Bị “bịt miệng”, Twitter kiện Bộ tư pháp Mỹ
Twitter khởi kiện Bộ Tư pháp Mỹ lên tòa án quận Bắc California cho thấy thái độ “tức nước vỡ bờ” của họ trước những yêu sách "bịt miệng" của cơ quan này.
Logo của Twitter phía trước Sàn giao dịch chứng khoán New York tại phiên IPO của công ty này ngày 7-11-2013
|
Việc ban lãnh đạo Twitter khởi kiện Bộ Tư pháp Mỹ lên tòa án quận Bắc California hôm 7-10 cho thấy thái độ “tức nước vỡ bờ” của họ trước những yêu sách "bịt miệng" của cơ quan này với Twitter trong việc thông tin về quy mô chương trình do thám của chính phủ Mỹ.
Theo Reuters, sau nhiều lần thương thuyết bất thành, Twitter quyết định đệ đơn phản kháng việc Bộ Tư pháp yêu cầu họ không được tiết lộ thông tin về bản chất cũng như số lượng các yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân người dùng.
Twitter cho rằng, những quy định kiểu như vậy rõ ràng đã vi phạm Hiến pháp sửa đổi lần đầu của nước Mỹ vốn đảm bảo quyền tự do ngôn luận của người dân.
Blog của Twitter viết: “Đây là vấn đề quan trọng với bất cứ ai tin tưởng vào Hiến pháp sửa đổi lần thứ nhất, và chúng tôi hy vọng có thể công bố bản báo cáo hoàn toàn minh bạch của chúng tôi”.
Trên thực tế, ngay sau bê bối tiết lộ thông tin về chương trình do thám quốc gia của cựu nhân viên tình báo Mỹ Edward Snowden, các hãng công nghệ của Mỹ đều nỗ lực làm rõ mối quan hệ giữa họ với cơ quan hành pháp và các cơ quan do thám Mỹ.
Trước vụ kiện của Twitter, đã có một thỏa thuận giữa chính phủ Mỹ với các hãng công nghệ như Google, Microsoft về những hướng dẫn của tòa án liên quan tới chương trình do thám của chính phủ.
Nữ phát ngôn viên của Bộ Tư pháp Emily Pierce nói: “Đầu năm nay, chính phủ đã giải quyết các mối quan ngại tương tự trong vụ kiện do nhiều hãng công nghệ lớn khởi xướng. Tại đó, các bên liên quan đã làm việc với tinh thần hợp tác để các hãng công nghệ một mặt vẫn có thể thông tin rộng rãi về các yêu cầu của chính phủ, một mặt vẫn đảm bảo vấn đề an ninh quốc gia”.
Tuy nhiên, theo quan sát của một số tổ chức bảo vệ quyền riêng tư của người dân trong thế giới công nghệ như Electronic Frontier Foundation, những hạn chế của chính phủ trong việc cung cấp thông tin về các yêu cầu đặt ra với các hãng công nghệ chỉ “có ích với một việc là khiến công chúng mù mờ về cách thức mà chính phủ cũng như giới cầm quyền sử dụng để thu thập dữ liệu (cá nhân)”.
Cũng liên quan tới việc này, hôm nay (8-10), tại San Francisco diễn ra một phiên tòa khác của tòa án liên bang nhằm giải quyết những tranh cãi xung quanh việc FBI (cơ quan điều tra liên bang Mỹ) có được phép cấm những người nhận thư (thư liên quan tới hướng dẫn an ninh quốc gia) tiết lộ việc nhận thư hay không.
Theo phán xét của tòa án cấp dưới, những yêu cầu này là vi phạm hiến pháp.
D. Kim Thoa
tuổi trẻ
|