Thứ Ba, 07/10/2014 08:08

Hạn chế gia tăng thất nghiệp: Đòi hỏi nỗ lực từ nhiều phía

Số lao động (LĐ) ở Hà Nội không có việc làm ngày càng gia tăng, đặc biệt trong những tháng cuối năm. Đây là nhận định của Trung tâm Giới thiệu việc làm Hà Nội khi số NLĐ đến đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp tăng theo tháng. Cụ thể, trong 8 tháng đầu năm 2014, có 21.766 NLĐ mất việc làm, số liệu này tăng hơn so với cùng kỳ năm 2013 là 20,6%. Dự báo những tháng cuối năm con số thất nghiệp sẽ không dừng lại.

Mỗi tuần có 700 - 900 lao động thất nghiệp

Tính trung bình, mỗi tuần có 700 - 900 người đến đăng ký hưởng bảo hiểm thất nghiệp (BHTN). Số LĐ thất nghiệp tính từ tháng 1 đến tháng 8-2014 lần lượt là: 2.170, 1.490, 2.098, 2.415, 2.900, 3.452, 3.610, 3.631. Có thể nhận thấy trong 3 tháng gần đây, số lao động thất nghiệp tăng đột biến. Theo ông Nguyễn Toàn Phong, Giám đốc Trung tâm Giới thiệu việc làm Hà Nội, cứ đà này thì trong quý IV, tình trạng thất nghiệp sẽ càng tăng cao.

Nhân viên phòng Bảo hiểm thất nghiệp tư vấn cho người lao động.

Ông Nguyễn Toàn Phong đánh giá, căn cứ vào số liệu thống kê các trường hợp đến đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp, thì đa phần nằm trong các ngành nghề gia công, chế biến, điện tử, may mặc; đặc biệt là DN trong các KCN, KCX, DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), DN TNHH (chiếm 45-48%) do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế nên phải cắt giảm lao động, thu hẹp sản xuất, kinh doanh hoặc di chuyển trụ sở.

Chẳng hạn, Công ty Macallan chuyển trụ sở sản xuất nên 500 lao động thất nghiệp; Công ty cổ phần Gạch Viglacera do ít việc nên sa thải 100 công nhân, ngoài ra còn hàng nghìn công nhân ở các công ty khác mất việc. Nguyên nhân thứ hai là chất lượng làm việc của NLĐ. Câu chuyện về những cử nhân học lý thuyết nhiều hơn thực hành dẫn đến hiệu quả công việc yếu kém, thiếu năng suất đã xảy ra.

Thống kê cho thấy có tới 30-40% người xin trợ cấp thất nghiệp có trình độ ĐH-CĐ. Điều này chứng minh "cơn bão" thất nghiệp không chỉ "gõ cửa" lao động phổ thông. Đa số lao động mới tốt nghiệp ĐH - CĐ đều không đáp ứng được nhu cầu tuyển dụng của các DN. Một nguyên nhân khác là NLĐ luôn có xu hướng "nhảy việc" sang một DN khác thu nhập cao hơn, ưu đãi tốt hơn nên thị trường lao động cũng luôn bị xáo trộn, chuyển dịch.

Giải pháp nào?

Ban quản lý KCN - KCX Hà Nội cho biết, có tới 65-70% NLĐ làm việc tại KCN, KCX chưa qua đào tạo nghề. Vì vậy, cũng dễ hiểu cho những con số thất nghiệp ngày càng gia tăng. Nhận thấy những bất cập trong thị trường lao động Hà Nội, Trung tâm Giới thiệu việc làm Hà Nội cố gắng tìm kiếm những DN có nhu cầu nhân lực thực sự hoặc DN có nhiều vị trí việc làm phù hợp với các đối tượng NLĐ đang mất việc làm; đồng thời tăng cường công tác tư vấn hỗ trợ NLĐ để tỷ lệ kết nối thành công tăng lên.

Ông Nguyễn Toàn Phong cho biết, từ đầu năm đến nay, trung tâm đã tổ chức được hơn 30 phiên giao dịch việc làm. Việc "làm mới" các phiên giao dịch luôn được ưu tiên. Đó là có 1 phiên chuyên đề bán lẻ - marketing, 1 phiên lồng ghép tuyển dụng lao động khuyết tật, 1 phiên tuyển dụng lao động làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình EPS về nước. Đã có trên 1.100 DN tham gia tuyển dụng trực tiếp, hơn 5.000 NLĐ có việc làm qua các phiên giao dịch từ đầu năm đến nay. TTGTVL cũng liên kết với các đơn vị tổ chức các ngày hội tuyển dụng, tạo thêm kênh tìm kiếm ứng viên cho DN và cơ hội học nghề, việc làm cho NLĐ. Dự báo những tháng cuối năm, tình trạng thất nghiệp ngày càng gia tăng, do vậy, TTGTVL Hà Nội sẽ phải nỗ lực thực hiện để có thể điều tiết được thị trường lao động. Ngoài các phiên giao dịch việc làm cố định và lưu động, TTGTVL tiến hành các cuộc điều tra, thu thập thông tin về cung - cầu; lấy ý kiến đóng góp của DN về sàn giao dịch việc làm để nâng cao chất lượng; đẩy mạnh nguồn cung lao động và tăng cường tư vấn cho NLĐ thất nghiệp tham gia học nghề, nâng cao chất lượng lao động.

Tổng cục Dạy nghề (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, trong năm 2014, Tổng cục sẽ tiếp tục hướng dẫn các địa phương đẩy mạnh chương trình dạy nghề nông thôn (chương trình 1956) bám sát vào nhu cầu thực tế theo từng vùng, dựa trên khảo sát nhu cầu của người học và thị trường. Theo Sở LĐ-TB&XH Hà Nội, Hà Nội tiếp tục thực hiện giải pháp trong Đề án phát triển thị trường lao động và trong chương trình việc làm thành phố giai đoạn 2011-2015; bên cạnh đó, thành phố sẽ tạo điều kiện môi trường đầu tư, kinh doanh cho các doanh nghiệp hình thành và phát triển sản xuất kinh doanh, tạo nhiều việc làm mới, thu hút lao động.

Với các giải pháp nêu trên, rõ ràng NLĐ Hà Nội đang được hưởng những ưu đãi đáng kể. Tuy nhiên, sẽ phải có thêm rất nhiều nỗ lực nữa mới hạn chế được tình trạng thất nghiệp gia tăng. Đặc biệt là không ai khác, chính NLĐ phải nâng cao tay nghề cho bản thân, trau dồi kiến thức để thích nghi với thị trường lao động vốn rất phức tạp hiện nay. Ngoài ra, để kiềm chế tình trạng thất nghiệp còn đòi hỏi sự nhiệt huyết của các cơ quan quản lý lao động, doanh nghiệp, trường nghề.

Kim Vũ

Hà Nội mới

Các tin tức khác

>   WB: FDI đẩy kinh tế đi lên, khu vực nội địa kéo lại (06/10/2014)

>   Kinh tế đi lên, ai đi xuống? (06/10/2014)

>   Cả năm có thể xuất siêu 1,5 tỷ USD (05/10/2014)

>   Định vị nền kinh tế (05/10/2014)

>   Lạm phát 2014 - 2015 bao nhiêu là “vừa”? (03/10/2014)

>   Tái cơ cấu nền kinh tế và nguyên tắc kinh tế thị trường (03/10/2014)

>   Thúc đẩy tăng trưởng: Nghẽn mạch không phải chỉ do nợ xấu (03/10/2014)

>   Tổ điều hành thị trường: CPI tháng 10 không tăng đột biến (03/10/2014)

>   Đẩy mạnh tái cơ cấu ngành theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng (02/10/2014)

>   Dự báo lạm phát cả năm ở mức 3-4% (02/10/2014)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật