Doanh nghiệp nghi vấn gian lận thuế “khủng” đã tạm ngừng kinh doanh
Theo nguồn tin của Báo Hải quan, Cục Thuế Hà Nội đã có kết quả thanh tra ban đầu về nghi án gian lận thuế của một số doanh nghiệp (DN) kinh doanh mặt hàng ắc quy trên địa bàn Hà Nội. Theo đó, đã có 2 DN tạm ngừng kinh doanh khiến cơ quan Thuế tạm "bó tay" xác định hành vi vi phạm.
Hai DN nghi vấn tạm ngừng hoạt động
Trước đó, theo phản ánh của báo chí về một số DN nhập khẩu, kinh doanh ắc quy trên địa bàn Hà Nội có dấu hiệu gian lận trốn thuế thông qua mức giá khai báo của DN nhập khẩu mặt hàng này thấp hơn giá nhập khẩu.
Cơ quan Thuế đang tập hợp thông tin giá bán của thương hiệu ắc quy Atlas và Rocket trên thị trường Việt Nam
|
Ngay sau đó, Bộ Tài chính đã giao các đơn vị liên quan kiểm tra sau thông quan với các mặt hàng ắc quy; Bổ sung cơ sở dữ liệu giá tham vấn và kiểm tra thuế nội địa. Trên cơ sở đó, tháng 7-2014, Cục Thuế Hà Nội đã tiến hành rà soát và lựa chọn thí điểm 4 DN (gồm 2 DN nhập khẩu trực tiếp và 2 DN thương mại mặt hàng ắc quy) có rủi ro cao về thuế để tiến hành thanh tra.
Tuy nhiên, 2 DN là Công Ty TNHH Đầu Tư phát Triển Kỹ Thuật & Thương Mại Thiên Sơn (đơn vị mà trước đó các cơ quan báo chí đã đặt ra nghi vấn có gian lận thuế từ hoạt động kinh doanh ắc quy nhập khẩu) và Công ty TNHH thương mại sản xuất Hoàng Hưng đã tạm ngừng kinh doanh từ tháng 6-2014 đến tháng 7-2015 và được Phòng đăng ký kinh doanh của Sở Kế hoạch Đầu tư TP. Hà Nội xác nhận. Vì vậy, kế hoạch thanh tra 2 DN này của cơ quan Thuế không thực hiện được.
Không thực hiện kê khai giao dịch liên kết
Ngoài ra, kết quả thanh tra tại Công ty CP thương mại quốc tế Gia Nguyên (đơn vị nhập khẩu) cho thấy, Công ty Gia Nguyên được thành lập năm 2005, Công ty ký hợp đồng mua hàng nhập khẩu ắc quy với Công ty Global Battery của Hàn Quốc, với thương hiệu ắc quy Rocket. Theo đó, giá ắc quy ô tô nhập khẩu hiệu Rocket từng loại có biến động theo giá nhập từ 7 USD (tương đương 150 nghìn đồng) đến 20 USD (400 nghìn đồng/ắc quy).
Kết quả kiểm tra xác suất của một số hợp đồng nhập khẩu ắc quy cho thấy, Công ty xuất trình hợp đồng nhập khẩu, tờ khai hải quan, chứng từ nộp thuế ở khâu nhập khẩu, chứng từ thanh toán ra nước ngoài, hợp đồng kho bãi…
Ngoài ra, Công ty Gia Nguyên còn ký hợp đồng tiêu thụ ắc quy nhập khẩu cho các khách hàng, chủ yếu là bán buôn cho đại lý ở Hà Nội và các tỉnh. Theo sổ sách, Công ty bán ra theo giá ghi trên hợp đồng thỏa thuận với bên mua và thanh toán bằng tiền mặt (chiếm tỷ lệ 60% là tiền mặt hóa đơn ghi dưới 20 triệu đồng). Giá bán ra của sản phẩm biến động theo dung lượng ắc quy từ 230 nghìn đồng/chiếc đến 1,1 triệu đồng/chiếc. Công ty có doanh thu bình quân kê khai dưới 15 tỷ đồng/năm; Lợi nhuận thực hiện dưới 100 triệu đồng/năm; Thuế Thu nhập DN nộp dưới 50 triệu đồng/năm. Tỷ trọng lãi gộp/doanh thu thấp chỉ đủ chi trả lương và chi phí quản lý.
Đối với trường hợp của Công ty CP viễn thông An Mạnh Phát (được thành lập 2012), qua thanh tra cho thấy 100% hàng hóa của An Mạnh Phát được mua của Công ty Gia Nguyên và bán lẻ đi các tỉnh ngoài Hà Nội; Chênh lệch giá mua, giá bán mỗi sản phẩm ắc quy từ 5 nghìn đến 15 nghìn đồng/chiếc. Hàng năm không phát sinh thuế GTGT phải nộp; Thuế thu nhập DN năm 2012-2013 nộp thấp.
Theo nhận định của Cục Thuế Hà Nội, Công ty Gia Nguyên và An Mạnh Phát là 2 DN nhập khẩu và kinh doanh ắc quy có rủi ro về việc chấp hành nghĩa vụ thuế ở khâu nhập khẩu và kinh doanh trong nước.
“Hai Công ty này đã có quan hệ giao dịch liên kết theo quy định tại Thông tư 66/2010/TT-BTC ngày 22-4-2010 của Bộ Tài chính về việc hướng dẫn các định giá thị trường trong giao dịch kinh doanh giữa các bên có quan hệ liên kết (theo quy định các bên có quan hệ liên kết là một DN cung cấp trực tiếp hoặc gián tiếp trên 50% tổng giá trị nguyên vật liệu, vật tư hoặc sản phẩm đầu vào để sử dụng cho hoạt động sản xuất kinh doanh sản phẩm đầu ra của một DN khác- PV). Tuy nhiên, 2 Công ty đã không thực hiện kê khai giao dịch liên kết theo quy định”- Cục Thuế Hà Nội khẳng định.
Ngoài ra, Cục Thuế Hà Nội chỉ ra, qua kiểm tra hàng hóa mua vào, bán ra cho thấy 2 Công ty hạch toán giá trị hàng hóa bán ra không theo giá giao dịch thông thường trên thị trường; Công ty Gia Nguyên còn có hành vi vi phạm về chế độ kế toán.
Hiện nay, để có căn cứ xác định giá bình quân giao dịch thông thường trên thị trường của sản phẩm ắc quy ô tô cùng loại để làm căn cứ ấn định giá bán và số thuế phải nộp đối với Công ty Gia Nguyên và Công ty An Mạnh Phát, cũng như phục vụ cho công tắc thanh tra các DN kinh doanh ắc quy trên địa bàn có rủi ro cao về thuế, Cục Thuế Hà Nội khẩn trương tập hợp thông tin giá bán ra của sản phẩm ắc quy nhãn hiệu Rocket, Atlas và các sản phẩm quy cách tương đương; tỷ suất lợi nhuận thực hiện của một số DN kinh doanh ắc quy.
Được biết, để ngăn chặn tình trạng ắc quy nhập khẩu gian lận về thuế và đảm bảo công bằng cho các DN, trong tháng 9 vừa qua, Tổng cục Hải quan đã chỉ đạo hải quan các tỉnh, thành phố tiến hành rà soát và kiểm tra sau thông quan các DN nhập khẩu ắc quy có kim ngạch lớn, rủi ro cao; Các đơn vị thu thập thông tin, xây dựng, bổ sung, sửa đổi mức giá tham chiếu mặt hàng ắc quy ban hành kèm theo Danh mục hàng hóa nhập khẩu rủi ro về trị giá.
Thu Hằng
hải quan
|