Ngăn chặn nợ đọng BHXH, BHYT
Tính đến quý II/2014, tổng số nợ BHXH-BHYT lên đến trên 11.190 tỷ đồng, chiếm 6,28% kế hoạch thu BHXH-BHYT.
Chậm đóng, nợ đọng BHXH-BHYT có chiều hướng gia tăng
Tại Hội thảo “BHXH ở Việt Nam trong những năm đổi mới và định hướng phát triển” do Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với BHXH tổ chức ngày 15/9 tại Hà Nội, Phó Tổng giám đốc BHXH Việt Nam Đỗ Văn Sinh cho biết: Đối với BHXH bắt buộc, đến hết năm 2013, số thu BHXH bắt buộc là 105.018 tỷ đồng (chưa bao gồm tiền lãi phạt chậm đóng), tăng 341,8% so với năm 2007. Còn với BHXH tự nguyện, năm 2013, số thu là 552 tỷ đồng... Tuy nhiên, số đối tượng tham gia BHXH bắt buộc còn thấp hơn so với số thực tế tham gia.
Ông Ngô Văn Khánh, Phó Tổng thanh tra Chính phủ nhận định, trong những năm gần đây, các hành vi vi phạm pháp luật về BHXH đang gia tăng với tính chất ngày càng tinh vi, đa dạng và phức tạp hơn.
Tình trạng chậm đóng, nợ đọng BHXH, BHYT có chiều hướng gia tăng, năm sau cao hơn năm trước. Tính đến quý II/2014, tổng số nợ BHXH, BHYT lên đến trên 11.190 tỷ đồng, chiếm 6,28% kế hoạch thu BHXH, BHYT.
Trong đó, nợ của các đơn vị đang hoạt động trên 8.283 tỷ đồng (chiếm 93,1%), nợ của các đơn vị đã ngừng hoạt động là 613 tỷ đồng (chiếm 6,9%)...
Nhiều đơn vị sản xuất kinh doanh ngoài quốc doanh đã đăng ký hoạt động với cơ quan nhà nước chưa tham gia BHXH-BHYT với tỷ lệ thấp. Ngoài ra, còn có tình trạng nợ đọng, thanh toán các chế độ BHXH có nơi chưa kịp thời, chưa đúng chế độ, sai đối tượng.
Nguyên nhân
Theo ông Ngô Văn Khánh, có nhiều nguyên nhân dẫn đến nợ đọng BHXH, BHYT. Đó là Luật BHXH và Luật BHYT thời gian qua bộc lộ một số thiếu sót, bất cập, không còn phù hợp với thực tế nhưng chưa được sửa đổi kịp thời; ý thức chấp hành pháp luật BHXH, BHYT của nhiều đơn vị sử dụng lao động chưa tốt, chế tài xử phạt chưa nghiêm, mức phạt các vi phạm chưa đủ mạnh để buộc doanh nghiệp tuân thủ.
Bên cạnh đó, đơn vị BHXH không quản lý hết được các đối tượng phải đóng BHXH, BHYT, thiếu cơ chế phối hợp giữa BHXH và các cơ quan có liên quan như: LĐTBXH, KHĐT, Thuế...
BHXH Việt Nam thời gian qua đã thực hiện phối hợp với các cơ quan liên quan tại các tỉnh, thành phố triển khai nhiều cuộc thanh tra, kiểm tra liên ngành, nhưng chưa thường xuyên, số lượng các cuộc thanh tra, kiểm tra còn ít. Nội dung thanh tra chủ yếu tập trung kiểm tra việc đóng BHXH tại đơn vị sử dụng lao động, đôn đốc thu hồi nợ đọng; chưa chú trọng thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các chế độ BHXH, BHYT dẫn đến hiệu lực, hiệu quả hoạt động thanh tra, kiểm tra chưa cao...
Ông Đỗ Văn Sinh chia sẻ thêm, nguyên nhân của việc nợ BHXH còn do mức phạt lãi suất chậm đóng BHXH thấp hơn mức lãi suất vay ngân hàng nên nhiều doanh nghiệp chấp nhận chịu phạt để chiếm dụng quỹ BHXH.
