Nỗi lo “vỡ” Quỹ BHXH và một số kiến nghị
Tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII, sẽ xem xét nhiều nội dung sửa đổi Luật BHXH nhằm đảm bảo Quỹ BHXH cân đối thu chi, hóa giải nỗi lo vỡ quỹ.
Nợ đọng lớn, "chiêu trò" nhiều
Nợ đọng BHXH ngày một gia tăng về giá trị tuyệt đối, đang ở mức báo động. Theo số liệu của ngành BHXH, năm 1997, số nợ chậm đóng BHXH mới chỉ là 307 tỷ đồng, bằng 8% tổng số phải thu trong năm.
Năm 2006, số tương ứng là 1.508,4 tỷ đồng, tiếp tục tăng đều qua các năm và tới hết tháng 8/2014, tổng số nợ BHXH, Bảo hiểm Y tế và Bảo hiểm thất nghiệp là 11.651,7 tỷ đồng, diễn ra ở hơn 54.000 tổ chức, DN, ảnh hưởng quyền lợi của 714.000 lao động.
Trong số đơn vị này, có trên 8.000 đơn vị ngừng hoạt động, không còn giao dịch với cơ quan BHXH, đi liền với đó là hơn 30.000 lao động có nguy cơ mất quyền lợi cơ bản về BHXH, BHYT.
Nợ đọng do kinh doanh khó khăn là một thực tế, nhưng nhiều DN lách luật trong nộp BHXH để tăng lợi nhuận. Trưởng Phòng thu BHXH tỉnh Phú Yên Trần Văn Dũng nêu ví dụ về một DN làm ăn hiệu quả trên địa bàn tỉnh nhưng đều đóng cùng một mức BHXH cho người lao động.
Cụ thể, công ty Cavina, số kê khai BHXH là 786 triệu đồng/năm 2013, với mức lương bình quân là 1,9 triệu đồng/người/tháng, nhưng số kê khai với cơ quan thuế là 977 triệu đồng, với mức thu nhập bình quân là 4,9 triệu đồng/người/tháng.
Phó Trưởng Phòng thu BHXH Hà Nội Nguyễn Dương cho biết: “Chúng tôi biết là có sự chênh lệch, khác nhau về hồ sơ đóng BHXH và hồ sơ DN, nhưng ngành BHXH chỉ có quyền đôn đốc, nếu DN vẫn không thực hiện thì chỉ có quyền kiến nghị xử lý, hoặc phối hợp thanh tra liên ngành của địa phương. Thanh tra rồi mà DN vẫn chây ỳ thì khởi kiện ra tòa dân sự”.
“Nhưng khởi kiện thì thủ tục, trình tự phức tạp, có thắng kiện thì vẫn phải “trường kỳ” thu hồi. Sau khi có phán quyết của toà thì mới đòi được khoảng 30% số tiền BHXH mà DN nợ, chưa kể những khó khăn khi xác nhận tài sản DN”, Giám đốc BHXH TPHCM Cao Văn Sang cho biết.
Giải pháp căn bản
Để xử lý việc lách luật trốn đóng BHXH, hay cố tình chây ỳ chậm nộp, dự án Luật BHXH (sửa đổi) quy định theo hướng mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc và tự nguyện; lấy mức lương căn cứ đóng BHXH dựa trên toàn bộ thu nhập của người lao động từ tiền lương, tiền công và các khoản có tính chất lương (có tính toán lộ trình).
Đặc biệt, Thứ trưởng, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thị Minh cho rằng cần bổ sung cho BHXH thẩm quyền thanh tra trong lĩnh vực đóng BHXH, bổ sung vào Bộ luật Hình sự tội trốn đóng hay chiếm dụng BHXH trong thời gian dài, đã bị xử phạt hành chính nhưng tiếp tục vi phạm.
“Nếu không được cho phép trang bị những công cụ mới này, ngành BHXH không thể đảm đương nổi những nhiệm vụ ngày càng nặng nề”, bà Minh nói.
Kiến nghị của ngành BHXH trong dự án Luật cũng nhận được sự đồng tình từ phía Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân trong một hội thảo gần đây về tình hình thu, đóng BHXH.
“Không thể để các đối tượng xâm phạm lợi ích của hàng vạn người, gây thiệt hại, thất thu cho Quỹ BHXH và ngân sách Nhà nước”, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh.
Thành Chung
chính phủ
|