Nga chi thêm 420 triệu USD để cứu đồng rúp khỏi đà trượt giá sâu
Ngày 8/10, Ngân hàng trung ương Nga (RCB) thông báo đã rót 16,8 tỷ rúp (420 triệu USD) trong đợt can thiệp vào thị trường tiền tệ mới nhất (ngày 6/10) để “cứu” đồng nội tệ của nước này khỏi đà trượt giá sâu hơn.
Trước đó, phiên ngày 5/10, đồng rúp một lần nữa phá vỡ biên độ giao dịch, trong bối cảnh các công ty “khát” ngoại tệ trầm trọng do các biện pháp cấm vận của phương Tây đã khiến nhu cầu đồng USD gia tăng ở nước này.
Bất chấp những nỗ lực của ngân hàng trung ương nước này trong việc can thiệp vào thị trường để bảo vệ đồng rúp trong tuần qua, đồng nội tệ Nga tiếp tục đi xuống do giá dầu sụt giảm và quan ngại về những rủi ro đối với các tài sản Moskva niêm yết, khi cuộc khủng hoảng ở Ukraine chưa có dấu hiệu chấm dứt.
Trong phiên ngày 7/10, lúc 20 giờ 5 phút giờ Việt Nam, tại Moskva, tỷ giá đồng rúp giảm 0,48% xuống 39,92 rúp/USD, giao dịch gần mức thấp nhất ghi nhận vào phiên 6/10. Trong khi đó, đồng nội tệ Nga cũng mất giá so với euro, giao dịch ở mức 50,37 rúp=1 euro.
Điều đó có nghĩa là đồng rúp đã giảm 0,33% so với rổ tiền tệ mục tiêu (USD – euro) của RCB, xuống mức 44,62 rúp.
Theo ông Igor Akinshin, nhà kinh doanh ngoại hối ở Alfa Bank, biên độ giao dịch đã có biến động trong phiên ngày 7/10, song nguyên nhân là do Ngân hàng trung ương nối lại hoạt động mua vào ngoại tệ.
Nhu cầu ngoại tệ ở Nga vẫn rất lớn, trong phiên ngày 6/10, giới đầu tư tranh thủ “bán ra chốt lời” đồng bạc xanh theo đà bán ra trên thị trường thế giới, khi đồng USD giao dịch ở mức 40 rúp đổi được 1 USD. Song, ông Igor nhận định thị trường sẽ sớm trở lại xu thế trước đó.
Kể từ ngày 3/10 đến nay, RCB đã tăng biên độ giao dịch lên thêm ít nhất 20 kopeck. Ngân hàng cho biết đã chi tổng số 980 triệu USD vào thị trường tiền tệ kể từ ngày 3/10 nhằm ngăn chặn đà trượt giá của đồng nội tệ này.
Bên cạnh những tác động của giá "vàng đen" trên thị trường thế giới giảm sút, các biện pháp trừng phạt do phương Tây áp đặt đã ngăn các ngân hàng và doanh nghiệp Nga tiếp cận thị trường vốn quốc tế, khiến nguồn ngoại tệ ở đây trở nên “khan hiếm” đặc biệt khi các tập đoàn lớn của nước này phải trả nợ nước ngoài./.
Vietnam+
|