Thứ Năm, 02/10/2014 13:04

Vài chục tỉ đồng mua được trường đại học

Chỉ cần bỏ ra vài chục tỉ đồng là có thể trở thành chủ nhân của trường ĐH, CĐ. Đó là lý do có những người sở hữu 2-4 ngôi trường.

Trường đại học Kinh tế - tài chính TP.HCM đã được bán cho chủ đầu tư mới

Thông thường, số tiền để thành lập mới một trường ĐH ít nhất cũng phải 250 tỉ đồng (vốn điều lệ tối thiểu theo quy định từ năm 2013, trước đó chỉ là 50 tỉ đồng), đó là chưa kể hàng loạt điều kiện ràng buộc khác kèm theo.

Trong khi đó, việc mua lại một trường ĐH trong thời gian qua chỉ dao động từ vài chục đến hơn trăm tỉ đồng. Việc mua lại trường rẻ hơn và thủ tục cũng nhanh gọn hơn so với thành lập mới.

Vì thế, không ít người đang là chủ sở hữu của trường ĐH này đã bỏ tiền mua lại trường ĐH khác hoặc lập đề án thành lập mới trường ĐH.

Kết quả là nhiều nhà đầu tư có vốn và làm quản lý ở nhiều trường ĐH, CĐ khác nhau. Việc mua bán được tiến hành dưới dạng tiền trao cháo múc, mua đứt bằng tiền mặt.

Một người làm chủ 4 trường

Mới đây nhất, những nhà đầu tư vào Trường ĐH Kinh tế - tài chính TP.HCM (UEF) đã hoàn tất việc mua bán và chuyển giao trường cho Công ty cổ phần đầu tư phát triển giáo dục Hutech (do ông Kiều Xuân Hùng, thành viên hội đồng quản trị Trường ĐH Công nghệ TP.HCM - Hutech, làm tổng giám đốc) và một số nhà đầu tư của Hutech.

Tòa nhà được Trường ĐH Công nghệ TP.HCM khánh thành cuối năm 2013 này được dùng làm vốn góp vào Trường ĐH Kinh tế - tài chính TP.HCM

Chủ tịch hội đồng quản trị UEF là ông Kiều Xuân Hùng, các thành viên hội đồng quản trị mới phần lớn đều đến từ Hutech.

PGS.TS Nguyễn Ngọc Điện (phó hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế - luật, ĐHQG TP.HCM):

Coi chừng vốn ảo

Hiện nay không có quy định nào cấm chuyện mua bán cả, nhà đầu tư có thể không gọi đó là việc mua trường mà gọi là mua phần vốn góp của trường. Tuy nhiên, việc sở hữu chéo là vấn nạn không chỉ trong giáo dục ĐH mà còn có ở nhiều lĩnh vực khác của xã hội. Đây là sơ hở mà từ đó hình thành nên vốn ảo - nhà đầu tư chỉ có 1 đồng nhưng 1 đồng này hiện diện ở cả chục nơi khác nhau dẫn đến sự thịnh vượng ảo. Chuyện này ở nước ngoài cũng có và họ đang tìm cách giải quyết, Việt Nam cũng đang xem xét học tập cách giải quyết của họ chứ chưa thể cấm.

Để giáo dục ĐH lành mạnh, cần có quy định nhà đầu tư không đầu tư trực tiếp vào trường mà đầu tư thông qua một quỹ giáo dục trung gian. Với mô hình này, nhà đầu tư sẽ không thể trực tiếp can thiệp và chi phối hoạt động của trường như hiện nay. Việc mua bán cũng chỉ là mua bán cổ phần trong quỹ đầu tư chứ không thể mua trực tiếp ngôi trường.

Dù con số chính thức không được tiết lộ nhưng theo một cán bộ Hutech, giá mua lại trường trên 100 tỉ đồng.

Trong đó Công ty cổ phần đầu tư phát triển giáo dục Hutech chiếm 51%, phần còn lại là của các cá nhân hiện đang làm việc tại Hutech góp vốn.

Ông Kiều Xuân Hùng cho biết công ty sẽ đầu tư tiền mặt và góp vốn bằng tài sản khi bàn giao tòa nhà Viện đào tạo quốc tế Hutech cho UEF.

Tòa nhà này mới được khánh thành và đưa vào sử dụng tháng 10-2013.

Trước đó vào năm 2013, Trường ĐH Phan Thiết chính thức được bán cho nhà đầu tư mới với giá trên dưới 60 tỉ đồng.

Số tiền này bao gồm một khu đất trường được cho thuê và một phần cơ sở vật chất hiện tại của trường.

Trong số chủ đầu tư mới vào trường có PGS.TS Võ Khắc Thường - đang là phó chủ tịch hội đồng quản trị Trường ĐH Tây Đô.

Hội đồng quản trị Trường ĐH Tây Đô hiện có bốn người gồm: TS Nguyễn Tiến Dũng - chủ tịch hội đồng quản trị, TS Nguyễn Phước Quý Quang - phó chủ tịch, PGS.TS Võ Khắc Thường - phó chủ tịch và một ủy viên.

Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, cả ba thành viên hội đồng quản trị đều đang đầu tư vào một trường ĐH hoặc CĐ khác.

Trong đó ông Nguyễn Phước Quý Quang là chủ tịch hội đồng quản trị Trường ĐH Công nghệ miền Đông (được thành lập cuối năm 2013), ông Võ Khắc Thường - chủ tịch hội đồng quản trị Trường ĐH Phan Thiết và ông Nguyễn Tiến Dũng sở hữu Trường CĐ Kinh tế kỹ thuật miền Nam và là thành viên hội đồng sáng lập Trường ĐH Nam Cần Thơ (được thành lập đầu năm 2013).

Trong khi đó, ông Lê Lâm - hiệu trưởng Trường CĐ Đại Việt Sài Gòn - hiện đang sở hữu đến bốn trường CĐ, trung cấp gồm Trường trung cấp Đại Việt TP.HCM, CĐ Đại Việt Sài Gòn, CĐ Công nghệ và kinh doanh Việt Tiến (Đà Nẵng) và Trung cấp Đại Việt Cần Thơ.

Năm 2013, ông Lê Lâm mua lại Trường CĐ Kinh tế kỹ thuật Sài Gòn (đang bị đình chỉ tuyển sinh hai năm liên tiếp) với giá trên 30 tỉ đồng, sau đó đổi tên thành CĐ Đại Việt Sài Gòn và năm 2014 tiếp tục mua lại Trường CĐ Việt Tiến cũng với giá trên 30 tỉ đồng.

Bên cạnh đó, đề án thành lập Trường ĐH Đại Việt Cần Thơ cũng đã được nộp cho Bộ GD-ĐT, UBND TP Cần Thơ và Ban chỉ đạo Tây Nam bộ cũng ủng hộ chủ trương này. Theo ông Lâm, để thành lập mới một trường ĐH phải cần số vốn trên 300 tỉ đồng.

Đầu tư dàn trải?

Trả lời câu hỏi tại sao không tập trung đầu tư nâng chất cho trường hiện có, liệu việc đầu tư dàn trải vào nhiều trường và sở hữu chéo, làm quản lý cùng lúc ở nhiều trường có làm suy yếu nguồn lực của trường đang có, các nhà đầu tư khẳng định việc mở rộng là cần thiết và vẫn đảm bảo sự phát triển cũng như chất lượng ở trường đầu tư trước đó.

PGS.TS Vũ Khắc Thường cho rằng Bộ GD-ĐT đã có quyết định tạm dừng nâng cấp, thành lập mới ĐH nên hiện nay việc xin thành lập mới trường ĐH là cực kỳ khó.

Nhà đầu tư muốn đầu tư vào ĐH rất khó khăn nên buộc họ phải mua lại những trường đang có. Dĩ nhiên họ đầu tư dài hạn, đầu tư cho tương lai chứ không phải đầu tư trước mắt.

“Tôi làm giáo dục đã mấy chục năm (công tác tại Trường ĐH Ngoại thương, cơ sở TP.HCM) nên cũng tâm huyết với giáo dục. Tôi muốn đầu tư nghiêm túc, xây dựng Trường ĐH Phan Thiết thật sự chất lượng để sau này khi không còn làm nữa cũng còn cái gì đó đóng góp cho xã hội” - ông Thường nói thêm.

Trong khi đó, ông Lê Lâm cho rằng học sinh có nhiều đối tượng, nhiều phân khúc khác nhau cũng như nguyện vọng học khác nhau.

Do vậy, việc mua lại nhiều trường CĐ ở nhiều khu vực khác nhau là để đáp ứng nhu cầu của người học cũng như mong muốn xây dựng hệ thống Trường Đại Việt từ trung cấp đến ĐH.

“Giá trị ban đầu của các trường còn nhỏ nhưng chúng tôi sẽ đầu tư để hệ thống hoạt động tốt hơn và có chất lượng hơn. Dĩ nhiên việc quản lý nhiều cơ sở như vậy cũng gặp nhiều khó khăn dù mỗi trường có bộ máy quản lý riêng biệt” - ông Lâm cho biết.

