Đánh tham nhũng chưa trúng chỗ hiểm
Ông Nguyễn Tiến Sinh, Ủy viên Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, vừa trả lời Thanh Niên xung quanh báo cáo công tác phòng, chống tham nhũng năm 2014 của Chính phủ gửi tới các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) phục vụ cho kỳ họp thứ 8, dự kiến khai mạc ngày 20.10.
Ông nhận xét: “Pháp luật chống tham nhũng dù đã đi vào cuộc sống nhưng vẫn còn rất chậm. Có hai lĩnh vực mà tôi cho là chưa được kiểm soát chặt là cơ chế về quản lý cán bộ và quản lý tài chính. Hiện chúng ta đang sửa luật Ngân sách nhưng còn rất nhiều vấn đề. Một số luật khác như luật Phòng chống tham nhũng, luật Thanh tra... thì mới ở mức độ nào đó thôi”.
Chưa vào thực chất
Ông nhìn nhận thế nào về vai trò giám sát của Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc với công tác phòng chống tham nhũng?
Có thể nói việc giám sát của các cơ quan nhà nước và cộng đồng là rất quan trọng và thực tế chúng ta cũng chưa có các biện pháp nào hơn. Tuy nhiên để giám sát có thực chất hơn thì điều quan trọng là cách ứng xử với thông tin sau giám sát như thế nào. Nếu không sẽ lại không giải quyết được vấn đề gì.
Ông Nguyễn Tiến Sinh
|
Nhưng trên thực tế công tác giám sát cũng rất ít khi phát hiện được tham nhũng. Từ trước đến nay hầu như các báo cáo của các ủy ban, hội đồng giám sát chưa thấy có báo cáo nào nói vụ này vụ kia có tham nhũng cả. Chỉ thấy các kết luận như “đầu tư dàn trải”, “không hiệu quả”. Hầu như không phát hiện tham nhũng nếu không muốn nói là rất khó khăn.
Không có giám sát thì chắc tình trạng còn có thể nghiêm trọng hơn. Nhưng có giám sát thì các hình thức tham nhũng biến tướng tinh vi hơn, thành hệ thống hơn để bảo vệ quyền lợi, lợi ích của nhóm tham nhũng. Rõ ràng là khó khăn hơn. Chúng ta biết được điều đó để có thể tác động trở lại để hoàn thiện hệ thống pháp luật từ quản lý kiểm soát, giám sát.
Trong vài năm trở đây, VN hầu như không có án tham nhũng lớn nào được xét xử có tính răn đe. Ông có cho rằng thiếu những vụ án điểm mang tính răn đe sẽ khiến công tác phòng chống tham nhũng khó khăn hơn? Vai trò cá nhân của các ĐBQH trong công tác này như thế nào?
Bên cạnh quyết tâm chính trị rất lớn của Đảng với vấn đề phòng chống tham nhũng thì bây giờ là cách làm. Thực tế về việc đưa quan chức ra xét xử chưa được thuyết phục lắm. Các quan chức cấp bộ, thứ trưởng hoặc tương đương hầu như không có. Các án lớn mới chỉ thấy “quan chức” doanh nghiệp thôi. Nhưng đó là câu chuyện khác.
Có thể nói là công tác phòng chống tham nhũng vẫn mới đang đi bên ngoài chứ chưa vào thực chất, chưa đánh được vào các mắt xích quan trọng mà chỉ là những cái “râu ria”. Rõ ràng có nhiều quan chức có tài sản lớn sờ sờ ra đấy, ai cũng biết không phải do làm kinh tế mà có, kê khai tài sản cũng không thấy. Khi bị phát hiện thì họ nói của vợ con hoặc được người quen biếu, tặng, nhưng cuối cùng cũng không thấy xử lý.
Các ĐBQH thấy điều đó nhưng cũng chỉ có thể giải quyết theo hoạt động của Quốc hội là hoàn thiện hệ thống pháp luật, tăng cường kiểm tra giám sát, kiến nghị các cơ quan nhà nước xử lý chặt chẽ hơn.
Không nên phạt tiền thay phạt tù đối với tội phạm tham nhũng
Tại cuộc họp Ban soạn thảo bộ luật Hình sự (sửa đổi) diễn ra ngày 16.10, tổ biên tập cho biết quy định phạt tiền là hình phạt chính đối với tội phạm tham nhũng trong dự thảo luật đang có 2 luồng ý kiến khác nhau. Nhóm ý kiến thứ nhất cho rằng đối với tội phạm tham nhũng bên cạnh nghiêm trị người phạm tội thì vấn đề quan trọng hơn là thu hồi tài sản tham nhũng. Vì vậy cần nghiên cứu bổ sung hình phạt tiền trong cấu thành tội phạm để lựa chọn hình phạt tù, dự thảo luật đang đi theo hướng này.
Nhóm ý kiến thứ 2 cho rằng quy định áp dụng phạt tiền là hình phạt bổ sung như quy định hiện hành là phù hợp. Việc quy định phạt tiền là hình phạt chính để lựa chọn đối với hình phạt tù có thời hạn trong cấu thành cơ bản của tội phạm tham nhũng sẽ làm giảm nhẹ chính sách xử lý hình sự đối với tội phạm tham nhũng. Hơn nữa mục đích áp dụng hình phạt tiền đối với tội phạm tham nhũng không phải nhằm thu hồi tài sản mà là để giáo dục phòng ngừa.
Trao đổi với PV Thanh Niên, trung tướng Trần Văn Độ, Phó chánh án TAND tối cao, thành viên ban soạn thảo, nói ông không đồng tình với phương án phạt tiền thay phạt tù. “Tăng mức phạt tiền thay hình phạt tù đối với một số loại tội phạm ít nghiêm trọng là điều nên làm nhưng với tội tham nhũng thì dư luận sẽ khó mà đồng tình khi tình hình đang diễn ra phức tạp như hiện nay”, ông Độ nói.
Thái Sơn
|
Trường Sơn
Thanh niên
|