Xây trụ sở: Nhà to, thành tích oách, tội gì không làm!
Theo các chuyên gia kinh tế, xây trụ sở mới, vừa được tiêu tiền, vừa được GDP, vừa được báo cáo thành tích...
Lớp học không có vẫn xây nhà vệ sinh dát vàng
Theo sau Đà Nẵng, Bình Dương, Đồng Nai mới đây còn có thêm Hải Dương đã có quy hoạch xin xây trụ sở mới. Khu hành chính Hải Dương được đề xuất rộng 19,15 héc ta, tại khu đô thị mới phía đông thành phố Hải Dương với tổng mức đầu tư khoảng 2.060 tỉ đồng.
Trao đổi với báo Đất Việt lãnh đạo nhiều địa phương khác cũng khẳng định đã xây trụ sở hoặc đang lên kế hoạch. Cụ thể ông Đinh Xuân Thu - Phó chủ tịch tỉnh Quảng Nam cho biết, tỉnh này đã xây xong trụ sở hành chính tập trung mới và sắp đi vào hoạt động, trong khi đại diện lãnh đạo Quảng Ngãi thông tin, tỉnh này đang quy hoạch.
Lai Châu được coi là một trong những địa phương nghèo nhất của cả nước, với mức thu nhập bình quân đầu người thấp nhất, đạt 216.000 đồng/năm, tức 18.000 đồng/tháng (theo số liệu thống kê năm 2004). Tính riêng thu nhập của nhóm nghèo là 77.000 đồng/người/năm, tức 6.416 đồng/người/tháng. Nhưng mới đây, Lai Châu đã vinh dự được đón nhận “Cúp vàng chất lượng xây dựng Việt Nam năm 2010” cho công trình có kiến trúc công sở đẹp nhất nước đó chính là Khu hành chính tập trung của tỉnh.
Trung tâm hành chính nghìn tỉ của Đà Nẵng
|
Với 6 khối nhà bề thế (trong đó 2 khối nhà 9 tầng và 4 khối nhà 7 tầng) - nơi làm việc của HĐND - UBND và 36 cơ quan, đơn vị hành chính, cơ quan Đảng của tỉnh - khu hợp khối trụ sở làm việc các cơ quan Đảng, đoàn thể và hành chính tỉnh Lai Châu.
Với tổng diện tích sàn lên đến 42.000m2 và tổng mức đầu tư 554 tỷ đồng, Lai Châu đã ghi điểm bởi trụ sở có quy mô hoành tráng, hiện đại nhất nước.
Cũng được xếp vào diện nghèo, Chủ tịch tỉnh Hòa Bình - ông Bùi Văn Tỉnh ngậm ngùi chia sẻ "Hòa Bình chưa xây vì chưa có tiền nhưng cũng phải nghiên cứu trong tương lai". Ông Lê Minh Hoan - Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cũng cho biết, tỉnh này đang nghiên cứu quy hoạch dự án.
Th.S Bùi Ngọc Sơn - Trưởng phòng Kinh tế Quốc tế, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính trị thế giới bức xúc, trong khi nền kinh tế đang thiếu tiền, xây dựng trụ sở nhưng không có tính toán, không tương thích với nền kinh tế, trình độ dân trí của địa phương dễ dẫn tới lãng phí, không đem lại hiệu quả.
"Khi lớp học còn không có nhưng vẫn làm nhà vệ sinh cả chục tỉ", ông Sơn nói. Vị chuyên gia này bắt bệnh, đây là nguyên nhân của nền kinh tế bị phụ thuộc, bao cấp quá nhiều.
Tội gì không làm
Nói về "hội chứng" xây trụ sở hoành tráng tại các địa phương, Th.S Bùi Ngọc Sơn - Trưởng phòng Kinh tế Quốc tế, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính trị thế giới nói thẳng: Xây trụ sở vừa được ở nhà lớn, vừa tăng GDP, lại được báo cáo thành tích thì tội gì không làm".
