê và tri thức, người ta khó có thể khám phá trọn vẹn để phát triển dài lâu. Trong thời đại công nghệ khoa học tiên tiến ngày nay, bất cứ ngành nghề nào cũng đòi hỏi sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa lĩnh hội kiến thức và vận dụng thực tiễn. Với nghề nông, sự kết hợp ấy dường như trắc trở hơn nhiều lần bởi những thành kiến, hạn chế trong kiểm soát rủi ro, yêu cầu cao về thời gian, công sức… Nếu người nông dân khi xưa cần sức vóc, thể lực thì người làm nông bây giờ cần thêm rất nhiều ý chí và bản lĩnh. Nghề nông hấp dẫn và thu hút những người táo bạo, dám nghĩ dám làm, dám thay đổi để tạo ra cái mới và bảo tồn những giá trị của bản sắc dân tộc.

Và cây mía mang mật ngọt cho đời

Khi nhắc đến Việt Nam với vai trò một quốc gia xuất khẩu nông sản hàng đầu thế giới, sẽ thật thiếu sót nếu không nói tới Mía đường. Mía – Đường Việt Nam đã trải qua lịch sử hàng nghìn năm sản xuất đường mía thủ công truyền thống; và trồng mía được xem là một trong những ngành nghề nông nghiệp chính bên cạnh canh tác lúa nước.

Cây mía đem lại những giá trị nhất định cả về tự nhiên, sức khỏe con người và kinh tế xã hội. Nếu bản thân cây mía góp phần làm giảm nhiệt độ đang ngày một gia tăng của Trái Đất, thì sản phẩm từ cây mía đường là cần thiết cho sức khỏe với liều lượng hợp lý trong khẩu phần ăn hàng ngày; bên cạnh đó, mía có vị ngọt, tính mát, có tác dụng thanh nhiệt, trị các bệnh nhiệt, mất nước, cảm sốt… Hiếm có loài cây nông nghiệp nào có thể được tận dụng trọn vẹn để mang lại giá trị kinh tế như mía. Cây mía không bỏ đi phần nào cả: từ búp ngọn lá xanh làm thức ăn chăn nuôi gia súc, lá khô lợp mái nhà, ngọn dùng khi hom giống tới thân mía cho đường, mật rỉ phục vụ ngành công nghiệp thực phẩm, hóa chất…; bã mía là nguồn nguyên liệu lý tưởng trong sản xuất bột giấy, ván ép, than hoạt tính, đồng thời mang lại giá trị kinh tế đặc biệt về điện năng. Nhận thức được tiềm năng to lớn của cây mía và ngành mía đường, từ cuối những năm 90, Nhà nước ta đã tích cực triển khai các chủ trương chính sách nhằm thúc đẩy sản xuất đủ đường cho nhu cầu ngày càng cao trong nước, tiến tới xuất khẩu.

Trong đó, tiêu biểu nhất có thể kể đến kế hoạch 5 năm (1996 – 2000) và chương trình 1 triệu tấn đường năm 2000. Sự khởi sắc của ngành mía đường không chi mang lại lợi ích kinh tế sâu sắc, thúc đẩy nhiều ngành nghề liên quan mà còn đóng góp tích cực vào việc cải thiện đời sống xã hội khi tạo thêm việc làm cho hàng vạn lao động, hộ nông dân, góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao chất lượng đời sống… Và như thế, những hạt đường bé nhỏ không chỉ mang cái ngọt cho vị giác, mà còn mang ngọt ngào thấm đẫm cuộc sống của bao thế hệ nông dân.

Phía sau mật ngọt là sự hy sinh, cống hiến thầm lặng

Giờ đây, cây mía và ngành Mía đường Việt Nam đang đứng trước những thử thách khắc nghiệt, đồng nghĩa với việc người nông dân trồng mía đang đối mặt với nhiều khó khăn. Tình trạng cung vượt cầu, đường lậu, dịch bệnh thiên tai cùng cơ chế hội nhập AFTA năm 2015…buộc nhà sản xuất phải gồng mình lên chiến đấu, để giữ lấy nghề, giữ lấy cây mía Việt Nam, để cân bằng giữa chất lượng và giá thành sản phẩm mà vẫn đảm bảo đời sống đủ đầy của nông dân.

Những con người chấp nhận khó khăn bám lấy nghề, dù họ là ai, những người gắn bó lâu năm hay “chân ướt chân ráo” vào nghề, tất cả đều có chung một tình yêu lớn và là những người bạn đúng nghĩa với cây mía và người nông dân. Ý thức được sứ mệnh và trách nhiệm đối với tập thể, đơn vị, với các khách hàng, đối tác mà quan trọng hơn cả là đời sống của hàng vạn con người sống bằng cây mía, những người bạn ấy mải mê truyền đi ngọn lửa nhiệt huyết tới hàng vạn người công nhân, nông dân trồng mía, chỉ với khát khao duy trì sự phát triển của cây mía và ngành Mía đường nước nhà. Liệu có mấy ai thẩu hiểu rằng, để giữ được bầu nhiệt huyết sục sôi đó, bản thân họ phải trải qua những đấu tranh mạnh mẽ cả về tinh thần lẫn vật chất, bởi lẽ họ dư sức, đủ khả năng để tìm đến những lĩnh vực mới mẻ, thuận lợi, tiếng tăm, nhưng họ vẫn chấp nhận bỏ qua ánh hào quang để gắn bó với cây mía, với ruộng đồng, làm bạn với nhà nông để cùng vượt qua những chặng đường chông gai phía trước.

Vượt qua cả mục tiêu duy trì ngành nghề truyền thống, tầm nhìn của họ hướng tới xóa bỏ những thành kiến đời thường về nghề nông, thay đổi cái nhìn của thế hệ trẻ về giá trị của một loài cây nông sản, khẳng định mạnh mẽ rằng nông nghiệp “chất” của Việt Nam vẫn luôn là một ngành nghề khởi nguồn cho sự sống và luôn có những con người dám dấn thân để tạo ra giá trị cho cuộc sống này.

V.M.P

Các tin tức khác

>   Xuất khẩu gạo: Đổi vị thế trong “3 chân vạc” (31/10/2014)

>   Nông nghiệp thông minh: Ý tưởng nhiều hơn thực tiễn? (30/10/2014)

>   Làm sao ngăn tình trạng gian lận khi tính chữ đường cho mía? (28/10/2014)

>   Nâng vị thế mặc cả cho nông dân (28/10/2014)

>   DN nông sản khó đưa hàng vào siêu thị (28/10/2014)

>   Hồ tiêu Việt Nam 14 năm liền giữ ngôi vị xuất khẩu số 1 thế giới (27/10/2014)

>   Thiếu xoài xuất khẩu sang Hàn Quốc, New Zealand (27/10/2014)

>   Xuất nhập khẩu cao su: Lượng tăng, giá giảm (27/10/2014)

>   Lối thoát nào cho ngành mía đường? (27/10/2014)

>   Định danh gạo Việt trước thách thức mới (27/10/2014)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật