Tính lại bài toán xuất khẩu gạo
Nhiều năm nay, Việt Nam luôn tự hào là nước có lượng gạo XK đứng “top” đầu thế giới. Nghịch lý là gạo Việt xuất đi châu Á, châu Âu, châu Phi, châu Mỹ đủ cả, nhưng người nông dân Việt xưa nay vẫn nghèo.
Thu nhập trung bình từ trồng lúa của các hộ vùng ĐBSCL chỉ đạt 535.000 đồng/người/tháng
|
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA): Từ ngày 1-10 đến ngày 16-10, lượng gạo XK đạt 139.213 tấn, trị giá FOB 63,808 triệu USD, trị giá CIF 66,875 triệu USD. Lũy kế XK gạo từ đầu năm đến 16-10 đạt 4,927 triệu tấn, trị giá FOB 2,133 tỷ USD, trị giá CIF 2,254 tỷ USD.
Giá lúa khô tại kho khu vực ĐBSCL loại thường dao động từ 5.650 - 5.750 đồng/kg, lúa dài khoảng 5.800 - 5.900 đồng/kg. Giá gạo nguyên liệu loại 1 làm ra gạo 5% tấm hiện khoảng 7.400- 7.500 đồng/kg tùy từng địa phương, gạo nguyên liệu làm ra gạo 25% tấm là 7.300 -7.400 đồng/kg tùy chất lượng và địa phương. Giá gạo thành phẩm 5% tấm không bao bì tại mạn hiện khoảng 8.850- 8.950 đồng/kg, gạo 15% tấm 8.500 - 8.600 đồng/kg và gạo 25% tấm khoảng 7.950 - 8.050 đồng/kg tùy chất lượng và địa phương.
|
Làm nhiều, lợi ít
Trong suốt hơn 2 thập kỷ qua, nhờ sản lượng lúa gần như gia tăng liên tục đã giúp Việt Nam không những đảm bảo an ninh lương thực trong nước mà còn lọt “top” một trong 3 nước XK gạo nhiều nhất thế giới. Cụ thể, từ mức XK 1,99 triệu tấn năm 1995, sản lượng gạo XK đã tăng lên mức 3,48 triệu tấn năm 2000 và 8,02 tấn vào năm 2012. Năm 2013, XK gạo của Việt Nam đạt 6,61 triệu tấn với tổng giá trị 2,95 tỷ USD và mới đây nhất, khối lượng XK gạo 9 tháng đạt khoảng 5,02 triệu tấn, trị giá 2,29 tỷ USD.
Tuy nhiên, việc quá chú trọng đến tăng sản lượng dẫn đến chất lượng gạo XK của Việt Nam không cao, thị trường XK tập trung ở phân đoạn thấp, kém đa dạng và đang phụ thuộc quá nhiều vào thị trường Trung Quốc. Khi thị trường XK này gặp khó khăn, sức ép giảm giá sẽ đè nặng lên thị trường nội địa, gây thiệt hại cho các thành phần trong chuỗi sản xuất lúa gạo, đặc biệt là người nông dân.
Theo kết quả nghiên cứu “Cấu trúc ngành lúa gạo và lợi ích của người sản xuất nhỏ ở Việt Nam”, do Liên minh “Vì quyền của nông dân và hiệu quả của nền nông nghiệp Việt Nam” (gọi tắt là Liên minh Nông nghiệp) vừa công bố, trong cấu trúc thị trường lúa gạo Việt Nam, các hộ nông dân chiếm số lượng lớn nhưng chủ yếu là quy mô nhỏ. Nông dân phải bán tới 93% lúa tươi tại ruộng cho các thương lái và dễ bị các thương lái ép giá.
“Nông dân hiện tại chịu o ép từ cả các DN bán vật tư thiết bị (đầu vào) lẫn các DN XK lúa gạo (đầu ra) theo mức giá mà DN “định”. Một số nhỏ nông dân tham gia cánh đồng lớn/hợp đồng nông sản với DN XK nhưng các quy định bảo vệ lợi ích của nông dân còn chưa phát triển (các cơ chế xử lý khi có phát sinh trong hợp đồng, thiếu người đại diện hợp pháp của nông dân)”, TS. Nguyễn Đức Thành- Giám đốc Viện Nghiên cứu chính sách kinh tế Việt Nam nói.
Theo ông Lương Văn Tài, một nông dân An Giang: Hiện nay, giá bán lúa không tăng kịp với giá vật tư đầu vào nên mặc dù các hộ nông dân có làm nhiều ruộng hơn nhưng lợi nhuận lại không tăng, thậm chí có khi còn sụt giảm. Hầu hết nông dân gặp vướng mắc trong tiêu thụ bởi không kết nối được với DN XK mà đều phải móc nối qua thương lái. Điều người nông dân mong nhất là Nhà nước có cơ chế hỗ trợ hơn nữa, giúp nông dân kết nối được với những DN thực sự muốn đồng hành trong sản xuất, XK lúa gạo từ khâu đầu tới khâu cuối, tránh việc phải liên hệ nhiều bên.
Phát triển xay xát, chế biến
Nghiên cứu của Liên minh Nông nghiệp chỉ ra rằng, trong cấu trúc thị trường lúa gạo hiện nay, các DN XK nắm vai trò chi phối trong chuỗi giá trị lúa gạo XK, là người truyền tín hiệu về giá gạo xuống toàn bộ chuỗi. Ở Việt Nam, vai trò thống lĩnh trên thị trường XK gạo thuộc về các công ty lương thực Nhà nước. Bằng chứng là thị phần của Tổng công ty Lương thực miền Bắc, Tổng công ty Lương thực miền Nam năm 2013 vẫn chiếm hơn 40% tổng lượng gạo XK của Việt Nam.
Theo TS. Đào Thế Anh- Hội Khoa học phát triển nông thôn Việt Nam, để cải thiện vị thế của người nông dân trong cấu trúc trên, Nhà nước cần tăng hỗ trợ nhằm nâng tính chuyên nghiệp cho nông dân. Những tổ chức đại diện cho nông dân như hợp tác xã, tổ hợp tác phải phát triển mạnh, đi vào thực chất, thậm chí, có thể lập riêng Hiệp hội những người làm lúa chứ không nhất thiết chỉ trông chờ vào Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA).
Còn theo nhóm nghiên cứu Liên minh Nông nghiệp, các DN xay xát là đối tượng gắn gần nhất với người nông dân. Do đó, cải thiện xuất phát từ các DN này sẽ hỗ trợ cho nông dân tốt nhất. Nhóm này đề xuất, khu vực xay xát-chế biến cần được khuyến khích phát triển, từ đó tích tụ mở rộng ra về hai phía (nguyên liệu và thành phẩm), trở thành các DN có vùng nguyên liệu, thiết bị chế biến hiện đại và có thị trường đầu ra ổn định, đảm bảo chất lượng thành phẩm. Đây có thể coi là lựa chọn chiến lược quyết định tương lai vị thế ngành lúa gạo Việt Nam.
“Việc phát triển cơ chế tài chính vi mô và bảo hiểm phù hợp cho người nông dân, đặc biệt nông dân nhỏ cũng khá quan trọng. Những chính sách này sẽ giúp các hộ nông dân ít phụ thuộc hơn vào các đơn vị cung ứng đầu vào”, TS. Nguyễn Đức Thành nhấn mạnh.
Theo các chuyên gia, việc cần làm còn là tổ chức lại VFA để đảm bảo hiệp hội có đại diện đầy đủ của DN tư nhân, chính quyền địa phương và nông dân trong thương mại lúa gạo. Các quyết định của VFA phải đủ kịp thời theo biến động của thị trường thế giới để bảo đảm quyền lợi cho DN và người nông dân.
TS. Lưu Bích Hồ - nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư):
XK gạo bạc bẽo lắm
XK gạo chịu nhiều rủi ro cả về giá cả lẫn thị trường. Trên thế giới, đất nước chấp nhận XK mặt hàng này không nhiều. Theo tôi, định hướng chiến lược phát triển lâu dài không nên quá đặt nặng XK gạo mà thay thế bằng nông sản khác có giá trị hơn. Còn ở trước mắt, muốn phần nào nâng tính cạnh tranh cho gạo Việt trên thị trường quốc tế, đồng thời cải thiện đời sống người nông dân thì phải làm tốt khâu giống. Hiện nay, miền Bắc vẫn thường nhập giống từ Trung Quốc còn miền Nam nhập từ Thái Lan về gieo trồng. Chúng ta không tự chủ được khâu này thì sẽ yếu ở nhiều khâu khác nữa. Do đó, Nhà nước và các cơ quan chức năng phải “xắn tay” vào làm nhanh, làm mạnh, chứ không chỉ kêu yếu, kêu thiếu mãi.
TS. Võ Tòng Xuân - Chuyên gia nông nghiệp:
Gạo Việt Nam XK không tính hết chi phí sản xuất
Suốt thời gian dài, gạo Việt luôn được chào bán với giá rẻ để cạnh tranh với Thái Lan mà không tính hết đến chi phí sản xuất. Trong đó, phần khấu hao về các công trình thủy lợi là rất lớn mà mỗi năm Nhà nước phải chi đến hàng trăm triệu USD để đầu tư. Việc XK gạo với giá rẻ cũng đang đẩy Việt Nam đứng trước nguy cơ bị các nước kiện chống bán phá giá như bài học đắt giá từ tôm, cá tra đã từng xảy ra.
Ông Lâm Anh Tuấn - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Lương thực Thịnh Phát:
Việt Nam vẫn “bám” tiêu chí đảm bảo an ninh lương thực
Việt Nam đã đặt ra mục tiêu an ninh lương thực và cứ “bám” tiêu chí đó mặc dù đất nước đã thừa gạo từ lâu. Để rồi, chúng ta luôn cố gắng sản xuất để năm sau phải cao hơn năm trước về sản lượng mà không quan tâm nhiều đến chất lượng, hạ giá thành sản xuất. Điều đó đã khiến gạo Việt làm ra quá nhiều và khó XK được giá cao.
Ngoài ra, bất cập nổi cộm hiện nay trong sản xuất lúa gạo còn là diện tích nông hộ còn quá nhỏ nên chi phí giá thành tăng lên. Một khi vấn đề hạn điền vẫn còn đặt ra thì không thể nào tiết giảm được giá thành sản xuất mà như thế thì nông dân khó có thể tăng thu nhập. Xây dựng các cánh đồng mẫu lớn chỉ là một cách để khắc phục. Muốn giải quyết điểm yếu này, trong tương lai phải đẩy mạnh hơn nữa hoạt động của các hình thức trang trại, hợp tác xã.
TS. Võ Trí Thành - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương:
Không thể dừng trợ cấp cho sản xuất lúa gạo
Nói tới trợ cấp lúa gạo thì hiện nay chưa thể dừng lại ngay tất cả. Bởi trên thế giới có nhiều nước sản xuất lúa gạo lớn vẫn áp dụng chế độ trợ cấp cho ngành này. Thậm chí, Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) cũng vẫn dành 10% cho trợ cấp lúa gạo. Sự trợ cấp trong một chừng mực nào đó là cần thiết. Vấn đề ở đây là phải xem xét trợ cấp vào khâu nào, lĩnh vực nào, làm sao cho hiệu quả hơn. Ví dụ như tập trung trợ cấp về thông tin, công nghệ, giống... để người nông dân cũng nắm bắt được mọi vấn đề liên quan tới chuỗi giá trị lúa gạo, ngày càng tạo ra các loại sản phẩm có chất lượng và nâng tính cạnh tranh trên thị trường XK.
Đức Quang (ghi)
|
Thanh Nguyễn
Hải Quan
|