Ông Sơn lý giải, ở VN cách tính GDP rất lạ, chỉ cần phá đi xây lại một con đường, cậy vỉa hè lên rồi lại lát xuống... chỉ cần có quyết toán chi phí là làm tăng GDP.
Theo giải thích của vị chuyên gia này, nguyên nhân bắt nguồn từ nền kinh tế còn nặng tính bao cấp, nặng tính xin cho, các địa phương còn tâm lý ỉ lại, trông chờ vào bầu sữa ngân sách nhà nước. Nếu không thay đổi, sẽ còn tình trạng đập đi xây lại.
"Tại sao, tỉnh này xin xây dựng khu chế xuất, tỉnh khác lại xin xây khu công nghiệp, hết cái xây lại quay sang làm sân bay, bến cảng. Tức là phải nghĩ mọi cách kể cả đập đi xây lại là để có được GDP, để được báo cáo thành tích", ông Sơn nói.
Cùng quan điểm, chuyên gia kinh tế TS. Nguyễn Trí Hiếu cũng cho rằng, xây dựng cơ bản có mối liên hệ rất chặt chẽ với chỉ tiêu tăng trưởng GDP của địa phương.
Theo cách tính GDP của VN, GDP là tổng sản phẩm quốc nội của một địa phương do đó tất cả những chi phí xây dựng cơ bản, thu nhập của người dân... đều được tính vào tăng trưởng GDP. Tuy nhiên, vị chuyên gia này cảnh báo đó là sự tăng trưởng không bền vững, nó chỉ làm tăng GDP tại một thời điểm nhất định.
Điều này có thể bắt nguồn từ căn bệnh thành tích mà Việt Nam đang gặp phải.
Thế giới không làm thế
So sánh trụ sở các cơ quan công quyền ở VN so với các nước trên thế giới, Th.S Bùi Ngọc Sơn cho rằng, các nước khi xây dựng trụ sở hay tòa nhà hành chính họ đều có kế hoạch cụ thể nằm trong kế hoạch chi tiêu tổng thể của quốc gia.
Tiêu chí đầu tiên khi xây dựng các trung tâm hành chính là thuận tiện, hiệu quả. Xây dựng khi hành chính với mục đích chính là gần dân, phục vụ dân và đem lại hiệu quả cao nhất trong công việc. Còn ở VN xây dựng khu hành chính là để trưng diện, để làm đẹp bộ mặt của địa phương, là nơi ở hoành tráng cho lãnh đạo, quan chức và quan trọng là để tiêu tiền.
Đó là điểm khác biệt khi người dân các nước đến trụ sở thì có tâm lý trụ sở là để phục vụ mình, các không gian luôn được thiết kế mở tối đa vì họ coi đó là công trình công cộng chứ không phải là nhà ở của các quan chức như VN. Ở VN khi vào các trụ sở cơ quan các cửa luôn đóng kín, người dân không biết bên trong họ làm gì.
"Nước ngoài xây trụ sở là phụ thuộc vào thời điểm, và cách thức. Nhưng chi phí để làm trụ sở là bao nhiêu, hoặc chỉ xây khi nằm trong trương trình phát triển của chính phủ. Còn ở VN là làm trụ sở được coi như một kế sách để kiếm GDP.
TS.Nguyễn Trí Hiếu cũng cho rằng, xây trụ sở ở VN tiêu chí đầu tiên có vẻ như là cho đẹp mắt, chọn được vị trí đắc địa nhất chứ không đặt vấn đề tiện lợi cho dân chúng.
"Với nhiều chính quyền địa phương vấn đề tiện lợi chỉ là thứ yếu, quan trọng là cơ sở phải rất hoành tráng, chi phí cao. Bề mặt quan trọng hơn sự tiện ích của tòa hành chính", ông Hiếu nói.
Lam Lam
đất việt
|