Thúc đẩy tăng trưởng: Nghẽn mạch không phải chỉ do nợ xấu
Phải giải quyết nhanh tổng thể để thị trường bất động sản (BĐS) ấm lên mới gỡ được nút thắt của vấn đề nợ xấu, đồng thời thúc đẩy tổng cầu cho mục tiêu tăng trưởng.
Đó là giải pháp trong tình hình hiện nay - theo kinh nghiệm của ông Trương Văn Phước - người đã 10 năm là CEO của NHTM và từng đảm nhiệm chức danh Vụ trưởng ở NHNN, khi trao đổi với phóng viên TBNH.
Ông Trương Văn Phước
|
Tại phiên họp Chính phủ vừa qua, Thủ tướng nhấn mạnh: không được chủ quan, thoả mãn; phấn đấu đạt cao nhất các chỉ tiêu. Để đạt tăng trưởng mục tiêu thì nhiều ý kiến cũng đồng tình là phải cung nhiều vốn tín dụng để kích tổng cầu và gỡ khó cho DN… Nhưng nhiều chuyên gia cho rằng nợ xấu vẫn là điểm nghẽn nên tín dụng vẫn chưa thông?
NH bây giờ đang rất sốt ruột vì khó tăng trưởng tín dụng. Nhưng tôi không cho rằng vấn đề chỉ ở gỡ nợ xấu vì nó chỉ là một phần của “cơ thể” kinh tế Việt Nam hiện nay thôi. Không thể nói chỉ vì nợ xấu mà làm tắc nghẽn cả nền kinh tế này, hoặc tín dụng không “ra” được là do nợ xấu. Tôi nói điều này từ kinh nghiệm của một người đã từng lăn lộn trên thị trường với 10 năm là CEO NHTM, chứ không phải ngồi trong thánh đường kinh điển, dùng học thuật để nói về chính sách tiền tệ.
Nói một cách hình tượng thì thế này: Không phải vì có một khối u trong cơ thể mà bệnh nhân không nuốt được nước cháo, mà cơ thể con người ấy không hấp thụ được cháo, thậm chí cả đến nhân sâm là do cơ thể họ quá suy kiệt. Chứ nếu chỉ có khối u, dù u ác tính, nhưng thể lực vẫn có thì bệnh nhân vẫn tự hấp thụ được thuốc để khỏi bệnh. Mà khi cơ thể đã suy kiệt toàn thân thì phải hồi phục thể trạng trước, cắt u sau.
Cũng tại Diễn đàn Kinh tế mùa Thu, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khi phát biểu kết luận đã bày tỏ mong các đại biểu gợi mở giải pháp. Bởi, cũng trên Diễn đàn có những quan điểm còn xung đột như giải pháp trọng cung hay kích cầu. Vậy theo ông, giải pháp nào là hiện thực?
Đã đến lúc này không cần phải bàn, chọn chính sách trọng cung hay kích cầu. Các ý kiến từ các chuyên gia đều có lý cả. Nhưng nhìn thực trạng nền kinh tế như các đại biểu đã kể ra, chỉ ra ở Diễn đàn thì thấy, dù gì thì cũng phải tạo sức cầu mới để sản xuất kinh doanh phục hồi vững chắc. Chứ phía DN còn nhiều vấn đề khó khăn lắm, chưa bằng một giải pháp có thể hiệu quả trong ngắn hạn được. Mà như trên tôi đã nói, cần quyết liệt và tạo ngay ra sức bật mới cho nền kinh tế. Kích cầu hay trọng cung cũng cần phải tạo ra những cú hích bằng những hành động cụ thể.
Quan hệ giữa tổng cầu và lượng vốn tín dụng là biện chứng, tương hỗ. Không thể dùng mệnh lệnh hành chính yêu cầu NH phải đưa tiền ra ngay, nhưng không thể để tình trạng NH không đưa được tiền ra nền kinh tế. NH đưa tiền ra nhưng, đồng thời, tổng cầu cũng phải nhúc nhích bằng những chính sách khác và chính tổng cầu có nhúc nhích thì tín dụng NH mới nhúc nhích được.
Phải đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư từ nguồn ngân sách Nhà nước và trái phiếu Chính phủ
Giải pháp nào, thưa ông?
Phải đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư từ nguồn ngân sách Nhà nước và trái phiếu Chính phủ, nhất là đối với các dự án có tính lan tỏa cao như các dự án đầu tư vào cơ sở hạ tầng nông thôn, vào nhóm ngành nông nghiệp và công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản... Cần thiết, tạm ứng vốn đầu tư năm 2015 để hoàn thiện các dự án đầu tư công chuẩn bị hoàn thành và có hiệu quả cao.
Còn thái độ của riêng tôi, phải giải quyết vấn đề nhanh lên, phải quyết mạnh để tạo sức cầu mới, trước hết là thị trường BĐS. Để từ đó lan tỏa cả thị trường tài chính và sẽ có những dòng vốn từ bên ngoài vào. Chúng ta đang bàn chuyện tăng tổng cầu, xử lý khối nợ xấu, mà nợ xấu của hệ thống NH tuyệt đại đa số gắn liền với tài sản đảm bảo là BĐS. Đừng nhìn gỡ BĐS là để cứu NH. Hàm mục tiêu của chúng ta là tạo sức cầu mới, nhưng chúng ta phải phân rã bài toán tổng thể của nền kinh tế ra phiến hàm con. Trong toán học gọi là chiết xuất ra một bài toán con để giải bài.
Giờ mà vẫn còn ngồi bàn cho người nước ngoài mua nhà thì lo rằng không biết quản lý sao đây, lo họ mua BĐS rồi thì họ xúc đất đổ thùng carton họ mang về nước à? Tôi hình dung họ lo như thế mặc dù các vị không nói ra như thế. Vẫn nghĩ như thế thì chưa gỡ được thị trường BĐS. Mà thị trường này chưa chuyển động thì vấn đề của ngành NH còn lâu mới xử lý được. Tôi đã rất nhiều lần phát biểu là cần thay đổi khuôn khổ pháp lý để hâm nóng thị trường BĐS, để tạo lan tỏa lưu động hóa lượng tài sản cực kỳ lớn đang nằm trong khối tài sản đảm bảo của hệ thống NH. Đó mới là cái đích quan trọng trong xử lý nợ xấu.
Thứ hai là xây dựng khung pháp lý cho thị trường mua bán nợ. Nợ xấu phải có chỗ bán mới giải quyết được nợ xấu.
Thứ ba là nghiên cứu sử dụng nguồn lực tài chính Nhà nước để VAMC mua nợ xấu. Trường hợp không tạo nguồn tài chính Nhà nước để xử lý nợ xấu, cần kéo dài thời hạn tái cấp vốn trái phiếu đặc biệt nhằm tạo điều kiện cho các TCTD có thêm nguồn vốn dài hạn rẻ. Khi đó, các NH mạnh dạn cung nguồn tín dụng dài hạn cho khu vực tư nhân, khuyến khích TCTD bán nợ cho VAMC. Tôi nghĩ nếu cần thiết, Nhà nước ban hành cơ chế đặc biệt về phát mại tài sản đảm bảo cho VAMC theo hướng tăng quyền cho VAMC quyết định phát mại tài sản, tổ chức đấu giá tài sản và các thủ tục tố tụng, thi hành án nhằm rút ngắn thời gian xử lý nợ, giảm chi phí xử lý nợ.
Xin cảm ơn ông!
Tri Nhân
thời báo ngân hàng
|