Định vị nền kinh tế
Vấn nạn lâu nay chính là việc tạo ra những con số đẹp. Những con số ấy đã đánh thẳng vào niềm tin của xã hội, không mang lại sự phấn khích mà ngược lại nó làm cho người ta thiếu tin tưởng. Việc định vị nền kinh tế cũng vậy, phải nói thật rõ ràng, minh bạch để từ người dân cho đến lãnh đạo cấp cao cũng được biết một cách chính xác. Không định vị được chuẩn xác sẽ dẫn đến những sai lầm về chính sách, làm hỏng kinh tế vĩ mô.
Nền kinh tế đã "thoát đáy” hay vẫn đang "chìm”? Chỉ số CPI phải chăng cho thấy sức khỏe èo uột của nền kinh tế khi mà tổng cầu của xã hội yếu? GDP của cả nước năm nay có đạt 5,8% như kế hoạch đề ra? Những câu hỏi ấy liên quan đến một vấn đề: Định vị nền kinh tế đất nước hiện nay. Theo đó, nếu định vị nền kinh tế không đúng sẽ không có giải pháp tốt để thúc đẩy sự phát triển, chưa nói đến sự lầm lạc.
1. Tại phiên họp thường kỳ tháng 9 của Chính phủ (kết thúc ngày 30-9), nhận định chung được đưa ra là tình hình kinh tế - xã hội tháng 9 và 9 tháng đầu năm 2014 tiếp tục chuyển biến, đạt kết quả tích cực trên hầu hết các lĩnh vực. Tăng trưởng kinh tế quý 3 cao hơn quý 1 và quý 2; tính chung 9 tháng ước đạt 5,62% cao hơn cùng kỳ 2 năm trước. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 2,25% so với tháng 12-2013, là mức tăng thấp nhất trong vòng 10 năm qua. Dự báo cả năm cơ bản đạt được các mục tiêu, chỉ tiêu kế hoạch đã đề ra, trong đó khả năng đạt mục tiêu tăng trưởng 5,8% là khả thi.
Tuy nhiên, nền kinh tế còn gặp nhiều khó khăn, thách thức như tổng cầu yếu, sản xuất kinh doanh còn khó khăn, nợ xấu cao; cân đối ngân sách khó khăn, chi thường xuyên ở mức cao và có xu hướng tăng; tái cơ cấu còn chậm, năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh còn thấp... Chính vì vậy, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đặt ra yêu cầu không được chủ quan, không được thỏa mãn.
Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Quốc Hội Nguyễn Thị Kim Ngân: "Tôi hy vọng diễn đàn sẽ tạo nên không khí tranh luận sôi nổi, tạo tiền đề đưa ra những giải pháp đúng đắn cho vấn đề hết sức quan trọng: Tái cơ cấu nền kinh tế”
|
2. Trước phiên họp thường kỳ của Chính phủ, Diễn đàn Kinh tế Mùa Thu 2014 đã diễn ra tại Ninh Bình, thu hút sự tham gia của nhiều chuyên gia kinh tế. Đây là Diễn đàn lần thứ 6 và được coi là diễn đàn quan trọng "góp ý” để tìm ra các giải pháp điều hành nền kinh tế. Chính vì vậy, nó nhận được sự quan tâm của dư luận, bởi lẽ từ người dân thường đến nhà doanh nghiệp, nhà quản lý cũng đều "muốn nghe” những ý kiến được coi là sát thực nhất khi đánh giá nền kinh tế. Bởi, tâm trạng xã hội nói chung là khá "bồn chồn” về "sức khỏe” của nền kinh tế.
Muốn nền kinh tế phát triển thì phải tái cơ cấu. Nhưng tái cơ cấu thế nào và kết quả ra sao, thì theo cách nói đầy hình ảnh và ấn tượng của TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế thì "ở ta có cái hay là chậm đều”. Có nghĩa là Đề án tái cơ cấu kinh tế quyết tâm ban đầu rất mạnh, khởi đầu rất tốt nhưng quá trình thực thi chậm. Riêng về vấn đề xử lý nợ xấu, ông Thiên cho rằng xử lý nợ xấu là công việc vô cùng gian khổ, khó khăn mà muốn giải quyết được nợ xấu thì phải làm thực, phải coi nợ xấu như món hàng muốn mua được phải có tiền chứ không được giả vờ mua bán.
Về chỉ số GDP, vẫn có 2 luồng ý kiến khác nhau. Luồng ý kiến thứ nhất: GDP 2104 sẽ đạt và vượt 5,8%. Luồng ý kiến thứ hai: không đạt. Mỗi bên đều có cơ sở lý lẽ riêng, không phải là không có lí. Theo như Bộ Kế hoạch – Đầu tư thì GDP đang có xu hướng phục hồi trở lại trong 3 năm qua. Tuy nhiên, nói như Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu, tại phiên thảo luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 1-10 thì: nhìn vào kết quả GDP 2011 là 6,24%, đến 2012 đạt 5,25%, sang 2013 là 5,42% và dự báo năm 2014 có thể tốc độ tăng hơn. Song, chưa có cơ sở chắc chắn để khẳng định xu hướng phục hồi. Đánh giá này ở một khía cạnh nhất định cũng trùng với báo cáo ngày 26-9, Chính phủ đánh giá kinh tế Việt Nam những tháng đầu năm 2014 đang tiếp tục phục hồi, nhưng rõ ràng tốc độ còn chậm và chưa vững chắc.
Vậy thì GDP của năm 2014 sẽ là 5,6 hay 5,7 hoặc 5,8%? Chỉ khác nhau "một tí xíu” nhưng nó bộc lộ sức khỏe thực của nền kinh tế. Do đó mới nảy ra những tranh luận, đôi khi khá gay gắt. Nhưng thật bất ngờ là với nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển thì "với cách thức ở Việt Nam thì tăng thêm vài phần trăm GDP không khó, mà quan trọng là cách thức tạo ra tăng trưởng”. Vì theo ông Tuyển, có những cách thức tăng trưởng không những không làm tiềm lực đất nước mạnh lên, mà còn làm doanh nghiệp trong nước yếu đi.
Có thể thấy, ý kiến này gần sát với ý kiến của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Hội nghị toàn quốc ngành Kế hoạch và Đầu tư tổ chức tại Đà Nẵng (ngày 7-8). Thủ tướng nói, "đến lúc chúng ta phải cùng nhau bàn về cách tính GDP của Việt Nam. Quá trình chuyển đổi từ kế hoạch tập trung bao cấp sang kinh tế thị trường, chúng ta kế thừa cách tính của Liên Xô trước đây và kéo dài cho đến hôm nay thì không thích hợp nữa. Bây giờ nói rất thật, cách tính GDP của các tỉnh, thành hiện nay là không xác thực, không đúng thực tế và so với quốc tế thì không giống ai cả”.
TS Võ Trí Thành: "Có rất nhiều người cho rằng, kinh tế Việt Nam đang phục hồi tốt nhưng tôi cho rằng cơ hội phục hồi vẫn rất mong manh và đầy rủi ro. Nhưng một khi rủi ro xảy ra là chết”
|
Nói tóm lại, nếu tính GDP không đúng thì không định vị được nền kinh tế đang ở đâu.
Trở lại ý kiến của giới chuyên gia tại Diễn đàn Kinh tế Mùa Thu 2014. Người phát biểu đầu tiên là TS Võ Trí Thành, Phó viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương. Tham luận của TS Thành kéo dài 30 phút, được coi là đã điểm "trúng huyệt” của tái cơ cấu nền kinh tế. "Có rất nhiều người cho rằng, kinh tế Việt Nam đang phục hồi tốt nhưng tôi cho rằng cơ hội phục hồi vẫn rất mong manh và đầy rủi ro. Vì sao bấp bênh, đó là vì chúng ta đang sống trong một thế giới bất định đầy rủi ro. Nhưng một khi rủi ro xảy ra là chết”, ông Thành nói. Chưa hết, ông Thành còn cho biết, có nhiều người hoài nghi không biết Việt Nam có tái cơ cấu kinh tế thật không? Dẫn chứng, theo TS Thành, 3 tháng gần đây ông đã tiếp xúc trên dưới 20 đại sứ quán và tập đoàn tài chính, họ đều hỏi Việt Nam cải cách doanh nghiệp nhà nước có thật không? Vẫn theo ông Thành, đây là thời điểm trọng đại của nền kinh tế đất nước, chúng ta tham vọng quá lớn nhưng lại đang đối mặt với nhiều thách thức.
Nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển: "Có những cách thức tăng trưởng không làm tiềm lực đất nước mạnh lên, mà còn làm cho doanh nghiệp trong nước yếu đi”
|
Trở lại với nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển, ông cho rằng kinh tế Việt Nam đã đến đáy từ 2013 và đang vật vã đi lên. Tại sao lại "vật vã”? Theo ông Tuyển thì đó chính là sự lúng túng và luẩn quẩn trong giải quyết nợ xấu, dẫn đến doanh nghiệp rất khó khăn khi tiếp cận vốn.