Cùng với đó, các đơn vị sản xuất kinh doanh một số ngành như xây dựng, thủy lợi, giao thông, chủ đầu tư chậm thanh toán nên đơn vị không đủ chi phí trả lương và đóng BHXH cho người lao động.
Cải cách thủ tục, phối hợp liên ngành trong quản lý BHXH, BHYT
Để chấm dứt nợ đọng và vi phạm quy định về BHXH, đại diện các cơ quan chức năng đã đưa ra nhiều giải pháp.
Theo ý kiến của ông Ngô Văn Khánh, rất cần tăng cường sự phối hợp, chỉ đạo giữa BHXH Việt Nam và các Bộ, ngành có chức năng thanh tra chuyên ngành để triển khai các cuộc thanh tra theo chuyên đề, thanh tra diện rộng để có được những đánh giá sâu, rộng, toàn diện về cơ chế chính sách đang thực hiện để phát hiện và kiến nghị sửa đổi bổ sung kịp thời các cơ chế, chính sách chưa phù hợp.
Cùng với đó là thường xuyên phối hợp chặt chẽ với các cơ quan có liên quan để định hướng công tác; xây dựng kế hoạch thanh tra liên ngành. Đồng thời tăng cường kiểm tra trách nhiệm trong công tác phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan đến thực hiện chính sách BHXH.
Cần chỉ đạo công tác xử lý sau thanh tra, kiểm tra quyết liệt hơn trong việc thực hiện kết luận, kiến nghị, xử lý sau thanh tra, kiểm tra, bảo đảm các kiến nghị được thực hiện nghiêm túc...
Ông Hoàng Văn Dũng, Phó Chủ tịch VCCI cho rằng: Nên nâng mức xử phạt cao hơn mức hiện nay để có tác dụng giáo dục, răn đe các cá nhân, đơn vị cố tình vi phạm Luật BHXH, đặc biệt là việc nợ đọng tiền BHXH.
Ngoài ra, cần nghiên cứu và đưa ra lộ trình tăng dần tuổi nghỉ hưu đổi với người lao động trên cơ sở những tiến bộ trong việc nâng cao tuổi thọ trung bình và giảm tỉ lệ giữa số người lao động và số người nhận lương hưu, trước mắt có thể nâng ngay tuổi nghỉ hưu đối với những người lao động là các kỹ sư ở các ngành công nghệ cao, các nghệ nhân…
Nhấn mạnh về tầm quan trọng của cải cách thủ tục hành chính, ông Đỗ Văn Sinh, Phó Tổng giám đốc BHXH Việt Nam khi trao đổi với báo chí cho biết, một trong những giải pháp quan trọng của ngành là cải cách thủ tục hành chính.
Thực hiện Nghị quyết 19 của Chính phủ, trong thẩm quyền của mình, từ năm 2012 (thời điểm WB lấy số liệu đánh giá), BHXH Việt Nam đã chủ động rà soát và cắt giảm bộ thủ tục hành chính. Nhờ vậy, đã giảm từ 263 xuống còn 111 thủ tục, trong đó có 10 loại thủ tục hành chính liên quan trực tiếp đến các bước khai báo của DN về nộp BHXH và BHYT.
Trong 10 thủ tục này, BHXH Việt Nam vẫn đang tiếp tục rà soát để cắt giảm tiếp. BHXH Việt Nam đang quyết liệt triển khai 3 giải pháp để tiếp tục cải cách thủ tục hành chính. Đó là rà soát tất cả thủ tục liên quan đến quy định, quy trình thu, chi, cấp sổ, cấp thẻ BHXH ở tất cả các cấp nhằm cắt giảm những khâu rườm rà, gây khó cho người nộp bảo hiểm. Đồng thời, phối hợp với ngành bưu điện thực hiện việc giao, nhận hồ sơ về BHXH cho khách hàng; ứng dụng giao dịch BHXH điện tử, chữ ký số trên toàn hệ thống.
Ông Đỗ Văn Sinh cho biết: Ngành BHXH đang đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, tiến tới tự động hóa cập nhật thông tin. Thủ tục BHXH điện tử đã được triển khai tại một số thành phố lớn nhưng do đang trong quá trình thí điểm nên chưa có quy định về giao dịch điện tử.
Huy Thắng
chính phủ
|