Tái cơ cấu nền kinh tế và nguyên tắc kinh tế thị trường
Mọi người được quyền tự do kinh doanh trong tất cả các ngành nghề mà pháp luật không cấm và quyền công dân chỉ được hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội và bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Hai quy định này kết hợp với nhau tạo một nền tảng pháp lý rất chắc chắn cho quyền tự do kinh doanh của người dân ở Việt Nam. Tôi đánh giá đó là điều thay đổi rất quan trọng, thay đổi rất căn bản để chuyển sang một nền kinh tế thị trường. Đó là chia sẻ của Viện trưởng Viện nghiên cứu kinh tế Trung ương, Tiến sỹ Nguyễn Đình Cung với PV Báo ĐBND.
- Thưa Viện trưởng, thắt chặt kỷ luật tài khóa về đầu tư là một trong những điều quan trọng mà Luật đầu tư công hướng tới trong quá trình tái cơ cấu nền kinh tế?
Viện trưởng Nguyễn Đình Cung: Trong đầu tư công có rất nhiều việc, nhưng Luật đầu tư công giải quyết được một vấn đề đó là thắt chặt ở mức độ nhất định, thắt chặt được kỷ luật tài khóa về đầu tư đối với các cơ quan nhà nước. Đây là một trong những nguyên tắc của thị trường.
Trước đây mọi người, mọi nhà đều có thể quyết định đầu tư mà không cần biết vốn ở đâu cứ quyết cái đã, rồi sau đi tìm vốn đâu đấy.Luật đầu tư công giải quyết được một vấn đề, bây giờ anh quyết nhưng anh chỉ quyết được trong phạm vi số vốn anh cân đối. Buộc mọi người phải cân nhắc, phải lựa chọn dự án nào có hiệu quả hơn thì mới đầu tư, chứ không thể đầu tư ào ạt như trước được, cần phải có một sự cân nhắc kỹ trước khi lựa chọn đầu tư và tính đến chi phí cơ hội. Theo tôi, đó mới là nguyên tắc thị trường và đó mới là thị trường.
Việc phân bố đầu tư trung hạn từ 3 – 5 năm, tôi cho là hợp lý, sẽ chắc chắn hơn, kỷ luật ngân sách về đầu tư được thắt chặt hơn và đó là thực hiện theo nguyên tắc thị trường. Đồng thời với đó là Luật đấu thầu cũng thực hiện được; áp đặt được theo nguyên tắc thị trường đối với các bên có liên quan từ chủ đầu tư, nhà thầu, cho đến bên cung cấp dịch vụ.
Như vậy, trong hoạt động đầu tư công nhìn về thể chế theo nguyên tắc thị trường mà nói có một bước tiến, một thay đổi có sự khác biệt so với trước là hướng đến một áp đặt, một kỷ cương, một trật tự nguyên tắc thị trường trong phân bố và sử dụng nguồn lực. Việc áp đặt theo nguyên tắc thị trường, theo kỷ luật một cách khắt khe để buộc mọi người hoàn toàn phải lựa chọn được dự án đầu tư có hiệu quả nhất thì mình chưa đạt được đến mức đó, vì vẫn còn thiếu một số nội dung. Nhưng theo tôi đánh giá, việc đầu tư mà áp đặt được theo nguyên tắc, kỷ luật thị trường thì đó là một bước tiến căn bản tạo sự khác biệt so với trước.
- Tái cơ cấu DNNN chúng ta đã có những bước tiến đáng ghi nhận, thưa Viện trưởng?
Viện trưởng Nguyễn Đình Cung: Về doanh nghiệp nhà nước có nhiều việc phải làm trong tái cơ cấu DNNN, nhưng chúng ta mới chú trọng đến cổ phần hóa. Nếu như ta áp được đặt đầy đủ kỷ luật thị trường, kỷ cương nhà nước, áp đặt đầy đủ về chế độ tài khóa ngân sách cứng đối với DNNN và sau đó áp đặt đầy đủ quản trị theo thông lệ quốc tế, rồi mới đến cổ phần hóa thì tiến trình này diễn ra nó thị trường hơn và thị trường đúng nghĩa của nó là phân bố lại nguồn lực.
Tuy nhiên, chúng ta mới chú trọng đến cổ phần hóa và thoái vốn đầu tư ngoài ngành. Khi mà cổ phần hóa và thoái vốn đầu tư ngoài ngành thực sự có kế hoạch thì ta mới làm quyết liệt được. Mục tiêu của chúng ta tới năm 2015 là phải thoái vốn đầu tư ngoài ngành hầu hết trong các DNNN và cổ phần hóa được 432 doanh nghiệp. Nhưng vì hai yếu tố thị trường căn bản nói trên, tôi cho rằng sẽ chưa đạt được như mong muốn, hoặc còn có sai lệch nhiều so với nguyên tắc thị trường.
Về kết quả đạt được cho đến bây giờ, nếu tính về số lượng chưa được nhiều nhưng hi vọng đến một thời điểm nào đó và biết đâu đến cuối năm 2015, mọi việc công tác chuẩn bị về cổ phần hóa, thực hiện có kết quả chẳng hạn thì chúng ta phải chờ xem thêm một năm nữa.
Nếu như, mình chỉ thay đổi về mặt hình thức mà không phân bố lại nguồn lực thì sẽ không đạt được ba mục tiêu của tái cơ cấu nền kinh tế và có thể chưa đạt được mục tiêu đề ra. Việc đánh giá ở đây không chỉ ở số lượng, mà đánh giá về cái nhìn nhìn sâu hơn và thực sự đó mới là giải pháp thúc đẩy, phân bố lại nguồn lực. Từ đó, việc tái cơ cấu nền kinh tế mới nâng cao được hiệu quả, nâng cao được năng suất, nâng cao được năng lực cạnh tranh. Đó mới là điều mà chúng ta cần phải tính tới nhiều hơn, cần phải xem xét nhiều hơn, hơn là việc chúng ta chỉ quan tâm đến bao nhiêu doanh nghiệp được cổ phần hóa.
- Vậy thưa Viện trưởng, đâu là yếu tố cơ bản thúc đẩy quá trình thực hiện tái cấu trúc nền kinh tế?
Viện trưởng Nguyễn Đình Cung: Trước đây, chúng ta đã chuyển sang nền kinh tế thị trường và bây giờ việc đổi mới đó đã đến trần. Trần này rõ ràng thị trường đã trở nên méo mó, thị trường chưa đầy đủ, thị trường có phần sai lệch. Bây giờ, mình phải chuyển mạnh sang kinh tế thị trường để nó hoạt động đầy đủ, hoạt động có hiệu quả với một mức độ thị trường lớn hơn. Chúng ta phải có một sự đổi mới về kinh tế mà không gì khác ngoài việc phải chuyển nhanh, chuyển mạnh, chuyển dứt khoát sang kinh tế thị trường.
Hiện nay, có lẽ chúng ta còn chần chừ, còn do dự mà dẫn tới việc sử dụng hành chính nhiều hơn, sử dụng các giải pháp mang tính chất tình thế nhiều hơn chứ không phải là một cải cách thực sự có hệ thống dài hạn để giải quyết vấn đề. Tại sao tôi nói thế là vì tôi nhìn bản chất của tái cơ cấu nền kinh tế là gì, chính là việc thúc đẩy quá trình tái cơ cấu nền kinh tế phải là thị trường, mà thị trường ở đây là phân bố nguồn lực, chứ không phải là hành chính nhà nước phân bố nguồn lực.
Xin cảm ơn Viện trưởng!
Văn Thăng
đại biểu nhân dân
|