Thứ Năm, 30/10/2014 09:04

Nông nghiệp thông minh: Ý tưởng nhiều hơn thực tiễn?

TS. Trương Gia Bình, Chủ tịch Hiệp hội DN Phần mềm & Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) khẳng định rằng, thúc đẩy ứng dụng CNTT vào nông nghiệp tại Việt nam không phải chuyện đơn giản, nhưng càng khó "càng phải làm".

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại Diễn đàn ASOCIO - ICT Summit 2014.

Chia sẻ tại Diễn đàn cấp cao ASOCIO - ICT Summit 2014 khai mạc sáng nay, 29/10, tại Hà Nội, ông Bình thừa nhận dù Việt Nam có tiềm năng về CNTT, có tiềm năng về nông nghiệp nhưng ứng dụng CNTT vào Nông nghiệp thì lại đang có một khoảng cách rất lớn so với các nước trong ASOCIO (châu Á - châu Đại Dương). Và trên thực tế, việc đưa CNTT vào nông nghiệp mới đang dừng lại ở giai đoạn "đặt vấn đề". Tuy nhiên, nếu đặt vấn đề đúng, hợp tác đúng hướng thì Việt Nam vẫn có cơ hội thúc đẩy nông nghiệp phát triển mạnh mẽ, thu hẹp khoảng cách. Điều quan trọng là cần phải nâng cao nhận thức về việc ứng dụng CNTT ở các doanh nghiệp làm về Nông nghiệp, ở chính bản thân người nông dân.

"Quy mô là yếu tố cực kỳ quan trọng. Nếu như không có quy mô, có sự tham gia trên diện rộng của cộng đồng doanh nghiệp, của người nông dân thì chúng ta sẽ không thể đưa công nghệ cao đến với số đông, ở một hạn mức chi phí "chịu đựng được" như các dự án Đà Lạt Hasfarm hay TH True Milk được", ông Bình phân tích về việc cần thiết phải có sự tham gia nhanh chóng của các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp trẻ vào các dự án ứng dụng CNTT vào Nông nghiệp, để từ đó mở rộng được quy mô thị trường.

Nếu không có gì thay đổi, vào tháng 11 tới, sẽ có một hội nghị tại Quảng Ninh, tập hợp các doanh nghiệp "trẻ" để bàn về việc "tiên phong thử nghiệm đưa Công nghệ & CNTT vào Nông nghiệp". Xa hơn nữa, từ tháng 4 đến tháng 10/2015, hai trung tâm thực nghiệm về ứng dụng công nghệ cao (hệ thống cảm biến + Quản trị đám mây) của Nhật Bản sẽ được xây dựng tại Hà Nội và TP.HCM, để người nông dân, các doanh nghiệp có thể tận mắt tìm hiểu và nhìn thấy, việc tăng năng suất cây trồng lên hàng chục lần là chuyện hoàn toàn khả thi.

Dù vậy, ông Bình vẫn phải thẳng thắn công nhận rằng, ở Việt Nam, ý tưởng vẫn đang nhiều hơn triển khai thực tiễn trong hoạt động hợp tác, liên kết quốc tế để thúc đẩy ứng dụng CNTT, đặc biệt là trong những lĩnh vực đặc thù, quan trọng như nông nghiệp.

Cần đủ 5 yếu tố

TS Nguyễn Ái Việt, Viện trưởng Viện CNTT ĐH Quốc Gia nhận định rằng, việc ứng dụng CNTT trong Nông nghiệp hiện nay dù đang gặp rất nhiều khó khăn, nhưng so với thời điểm 10 năm trước thì điều kiện, thời cơ vẫn "chín muồi hơn rất nhiều". Ít nhất thì hiện tại, cáp quang đã về đến nông thôn, ĐTDĐ đã trở nên phổ biến nhờ mức giá bình dân. Nói cách khác, hạ tầng đã sẵn sàng hơn hẳn so với một thập kỷ trước.

Vấn đề còn lại chính là ở mắt xích con người. Người nông dân trình độ không cao nên còn loay hoay, còn vướng khi phải sử dụng các công nghệ cao. Do đó, nếu các dự án chỉ thuần túy tập trung về công nghệ thì sẽ thất bại ngay, ông Việt cảnh báo.

Do đó, để đẩy mạnh được ứng dụng CNTT trong Nông nghiệp thì cần hội đủ 5 thành phần và thiếu bất cứ thành tố nào cũng sẽ không thể thành công. Đó chính là kết nối Internet về nông thôn, hạ tầng cáp quang, hệ thống thông tin về Nông nghiệp; Đào tạo người dân về cách sử dụng các công nghệ và cuối cùng là cần sự liên hiệp giữa các Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn, Bộ Lao Động Thương Binh & Xã Hội, Bộ Thông tin & Truyền Thông...

"Điểm mấu chốt mà các nhà làm chính sách cần nhìn ra là cấu trúc nông thôn ngày nay vẫn là hộ gia đình. Do đó, muốn nông nghiệp phát triển hiện đại, nâng cao năng suất thì chiến lược là phải thay đổi được cấu trúc đó, biến từ các hộ gia đình cá thể trở thành các doanh nghiệp nhỏ", ông Việt chỉ ra.

Trăn trở không kém với bài toán đưa CNTT vào nông nghiệp, TS Mai Liêm Trực khẳng định nông nghiệp - nông thôn - nông dân là vấn đề lớn nhất của Việt nam hiện nay, và nếu muốn đổi mới nền kinh tế thì không thể bắt đầu từ đâu khác ngoài người nông dân, một lực lượng đang chiếm 65-70% dân số cả nước. Nhưng "rất tiếc là chúng ta chưa chú trọng đúng mức, cũng như chưa làm được nhiều cho nông thôn, cho người nông dân. Nghị quyết thì rất nhiều nhưng khâu triển khai, thực hiện còn chậm quá".

CNTT, chính vì thế, sẽ là công cụ mạnh mẽ và hiệu quả để mang đến cơ hội cho những người từ trước đến nay vẫn chịu nhiều thiệt thòi như người nông dân, như khẳng định của chính Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại Diễn đàn, bởi nó "tạo ra sự liên kết không giới hạn về thời gian và không gian, mở ra cơ hội cho tất cả mọi người".

"Chưa chạm đến người nông dân"

Có vẻ như câu chuyện "nói nhiều hơn làm" được khá nhiều các diễn giả tại ASOCIO - ICT Summit năm nay tâm đắc và đề cập đến nhiều lần trong các ý kiến của mình. Ông Trương Gia Bình thừa nhận rằng, đa số doanh nghiệp CNTT vẫn "chưa chạm vào nông nghiệp", chưa nghĩ đến các giải pháp công nghệ cao cho nhà nông vì cho rằng thiếu sức cầu, không có ai chịu đặt hàng những công nghệ như vậy. Bản thân người nông dân dù muốn áp dụng CNTT nhưng không biết tìm hiểu từ đâu, cũng không có đủ kinh phí và không biết dùng Internet như thế nào, có lợi gì nên cứ mãi quẩn quanh.

Đồng quan điểm, TS Nguyễn Ái Việt khẳng định, không thể nói là không có ứng dụng CNTT, nhưng sự ứng dụng chưa đến được cấp độ doanh nghiệp, đến với người nông dân. Nông nghiệp có rất nhiều vấn đề cần đến CNTT, mà đơn giản nhất là tem chống hàng giả nhưng mặt hàng này hiện tại vẫn đang phải nhập từ Trung Quốc. Không một doanh nghiệp Việt nào đứng ra làm, dù nhu cầu nhìn thấy rõ là rất lớn. Bên cạnh đó, năng suất lao động phụ thuộc rất nhiều vào thông tin. Sở dĩ có tình trạng người dân đổ xô đi trồng vải, thanh long... đến khi được mùa không có thương lái thu mua thì đổ xuống sông hoặc cho gia súc ăn vì quá rẻ, không bán được... cũng là hậu quả của việc thiếu thông tin, thiếu quy hoạch, dự báo trước về nhu cầu thị trường. Rõ ràng, Nông nghiệp đang rất cần một hệ thống thông tin tầm cỡ Nhà nước để đạt được hiệu quả kinh tế tương xứng.

Israel đã được các chuyên gia đưa ra như một minh chứng của việc ứng dụng CNTT hiệu quả như thế nào vào nông nghiệp. Dù điều kiện canh tác cực kỳ khó khăn, năng suất đất có thể chỉ bằng 1/4 so với Việt Nam, nhưng công nghệ và CNTT đã giúp Israel đạt được năng suất mà các nước khác chỉ biết mơ tới. Chẳng hạn như một con bò cho tới 11 tấn sữa/năm.

Ông Trương Gia Bình hy vọng rằng, trong một tương lai gần, các doanh nghiệp CNTT có thể sẽ giúp tái cấu trúc lại nền nông nghiệp thông qua việc xây dựng được chuỗi giá trị liền mạch, tạo ra một nền tảng "kết nối được mọi đầu mối liên quan", từ nhà sản xuất cho đến các nhà hàng, siêu thị là đầu ra cho sản phẩm.

Không phải Chính phủ không nhìn ra thực tế này. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng nhìn nhận "Nền nông nghiệp Việt Nam hiện chưa gắn nhiều với công nghệ, trong đó có CNTT". Tuy nhiên, ông hy vọng cùng với đẩy mạnh cải cách thể chế, Việt Nam sẽ tiếp thu những kinh nghiệm quý từ quốc tế trong việc ứng dụng CNTT vào nông nghiệp , từ đó phấn đấu phát triển một "nền nông nghiệp theo yêu cầu xanh, sạch và bền vững".

Trọng Cầm

vietnamnet

Các tin tức khác

>   Làm sao ngăn tình trạng gian lận khi tính chữ đường cho mía? (28/10/2014)

>   Nâng vị thế mặc cả cho nông dân (28/10/2014)

>   DN nông sản khó đưa hàng vào siêu thị (28/10/2014)

>   Hồ tiêu Việt Nam 14 năm liền giữ ngôi vị xuất khẩu số 1 thế giới (27/10/2014)

>   Thiếu xoài xuất khẩu sang Hàn Quốc, New Zealand (27/10/2014)

>   Xuất nhập khẩu cao su: Lượng tăng, giá giảm (27/10/2014)

>   Lối thoát nào cho ngành mía đường? (27/10/2014)

>   Định danh gạo Việt trước thách thức mới (27/10/2014)

>   Tính lại bài toán xuất khẩu gạo (26/10/2014)

>   Cà phê: Một năm giành lại thị phần (26/10/2014)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật