Thứ Bảy, 25/10/2014 12:46

Trao chức năng thanh tra cho BHXH sẽ có lợi cho người lao động

Trao đổi với phóng viên Thời báo Ngân hàng, bà Trương Thị Mai, Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội cho biết, điểm nhấn trong Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) mà Chính phủ trình Quốc hội lần này là mở rộng đối tượng tham gia đóng bảo hiểm, Nhà nước sẽ hỗ trợ một phần mức đóng BHXH đối với một số đối tượng để giúp họ có thu nhập khi nghỉ hưu.

Bà Trương Thị Mai

Tại sao đối tượng tham gia BHXH hiện nay lại thấp thưa bà?

Khi tham gia BHXH, đáng quan tâm nhất là việc tham gia BHXH của đối tượng hưu trí và tử tuất còn thấp, điều đó cho thấy mạng lưới an sinh hiện còn mỏng vì tỷ lệ lao động chính thức tham gia BHXH hiện chỉ có 20%, 80% lao động còn lại thuộc khu vực phi chính thức, bao gồm: lao động tự do và nông dân chưa tham gia hoặc chưa có điều kiện tham gia.

Nếu một đất nước mà chính sách hưu trí chỉ có 20% tham gia, nghĩa là 80% còn lại khi về già họ sẽ không có chính sách an sinh xã hội sẽ tạo áp lực rất lớn cho đất nước. Vì vậy mà luật lần này hướng tới mục tiêu quan trọng là mở rộng đối tượng và tăng chất lượng an sinh xã hội.

Vậy liệu mục tiêu đặt ra liệu có đạt được hay không, thưa bà?

Việc đạt hay không còn phụ thuộc vào nhiều vấn đề, một là phải có chính sách khuyến khích đối với khu vực phi chính thức để nông dân và lực lượng lao động tự do tham gia, còn nếu nhà nước có hỗ trợ cho họ một phần dù nhỏ cũng có thể là cơ chế khuyến khích để cho họ tham gia.

Tuy vậy, theo dự báo nếu có cơ chế khuyến khích như luật này quy định thì cũng chỉ tăng được từ 10-15%, quan trọng nhất là tái cơ cấu nền kinh tế, tăng doanh nghiệp lên và vì vậy mà sẽ có lao động chính thức cao hơn số lượng 20% như hiện nay, số còn lại thì cần cơ chế khuyến khích để họ tham gia. Như vậy, nền kinh tế phải phát triển, có tăng trưởng kinh tế, mở mang làm ăn để doanh nghiệp đầu tư, thu hút lao động và tăng mức đóng BHXH.

Thưa bà, các số liệu công bố gần đây cho thấy hiện các doanh nghiệp nợ BHXH lên tới hơn 11.000 tỷ đồng, vậy chúng ta có cần chế tài mạnh hơn để xử lý hay không?

Vấn đề này cần đánh giá trên hai góc độ. Về chủ quan hiện có một số người trốn đóng bảo hiểm, một số người thì chiếm dụng, một số người lại không có khả năng đóng. Còn về khách quan, do khủng hoảng của suy thoái kinh tế, trong điều kiện bình thường thì số này cũng có nhưng không tăng cao như những năm gần đây, nó cũng có những yếu tố khách quan, tuy nhiên vẫn phải giải quyết vấn đề này vì đó là an sinh của người dân và an sinh của người lao động.

Để khắc phục tình trạng này, Dự thảo luật đã bổ sung các quy định cấm một số hành vi như: hành vi chiếm đóng, trốn đóng, chiếm dụng bảo hiểm xã hôi và là cơ sở để sau này bổ sung vào bộ luật Dân sự. Bên cạnh đó, tất cả các hành vi liên quan đến BHXH hiện vẫn chưa hình sự hóa thì sắp tới cũng nên đưa một số vi phạm tương đối nghiêm trọng như doanh nghiệp làm ăn tốt, người lao động có đóng góp nhưng bị chiếm dụng để đầu tư làm ăn thì nhất thiết phải xem xét yếu tố hình sự, còn làm ăn trong điều kiện bình thường nhưng trốn không đóng theo quy định chủ doanh nghiệp đóng 14%, còn người lao động đóng 8% và như vậy 2 tội trên vào Luật Hình sự sửa đổi. Các vi phạm còn lại sẽ tăng mức xử phạt lên để có chế tài răn đe nhằm giảm bớt nợ, vì nợ như thế này ảnh hưởng ngay đến an sinh xã hội.

Để quản lý tốt hơn tình trạng nợ đọng BHXH, Chính phủ đề xuất giao cho BHXH chức năng thanh tra. Tuy nhiên, qua thảo luận vẫn còn có ý kiến trái chiều về việc này, vậy quan điểm của bà thế nào?

Theo tôi cái gì có hiệu quả hơn thì Quốc hội nên ủng hộ, vì tăng quyền thanh tra lên cho hơn 500 cán bộ đang làm công tác kiểm tra của bảo hiểm có thêm chức năng thanh tra. Họ có thêm quyền lập biên bản phạt, thêm quyền xử lý chắc chắn việc đang bị tồn tại, hạn chế sẽ được giải quyết tích cực hơn, còn đợi cho thanh tra ngành lao động xuống thì với lực lượng mỏng trong khi còn phải thanh tra nhiều vấn đề khác nữa ngoài BHXH thì không đủ lực lượng để làm. Việc giao thêm chức năng thanh tra cho BHXH sẽ tốt hơn cho người lao động.

Vì vậy tôi cho rằng, quan trọng nhất là cuộc sống đang đặt ra vấn đề gì và mình nên đặt vào thực tiễn cuộc sống để giải quyết tốt hơn và Quốc hội nên ủng hộ.

Cách tính đóng BHXH để hưởng lương hưu cũng có nhiều ý kiến khác nhau. Có ý kiến cho rằng, cách tính này đang gây thiệt hại cho NLĐ. Vậy ở góc độ là cơ quan giám sát bà thấy thế nào?

Các quy định này phải tuân thủ nguyên tắc đóng - hưởng, tức là anh đóng cho cả cuộc đời làm việc và sau đó phần đóng đó anh sẽ được hưởng trong lúc không còn lao động nữa để giải quyết rủi ro khi về già và có thêm một khoản lương hưu để sống cuộc đời lúc về già.

Việc sửa đổi lần này quan trọng nhất là sửa nguyên tắc đóng - hưởng. Trước năm 1995 là 5 năm cuối, rồi đến 6 năm cuối và 8 năm cuối, 10 năm cuối thì nó không đảm bảo nguyên tắc đóng - hưởng. Bởi vì đóng cả cuộc đời nhưng hưởng lương chỉ 10 năm cuối cùng, 8 năm cuối cùng... trong khi khu vực doanh nghiệp, người lao động đã hưởng bình quân cả cuộc đời rồi thì khu vực công vẫn đang là 5 năm, 6 năm, 8 năm, 10 năm cuối. Do vậy không đảm bảo nguyên tắc đóng - hưởng và vì vậy đụng tới khả năng an toàn của quỹ vì khi đóng ít, tuổi nghỉ hưu lại thấp, thời gian đóng ngắn, mức đóng thấp mà lúc hưởng thì dài do tuổi thọ cao lên.

Tiếp đến là hưởng mức lương bình quân của 10 năm cuối cùng rất cao, đó là 10 năm đạt được lương cao nhất cuộc đời của con người, nó không đảm bảo nguyên tắc đóng - hưởng và lúc này cần phải sửa lại và đi tiếp 2 việc nữa, 10 năm cuối, 15 năm cuối và 20 năm cuối và cuối cùng là bình quân cả cuộc đời. Như vậy, nó giống khu vực tư, đóng bao nhiêu hưởng bấy nhiêu, còn khu vực công, lấy 10 năm cuối cùng là không theo nguyên tắc đóng - hưởng.

Đơn cử trường hợp của tôi, 10 năm cuối cùng sẽ hưởng lương bộ trưởng trong khi mức lương đầu tiên phải đóng là 55 đồng khi tôi bắt đầu làm giáo viên mà khi được hưởng lương thì lại hưởng 10 năm cuối cùng cao nhất của cuộc đời, như vậy sẽ ăn vào quỹ và làm cho quỹ không an toàn. Điểm thứ hai nữa là không bình đẳng với khu vực tư. Khu vực này đóng cả cuộc đời và không có 10 năm cuối cùng, như vậy hai khu vực sẽ vênh nhau và không có sự bình đẳng.

Có thể thấy, cả khu vực công và tư đều đóng 22% vào để khi cuối cùng hưởng lương hưu trong khi khu vực tư thì thấp còn công thì cao. Đáng lẽ là phải bình quân ngay như phương án của Chính Phủ là bắt đầu từ 2018, nhưng quan điểm của Ủy ban Các vấn đề xã hội là nếu giảm ngay sẽ bị sốc. Vì vậy cần có lộ trình và nên bắt đầu từ 2025. Nếu người lao động bắt đầu đóng BHXH từ 1/1/2025, việc chi trả sẽ thực hiện từ năm 2045. Như vậy, chúng ta mất 30 năm để điều chỉnh chính sách đóng - hưởng chứ không phải đi cực nhanh để giảm sốc cho xã hội.

Xin cảm ơn bà.

Dương Công Chiến thực hiện

thời báo ngân hàng

Các tin tức khác

>   Nên cá nhân hóa việc đóng bảo hiểm xã hội (25/10/2014)

>   Nỗi lo “vỡ” Quỹ BHXH và một số kiến nghị (23/10/2014)

>   Bảo hiểm du lịch: mua dễ, khó đòi (18/10/2014)

>   Có cần thêm chế tài hình sự khi doanh nghiệp nợ BHXH? (18/10/2014)

>   Tài sản tàu Sunrise 689 bị cướp được bảo hiểm thế nào? (13/10/2014)

>   Người dân vẫn “e dè” với bảo hiểm xã hội (04/10/2014)

>   Nợ đọng bảo hiểm xã hội: Thiếu chế tài mạnh (20/09/2014)

>   Ngăn chặn nợ đọng BHXH, BHYT (16/09/2014)

>   Mỗi người lao động nghỉ hưu sớm, BHXH mất 192 triệu đồng (15/09/2014)

>   Lương 5,4 triệu, ngàn nhân viên Bảo hiểm xã hội bỏ việc? (13/09/2014)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật