Thời cơ thúc đẩy xây dựng cơ sở hạ tầng
Theo báo cáo Triển vọng kinh tế thế giới của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), trong bối cảnh tăng trưởng toàn cầu yếu như hiện nay, thì tại những nước có điều kiện thích hợp, đây là thời điểm để đẩy mạnh đầu tư công.
Nghiên cứu được công bố trong bản báo cáo Triển vọng kinh tế thế giới của IMF vào tháng 10 xem xét các tác động kinh tế vĩ mô của đầu tư công đối với nhiều quốc gia. Kết quả nghiên cứu cho thấy, ở các nước có nhu cầu cơ sở hạ tầng, bây giờ là thời điểm tốt để thúc đẩy đầu tư cơ sở hạ tầng.
Nhiều nền kinh tế tiên tiến đang mắc kẹt trong một môi trường tăng trưởng thấp, thất nghiệp cao và chi phí đi vay thấp. Tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng công là một trong số ít các đòn bẩy chính sách còn lại để hỗ trợ tăng trưởng. Tại nhiều nền kinh tế thị trường mới nổi và đang phát triển, nút thắt cơ sở hạ tầng đang kìm hãm nền kinh tế tăng tốc.
Xây dựng cơ sở hạ tầng: chúng ta đang đứng ở đâu?
Cơ sở hạ tầng là xương sống của cuộc sống hàng ngày, làm cơ sở cho các hoạt động kinh tế. Theo cách này hay cách khác, không có hoạt động nào mà không dựa trên cơ sở hạ tầng. Ngược lại, bất cập trong cơ sở hạ tầng như điện, nước không đủ và những con đường gồ ghề ảnh hưởng xấu đến chất lượng cuộc sống của người dân và là rào cản lớn đối với hoạt động của các công ty.
Nguồn vốn chính phủ đổ vào các cơ sở hạ tầng đã giảm đáng kể trong ba thập kỷ qua trên toàn thế giới. Tại thị trường mới nổi và các nền kinh tế phát triển, cách biệt về cơ sở hạ tầng tính bình quân theo đầu người khá rõ ràng.
Ví dụ, lượng điện bình quân đầu người tại nền kinh tế thị trường mới nổi chỉ bằng 1/5 so với các nước phát triển; và ở các nước có thu nhập thấp chỉ bằng 1/8 so với các nền kinh tế mới nổi. Tại một số nền kinh tế phát triển, chất lượng cơ sở hạ tầng hiện tại đang xấu đi vì lão hóa và thiếu bảo trì.
Cầu nối cho sự phát triển
Nghiên cứu cho thấy rằng, tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng làm tăng năng suất trong ngắn hạn bằng cách thúc đẩy nhu cầu và trong dài hạn bằng cách nâng cao năng lực sản xuất của nền kinh tế.
Tại một số nền kinh tế phát triển, tăng 1% GDP đầu tư sẽ tăng mức sản lượng đầu ra khoảng 0,4% trong cùng một năm và 1,5% bốn năm tiếp sau đó.
Ngoài ra, tăng đầu tư cơ sở hạ tầng sẽ thúc đẩy GDP giảm bớt sự gia tăng nợ công, khiến tỷ lệ nợ công/GDP không tăng. Nói cách khác, đầu tư cơ sở hạ tầng công bản thân nó có thể mang lại những đền đáp chính xác nếu được thực hiện một cách chính xác.
Những ảnh hưởng của đầu tư cơ sở hạ tầng
Tuy nhiên, báo cáo cảnh báo không nên tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng vào bất kỳ dự án nào. Những lợi ích tiềm năng từ việc đầu tư cơ sở hạ tầng được hình thành bởi một số yếu tố sau:
Mức độ sa sút của nền kinh tế: Thúc đẩy sản lượng trong ngắn hạn khi đầu tư công được thực hiện trong thời kỳ kinh tế sa sút và điều chỉnh chính sách tiền tệ cùng với sự hạn chế tăng lãi suất nhằm đối phó với sự gia tăng đầu tư.
Hiệu quả của đầu tư công: Tác động đối với sản lượng đầu ra cũng lớn hơn ở những nước có hiệu quả đầu tư công cao - nơi đầu tư công bổ sung không lãng phí và được phân bổ cho các dự án có tỷ lệ lợi nhuận cao.
Phương thức tài chính: Ngoài ra, các bằng chứng từ các nền kinh tế phát triển cho thấy đầu tư công được cấp vốn bằng cách phát hành nợ có khi được tài trợ bằng cách tăng thuế, cắt giảm chi tiêu khác.
Thời điểm đầu tư công
Đối với nhiều nước nơi có nền kinh tế bắt đầu giảm sút, xác định rõ nhu cầu cơ sở hạ tầng và quy trình đầu tư công hiệu quả thì đó là thời điểm đẩy mạnh đầu tư công.
Nhiều nền kinh tế hiện có nhu cầu cấp bách đối với cơ sở hạ tầng để hỗ trợ phát triển kinh tế. Tuy nhiên, nghiên cứu cho thấy rằng, lợi ích từ tăng đầu tư công có thể sẽ giảm đi và tỷ lệ nợ công trên GDP có thể tăng, nếu đầu tư không hiệu quả. Trong tình huống này, cần phải cân nhắc một cách kỹ lưỡng các hậu quả tài chính tiêu cực đối với lợi ích xã hội từ việc tăng đầu tư công. Đối với các nước thắt cổ chai đầu tư cơ sở hạ tầng vốn đang kìm hãm sự phát triển, giải quyết nút thắt cổ chai đó có thể mang lại lợi ích rất lớn.
Nâng cao hiệu quả của đầu tư công là rất quan trọng để gặt hái những lợi ích đầy đủ. Do đó, một ưu tiên quan trọng đối với các nước có hiệu quả đầu tư công thấp đó là cần phải nâng cao chất lượng đầu tư cơ sở hạ tầng bằng cách cải thiện quá trình đầu tư như thẩm định dự án tốt hơn, tiến hành chọn lựa, thực hiện phân tích chi phí, lợi ích một cách nghiêm ngặt.
Mặc dù phạm vi cho đầu tư cơ sở hạ tầng giữa các quốc gia khác nhau, nhưng không còn nghi ngờ gì nữa nó tạo ra một động lực mạnh mẽ cho tăng trưởng và việc làm. Bài học quan trọng? Hãy làm ngay từ bây giờ, lựa chọn các dự án đúng và đầu tư hiệu quả.
Mỹ Hạnh (Theo FT)
thời báo ngân hàng
|