Về giải pháp cho nền kinh tế, TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) khẳng định: "Kinh tế thị trường có thể không giải quyết được mọi vấn đề, nhưng không chuyển sang kinh tế thị trường thì cũng không giải quyết được gì cả”. Tuy nhiên, theo TS Nguyễn Hồng Sơn, Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế (ĐHQG Hà Nội) thì chuyển sang cơ chế kinh tế thị trường không phải là phương thuốc vạn năng để chữa tất cả các căn bệnh của nền kinh tế Việt Nam. Theo ông Sơn, điều quan trọng nhất chính là thể chế phù hợp cho hoạt động của nền kinh tế thị trường. Thể chế này bao gồm những vấn đề liên quan đến sở hữu, đến luật cạnh tranh và độc quyền và thứ ba là cơ chế giải quyết tranh chấp.
TS Nguyễn Đình Cung: "Kinh tế thị trường có thể không giải quyết được mọi vấn đề, nhưng không chuyển sang kinh tế thị trường thì cũng không giải quyết được gì cả”
|
Quan điểm của TS Sơn ít nhất cũng không nhận được sự tán đồng của Viện trưởng Cung, thể hiện bằng việc ông Cung đăng ký phát biểu lần hai tại Diễn đàn. Ông Cung tỏ ra "sốt ruột” với việc tái cơ cấu nền kinh tế, và coi đó là một cuộc cải cách. Ông Cung kêu gọi các nhà nghiên cứu, các cơ quan và cá nhân có thẩm quyền hãy sốt ruột với thời gian. "Những câu nói: chúng ta xử lý việc này không thể nhanh được, cần phải có thời gian, nói cách đây 4 năm thì được nhưng vào thời điểm này mà còn tiếp tục nói như thế, thì có nghĩa là vẫn tiếp tục dung túng cho những phương pháp tiếp cận dồn vấn đề cho những năm sau, nhiệm kỳ sau, những người sau mà mình không chịu đối diện với vấn đề mà mình phải giải quyết. Nếu không sốt ruột thì nền kinh tế cứ trì trệ, trì trệ, tiếp tục trì trệ”, ông Cung bức xúc.
Bình luận, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu cho rằng, "Về tái cơ cấu nền kinh tế, anh Cung kêu gọi là xác đáng. Chúng ta phải sốt ruột để có quyết tâm chính trị triển khai mạnh mẽ, thành công, chứ không phải vội vã làm sai rồi khó sửa”.
3. Vậy, trở lại vấn đề: Nền kinh tế nước nhà đang ở vị trí nào? Khó khăn hay đã vượt qua khó khăn?
Dư luận đồng tình với cách diễn đạt của nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển rằng, nền kinh tế của đất nước đang "vật vã đi lên”. Ai cũng mong kinh tế tăng trưởng, nước mạnh dân giàu nhưng thái độ đúng đắn nhất là phải nhìn thẳng vào sự thật, không tô hồng mà cũng không bôi đen. Vấn nạn lâu nay chính là việc tạo ra những con số đẹp. Từ con số viên chức mẫn cán đến con số hài lòng về dịch vụ công liên quan tới đội ngũ công chức có chức có quyền. Rồi lại đến con số về thất nghiệp thấp nhất thế giới, đạt đến độ siêu tưởng.
TS Trần Đình Thiên: "Ở ta có cái hay là chậm đều. Có nghĩa là Đề án tái cơ cấu kinh tế quyết tâm ban đầu rất mạnh, khởi đầu rất tốt nhưng quá trình thực thi chậm”
|
Những con số ấy đã đánh thẳng vào niềm tin của xã hội, không mang lại sự phấn khích mà ngược lại, nó làm cho người ta thiếu tin tưởng. Việc định vị nền kinh tế cũng vậy, phải nói thật rõ ràng, minh bạch để từ người dân cho đến lãnh đạo cấp cao cũng được biết một cách chính xác. Không định vị được chuẩn xác sẽ dẫn đến những sai lầm về chính sách, làm hỏng kinh tế vĩ mô.
Nói như ông Trương Đình Tuyển, Việt Nam tăng thêm vài phần trăm GDP không khó, mà quan trọng là cách thức tạo ra tăng trưởng. Có thể hiểu rằng: Thứ nhất, con số được tạo ra theo cách này sẽ là thế này, cách kia sẽ là thế khác- chốt lại là cũng chỉ để tham khảo. Thứ hai, cần đi vào thực chất- đó là giải pháp và quyết tâm đưa nền kinh tế đi lên.
Nam Việt
Đại đoàn kết
|