Nên cá nhân hóa việc đóng bảo hiểm xã hội
Phỏng vấn TS Nguyễn Thị Lan Hương, Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội về khả năng mở rộng độ bao phủ của chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH).
* Nợ đọng bảo hiểm xã hội: Thiếu chế tài mạnh
* Người dân vẫn “e dè” với bảo hiểm xã hội
* Nỗi lo “vỡ” Quỹ BHXH và một số kiến nghị
|
TS Nguyễn Thị Lan Hương
|
Trước tình trạng trốn đóng BHXH khá phổ biến, theo bà, cần có giải pháp nào để tăng tỷ lệ tuân thủ khi thực hiện chính sách, pháp luật trong lĩnh vực này?
Cơ chế đóng BHXH hiện nay là phải đóng thông qua người chủ. Trong khoản tiền phải đóng thì chủ sử dụng lao động phải đóng đến 2/3, người lao động chỉ đóng với tỷ lệ nhỏ, nên nếu có thể được thì người chủ sẽ tìm cách trốn. Tôi cho rằng cần áp dụng hình thức mã số cá nhân cho từng người lao động để khi trả lương, tiền đóng BHXH sẽ chảy thẳng vào đó. Tạm hình dung là tiền DN trả cho người lao động sẽ ngay lập tức được bỏ vào hai cái hộp: Một là hộp người lao động được lĩnh, cầm về và một là tiền BHXH. Cũng có thể áp dụng biện pháp khấu trừ tại nguồn như một số nước đang làm, tương tự như tạm trừ thuế giá trị gia tăng vậy. Chỉ khác là thuế GTGT thì phải hoàn lại, còn tiền BHXH thì không, dễ dàng và thuận lợi hơn.
|
|
Theo dự báo của Viện Khoa học Lao động và Xã hội (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội), đến năm 2015, tổng lực lượng lao động (trong độ tuổi lao động) của Việt Nam sẽ đạt gần 55,9 triệu, tăng lên trên 60 triệu vào năm 2020 và đạt mức trên 65,4 triệu vào năm 2050.
|
Với đối tượng lao động thời vụ thì sao, thưa bà?
Hiện nay đối tượng lao động từ 3 tháng trở lên là có tham gia BHXH bắt buộc rồi. Nhưng vấn đề bạn nêu cũng đúng, đó là phải làm sao để tăng tỷ lệ sử dụng lao động có hợp đồng lên. Tỷ lệ này hiện nay mới khoảng hơn 60%. Có tăng tỷ lệ lao động có hợp đồng lên thì mới tăng tỷ lệ đóng BHXH được.
Một điều kiện quan trọng nữa là vẫn phải có chế tài với người sử dụng lao động để họ thực hiện nghiêm túc việc đóng BHXH. Hiện nay bản thân một bộ phận người lao động cũng chưa ý thức được đầy đủ sự cần thiết của việc đóng BHXH, cứ thấy càng ít bị trừ vào thu nhập càng tốt, để khoản nhận về được nhiều hơn. Nhưng với cơ chế đóng như hiện nay thì kể cả khi họ đóng rồi, mà người chủ không đóng, thì sau này người lao động cũng không được hưởng quyền lợi. Phạt thôi thì cũng không ăn thua, nhất là khi tiền phạt chậm nộp lại thấp hơn lãi suất đi vay ngân hàng. Tôi cho rằng phải truy cứu trách nhiệm hình sự của người chủ sử dụng lao động trốn đóng BHXH.
Thực tế là mức tiền lương khai báo làm căn cứ đóng BHXH thấp hơn thực tế khá nhiều, điều này dẫn đến hệ lụy gì? Giải pháp nào để khắc phục?
Đúng là trên thực tế tiền lương khai báo đóng BHXH có khoảng cách lớn với thu nhập thực tế của người lao động. Mức tiền lương khai báo làm căn cứ để đóng BHXH chỉ ở mức xấp xỉ 2,4 – 3 triệu đồng/ người/ tháng, tức là chưa bằng 50% tổng thu nhập của người lao động. Đáng lưu ý nữa là - theo Tổng cục Thống kê - khu vực nhà nước và khu vực DN FDI có tỷ lệ khai báo tiền lương/ thu nhập thấp nhất, mặc dù 2 khu vực này có mức thu nhập bình quân tháng cao nhất.
Điều này cho thấy việc kiểm soát thu nhập của hai khu vực trên có vai trò quan trọng trong việc huy động nguồn lực tham gia BHXH. Sự chênh lệch này làm BHXH thất thu, không chỉ làm cho quỹ BHXH bị “còm cõi”, mà đến khi về hưu người lao động chỉ được hưởng rất ít. Phương thức trả lương qua tài khoản như tôi đã nêu trên có thể khắc phục được điều này.
Một thuận lợi đáng kể là hạ tầng công nghệ thông tin hoàn toàn đáp ứng được yêu cầu này. Nhưng tôi xin nói thêm rằng việc thu bao nhiêu, theo phương thức nào là tối ưu cần phải tính rất kỹ, đó là một bài toán khá phức tạp về tài chính chứ không đơn giản là tận thu.
Còn về BHXH tự nguyện, thưa bà?
Muốn tăng độ “phủ” của loại hình này thì trước tiên phải nâng cao nhận thức về lợi ích của BHXH tự nguyện, đồng thời xóa dần sự khác biệt giữa 2 hình thức BHXH bắt buộc với BHXH tự nguyện. Hiện nay bảo hiểm tự nguyện mới chỉ có 2 chế độ dài hạn (hưu trí và tử tuất), chưa đáp ứng nhu cầu được BHXH của người dân, đặc biệt là nhu cầu BHXH ngắn hạn (thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, ốm đau…).
Các quy định của Luật BHXH về thời gian tham gia, mức đóng, nơi đóng BHXH tự nguyện vẫn chưa linh hoạt và phù hợp với khả năng tham gia của người lao động, nhất là trong khu vực phi chính thức (chẳng hạn, một bộ phận lao động trên 40 tuổi với nữ và trên 45 tuổi với nam có nguyện vọng và điều kiện tài chính tham gia BHXH tự nguyện thì không còn đủ thời gian đóng…).
Vì thế người lao động là người tham gia BHXH tự nguyện có phần thiệt thòi. Ở chế độ bắt buộc thì có DN “gánh đỡ” 2/3, trong khi BHXH tự nguyện thì chỉ có người lao động đóng mà thôi. Các nước khắc phục bất hợp lý này bằng có cơ chế đồng chi trả; tức là Nhà nước có hỗ trợ kinh phí đóng BHXH tự nguyện.
Xin cảm ơn bà!
Cẩm Hà (thực hiện)
hải quan
|