Sức sống kỳ diệu của những dự án Nam Sài Gòn
Mấy ai biết rằng, người góp công biến vùng đất nghèo khó, sình lầy và từng được ví như một phần thừa của “Hòn Ngọc Viễn đông” trở thành khu đô thị hiện đại bậc nhất Việt Nam trong vòng 2 thập niên qua là ông Lawrence S. Ting - Cố Chủ tịch Hội đồng Tập đoàn CT&D và Công ty TNHH Phát triển Phú Mỹ Hưng.
Những dự án mới trên vùng sình lầy
Đại lộ Nguyễn Văn Linh thênh thang, Khu chế Xuất Tân Thuận sầm uất, khu đô thị Phú Mỹ Hưng hiện đại - những dự án có ý nghĩa đột phá với sự nghiệp phát triển TP.HCM trước đây vốn là vùng đất sinh lầy.
Năm 1989, sau khi Việt Nam vừa mở cửa, có Luật đầu tư, TP.HCM khuyến khích những sáng kiến thu hút đầu tư. Đề án đô thị Nam Sài Gòn được đề xuất và thực hiện bởi nhiều người. Ông Lawrence S. Ting - thương gia người Đài Loạn khi ấy đã có những đầu tư đáng kể tại đây.
Ông Lawrence đã thực hiện thành công chương trình hợp tác, đầu tư xây dựng cơ sở, hạ tầng, kỹ thuật Khu chế Xuất Tân Thuận. Tại đây hàng trăm xí nghiệp công nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu với kim ngạch ngày càng tăng, thu hút hơn 40.000 lao động thời điểm đó.
Ông Lawrence S. Ting và Tập đoàn CT&D cũng đã chủ động đầu tư nhà máy Điện Hiệp Phước với 100% vốn nước ngoài.
“Xưa nay việc xây dựng một nhà máy điện luôn là vấn đề khó khăn mà ít có doanh nhân nào liều lĩnh dấn thân vào. Bởi đây là một lĩnh vực đòi hòi kỹ thuật cao, vốn đầu tư lớn, đội ngũ nhân viên giỏi, lại thêm sự phức tạp của thiết bị. Huống chi, Nhà máy điện Hiệp Phước lúc đó được hình thành tại vùng đất có điều kiện khắc nghiệt, lại thiếu chuyên gia am tường về chuyên môn. Chính vì thế, ý tưởng này được xem là điều mà một người bình thường không dám nghĩ tới”, ông Zhang Yin Fu - Tổng giám đốc Công ty điện lực Hiệp Phước cho biết.(1).
Tuy nhiên, ông Lawrence S. Ting đã quyết tâm làm và xây dựng thành công nhà máy điện 375MW lớn nhất miền Nam Việt Nam thời điểm ấy.
Vài năm sau, ông lại đưa ra ý tưởng về việc xây dựng khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng trên một vùng đất đầm lầy Nhà Bè. Ông mời các công ty nổi tiếng trên thế giới từ San Francisco, New York, Tokyo đến Khu Nam Sài Gòn để tiến hành thiết kế và quy hoạch.
Phát biểu tại Hội thảo khoa học “20 năm xây dựng và phát triển khu đô thị Phú Mỹ Hưng” ngày 17/5/2013, PGS.TS.KTS Trần Trọng Hanh, nguyên Vụ trưởng Vụ kiến trúc quy hoạch, Bộ xây dựng cho biết: “Sau 20 năm, khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng đã và đang phát triển vững chắc, góp phần đáng kể vào công cuộc xây dựng và chỉnh trang đô thị ở TP.HCM trong sự nghiệp đổi mới chung của đất nước” (2).
Ý tưởng cho tương lai
Trong quá trình xây dựng Khu đô thị mới Nam Sài Gòn, khi bàn về trục đường chính nối liền Khu chế xuất Tân Thuận với Quốc lộ 1A, ông Lawrence S. Ting đề nghị con đường này phải được xây dựng cho 10 làn xe với lộ giới lên đến 120m.
Tuy nhiên, vào thời điểm ấy mấy ai có thể chấp nhận được một con đường rộng như thế ở vùng đất Nhà Bè, Bình Chánh, thậm chí nhiều người còn phản đối. Nhưng, theo ý kiến của ông Lawrence S. Ting lúc bấy giờ, nếu làm con đường chỉ bốn làn xe nhà đầu tư như ông sẽ ít tốn kém hơn, nhưng chắc chắn chỉ 10 năm sau ai cũng sẽ nhận ra quyết định ấy là sai.
Nếu tính xa hơn thì đúng ra phải giải tỏa đất rộng gấp đôi, như vậy sẽ hữu ích cho thế hệ mai sau khỏi mất công sức vào việc nâng cấp con đường này. Chính từ gợi ý của ông Lawrence S. Ting và sự sáng suốt của các vị thành ủy và lãnh đạo Ủy ban Nhân dân TP.HCM lúc bấy giờ mà TPHCM đã có Đại lộ Nguyễn Văn Linh dài 17,8 km, rộng thênh thang và đẹp đẽ như hiện nay.
Các dự án trên đều có điểm chung là hoàn toàn mới mẻ, đột phá và có ý nghĩa quan trọng đối với sự nghiệp phát triển TP.HCM. Những dự án ấy còn đem lại cho các nhà hoạch định chính sách nước ta cách nhìn mới, rút ra những kinh nghiệm hữu ích cho sự phát triển quốc gia.
“Nhìn về quá khứ, khi nhận nhiệm vụ đưa Công ty CT&D gia nhập thị trường quốc tế, ông Lawrence S. Ting đã cất công tìm hiểu nhiều nơi trên thế giới rồi cuối cùng chọn Việt Nam đầu tư. Đây là quyết định táo bạo và mạo hiểm vì lúc bấy giờ nước ta mới bắt đầu chuyển sang nền kinh tế thị trường với rất nhiều bỡ ngỡ và thách thức. Trong khi nhiều doanh nhân nước ngoài vẫn còn nghi ngại thì ông Lawrence S. Ting đã đặt niềm tin vào tương lai tươi sáng của Việt Nam. Và thực tế đã chứng minh đánh giá của ông hoàn toàn chính xác: Đến năm 2000, GDP của Việt Nam đã tăng gấp đôi so với năm 1990”, ông Phạm Sỹ Liêm - Phó Chủ tịch Hội Xây dựng Việt Nam, Nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng đã từng nhận xét về sự nghiệp đầu tư của ông Lawrence S. Ting.(3).
Bách Nhật
(1): Trích “Xin nhận nơi này làm quê hương” xuất bản tháng 9-2005
(2): Trích Báo cáo PGS.TS.KTS Trần Trọng Hanh, nguyên Vụ trưởng Vụ kiến trúc quy hoạch, Bộ xây dựng tại Hội thảo khoa học “20 năm xây dựng và phát triển khu đô thị Phú Mỹ Hưng” diễn ra vào ngày 17/5/2013.
(3): Trích “Xin nhận nơi này làm quê hương” xuất bản tháng 9-2005
vietnamnet
|