Đức gặp khó, châu Âu mệt mỏi
Sản lượng công nghiệp Đức sụt giảm sâu trong tháng 8, lần đầu tiên trong hơn 5 năm qua, làm gia tăng quan ngại nền kinh tế lớn nhất châu Âu có thể rơi vào suy thoái. Và khi đó, nền kinh tế của khu vực đồng tiền chung (eurozone) vốn đang èo uột sẽ càng gặp nhiều khó khăn.
Theo số liệu chính thức được công bố ngày 7-10, sản lượng công nghiệp của Đức giảm 4% so với tháng 7. Con số này nhiều hơn so với trung bình 1,5% các chuyên gia kinh tế đã dự báo. Đây là mức giảm lớn nhất kể từ tháng 2-2009 khi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu lần đầu tiên xuất hiện tại châu Âu. Bộ Kinh tế và năng lượng Đức cũng cho biết sản xuất công nghiệp hiện đang trải qua giai đoạn yếu kém. Sự suy giảm hiện càng trầm trọng hơn bởi kỳ nghỉ hè, dự kiến có thể sẽ kéo dài trong cả quý III. Các đơn đặt hàng nhà máy giảm 5,7% trong tháng 8, mức giảm lớn nhất kể từ tháng 1-2009.
Theo giới phân tích, sản lượng công nghiệp giảm cho thấy hoạt động xuất khẩu của nước này bắt đầu bị ảnh hưởng do những biến động địa chính trị và tăng trưởng chậm ở Trung Quốc. Cuộc khủng hoảng tại Ukraine dẫn đến việc châu Âu và Nga trừng phạt kinh tế lẫn nhau đã khiến kim ngạch xuất khẩu của Đức sang thị trường Nga giảm 15,5% trong 6 tháng đầu năm 2014, xuống hơn 15 tỷ EUR. Năm 2013, Đức xuất khẩu sang Nga trị giá 36 tỷ EUR, chiếm 1/3 tổng kim ngạch xuất khẩu của Liên minh châu Âu (EU) sang Nga.
Mặc dù giới quan sát vẫn đặt cược vào sự tăng trưởng kinh tế Đức từ nay đến cuối năm, nhưng cũng không loại trừ khả năng Đức rơi vào suy thoái. Carsten Brzeski, chuyên gia kinh tế Ngân hàng ING (Hà Lan), nhận định một thị trường lao động khỏe mạnh và tiêu thụ nội địa mạnh mẽ có thể bù đắp phần nào cho sản lượng công nghiệp yếu. “Tuy nhiên có đủ để tránh một cuộc suy thoái kỹ thuật hay không hiện còn quá sớm để bàn đến” - Brzeski nói. Các doanh nghiệp Đức lo lắng về triển vọng phát triển kinh tế yếu kém có thể kéo theo sự sụt giảm về đầu tư. Điều này được thể hiện qua việc sụt giảm 8,8% về hàng hóa đầu tư trong tháng 8 như máy móc.
Tuy nhiên, Ralph Solveen, nhà kinh tế tại Ngân hàng Commerzbank (Đức), lại có cái nhìn lạc quan hơn khi cho rằng thời gian cuối của kỳ nghỉ hè là “chìa khóa” cho tăng trưởng của Đức. Đồng quan điểm, Andreas Rees, Kinh tế trưởng UniCredit, cho rằng sản lượng công nghiệp sụt giảm đã phần nào phủ bóng triển vọng tăng trưởng của nền kinh tế Đức nhưng “không có lý do gì để hoảng sợ”.
Việc sụt giảm sản lượng công nghiệp sẽ lại thổi bùng những tranh luận về thúc đẩy đầu tư bằng cách cải thiện điều kiện cho các doanh nhân như đảng Liên minh Dân chủ/Xã hội Cơ đốc giáo (CDU/CSU) của Thủ tướng Angela Merkel mong muốn, hoặc bằng cách thúc đẩy đầu tư công của đảng Dân chủ xã hội (SPD), đối tác liên minh trong Chính phủ Đức hiện nay.
Ngành công nghiệp ô tô, một thế mạnh của Đức, cũng bị sụt giảm.
(Dây chuyền lắp ráp ô tô nhà máy Mercedes-Benz tại Đức).
|
Những tín hiệu không mấy khả quan từ nền kinh tế đầu tàu châu Âu càng khiến bức tranh kinh tế lục địa già thêm ảm đạm. Đồng EUR giảm 0,3% so với USD vào ngày 7-10. Chỉ số chứng khoán tổng hợp châu Âu FTSE Eurofirst 300 cũng giảm 0,7%.
Ngoài ra, nền kinh tế eurozone vừa thoát khỏi cuộc khủng hoảng nợ công, song hiện khu vực này lại tiếp tục phải đối mặt với tình trạng nền kinh tế đình trệ, buộc Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) phải cân nhắc áp dụng nhiều hơn biện pháp kích thích, trong đó có những lời kêu gọi tung ra các gói nới lỏng định lượng (QE) phiên bản châu Âu.
Để vực dậy viễn cảnh tăng trưởng dài hạn, khu vực eurozone cần đẩy nhanh thực thi các chính sách cải cách cơ cấu, thay đổi cục diện thiếu năng lực cạnh tranh. Chỉ khi kích thích nhu cầu nội địa một cách đầy đủ, đồng thời kích thích đầu tư công và đầu tư tư nhân, mới có thể xoay chuyển cục diện mất cân bằng kinh tế vĩ mô một cách hiệu quả, tạo ra nhiều việc làm hơn, thực hiện tăng trưởng mang tính nội sinh bền vững.
Đức Hoàng (Tổng hợp)
sgđt
|