Còn ông Nguyễn Phước Quý Quang cho biết công việc chính của mình vẫn là tại Trường ĐH Tây Đô. Việc thành lập mới trường ĐH tại Đồng Nai là theo kêu gọi của tỉnh và những người tham gia thành lập trường đều có quê quán hoặc lớn lên tại đây, có học hàm học vị, có tiềm lực tài chính và tâm huyết với giáo dục.

“Chúng tôi đã đầu tư hơn 250 tỉ đồng vào trường nhưng đến thời điểm này mới tuyển được hơn 150 sinh viên. Số tiền thu về còn chưa đủ để trả lương, chưa kể các khoản chi khác. Nếu đầu tư để kiếm lời thì chúng tôi đã đầu tư vào việc khác” - ông Quang nói.

Chia sẻ về vấn đề đầu tư dàn trải hiện nay, chủ tịch hội đồng quản trị một trường ĐH ngoài công lập cho rằng thà chuyên tâm đầu tư một trường thật sự mạnh và chất lượng sẽ tốt hơn dàn trải.

Khi dàn trải, nguồn lực bị phân tán, các trường đều làng nhàng như nhau, nhất là nguồn nhân lực, đặc biệt là giảng viên, bị chia sẻ. Vị này nhận định trong kinh doanh, việc mở chân rết là cần thiết để mở rộng thị phần thì ngược lại, trong giáo dục càng mở rộng càng khó khăn.

Đó là chưa kể việc cùng lúc sở hữu nhiều trường như vậy khiến việc quản trị sẽ gặp nhiều trở ngại và đôi khi các quyết định của trường này có thể bị tác động bởi số phận của trường kia.

Pháp luật không cấm

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Văn Áng, phó vụ trưởng Vụ Kế hoạch - tài chính (Bộ GD-ĐT), cho rằng việc chuyển nhượng các trường ĐH ngoài công lập hoàn toàn không vi phạm pháp luật.

“Các trường ĐH tư thục được xây dựng và cung cấp chi phí vận hành từ kinh phí của các nhà đầu tư. Trong điều kiện cơ chế thị trường, với sự tác động của nhiều yếu tố, rủi ro cho các nhà đầu tư là chuyện bình thường. Với các nhà đầu tư xây dựng và vận hành trường ĐH cũng không phải ngoại lệ. Khi rủi ro xảy ra, trong đó có rủi ro về tài chính, nếu không có sự chuyển nhượng trường sang nhà đầu tư có tiềm lực tài chính tốt hơn thì nguy cơ phá sản, giải thể trường là có thể. Trong tình huống đó, việc chuyển nhượng trường từ nhà đầu tư này sang nhà đầu tư khác là có lợi cho xã hội. Hiện nay pháp luật của nước ta không cấm hoạt động chuyển nhượng này” - ông Áng nói.

Vậy với việc một người đang giữ vai trò phó chủ tịch/chủ tịch hội đồng quản trị trường này lại tiếp tục bỏ tiền mua trường ĐH khác để đồng thời giữ vị trí tương tự ở trường ĐH vừa mua có bị coi là làm sai quy định hiện hành?

Theo ông Áng, hiện tượng trên không nên gọi là sở hữu chéo. “Về bản chất, đây là việc một nhà đầu tư tham gia góp vốn vào nhiều trường ĐH. Các quy định hiện hành của nước ta không cấm việc một nhà đầu tư góp vốn vào nhiều trường ĐH” - ông Áng khẳng định.

N.Hà


Minh Giảng

tuổi trẻ

Các tin tức khác

>   “Tối hậu thư” cho nhà thầu trên quốc lộ 14 (02/10/2014)

>   Lún nứt cao tốc Nội Bài-Lào Cai: "Giải thích vòng vo, thiếu khoa học" (02/10/2014)

>   Thanh tra việc sử dụng vốn tại Tập đoàn Dầu khí và Tổng Công ty Đường sắt (02/10/2014)

>   Công cụ kiếm tiền mới của Nhà nước Hồi giáo (02/10/2014)

>   Khám xét, điều tra sàn vàng trái phép tại công ty Khải Thái (02/10/2014)

>   Doanh nhân gốc Việt sắp mua đội bóng Mỹ (01/10/2014)

>   Gần 700 hộ dân ở KĐT Xa La có nguy cơ phải bắc thang để đi ra đường (30/09/2014)

>   “Có chủ tịch tỉnh chưa bao giờ gặp cộng đồng doanh nghiệp” (30/09/2014)

>   Rút số đăng ký các thuốc do Helix Pharmaceuticals Inc. Canada sản xuất (30/09/2014)

>   Lương trong ngành dầu khí phải giảm (30/09/2014)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật