Hai lãnh đạo GTVT nói về tiêu cực trong ngành
Việc trang bị đồng loạt các trạm cân xe lưu động trên cả nước thể hiện quyết tâm xử lý nghiêm hành vi chở quá tải để bảo vệ cầu đường.
* Bắt Phó chánh thanh tra sở GTVT tỉnh Đắk Nông
Thế nhưng mới đây vụ tiêu cực tại trạm cân Đắk Nông và kiến nghị của Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam về dấu hiệu bảo kê xe quá tải tại Hải Phòng đã khiến dư luận lo ngại rằng chủ trương kiểm soát xe quá tải sẽ kém hiệu quả bởi tiêu cực.
Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ:
Tấn công tiêu cực, không bao che!
Phóng viên: Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho rằng Công ty Trung Thành hoạt động vận tải thường xuyên chở quá tải, coi thường lực lượng thực hiện nhiệm vụ, có dấu hiệu bảo kê từ một số cơ quan chức năng. Bộ GTVT phản ứng thế nào?
Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ: Chúng tôi đã gửi công văn yêu cầu Sở GTVT TP Hải Phòng làm rõ kiến nghị của hiệp hội và phối hợp với các cơ quan chức năng theo đúng nhiệm vụ. Nếu phát hiện tình trạng xe quá tải có liên quan đến trách nhiệm của lực lượng thanh tra giao thông (TTGT) thì chúng tôi sẽ xử lý nghiêm. Có dấu hiệu hình sự thì chuyển cơ quan điều tra.
Không chỉ hiệp hội, thông qua các đường dây nóng phản ánh những hiện tượng bất thường, tiêu cực trong ngành giao thông chúng tôi lưu ý và cho kiểm tra. Sợ nhất là người dân phản ánh mà mình im lặng, không làm. Chúng tôi dám làm và công khai minh bạch trên báo chí chứ không bao che. Khi nghe thông tin tình trạng xe “hổ vồ” chở quá tải ở Hà Tĩnh, Bộ đã yêu cầu Sở GTVT tỉnh Hà Tĩnh vào cuộc, đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan chức năng làm. Về trường hợp tiêu cực ở trạm đăng kiểm ở Bình Thuận, chúng tôi chủ động cử người để kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm. Nếu chúng tôi né tránh, ỉm thông tin đó đi thì đó mới là tội.
Về trường hợp TTGT lại móc nối với các doanh nghiệp vận tải để chở quá tải, như ở Đắk Nông, ông có ý kiến gì?
Một số TTGT Đắk Nông tiêu cực, nhận hối lộ tiếp tay cho xe chở quá tải là hình ảnh xấu đối với ngành. Hiện nay, các chế tài người thực thi nhiệm vụ đều có cả nhưng vấn đề người ta có nghiêm túc thực hiện hay không hay là bất chấp tất cả quy định để làm việc sai trái. Chúng tôi thường cử đoàn xuống các địa phương kiểm tra đột xuất. Tuy nhiên, với lực lượng thanh tra Bộ GTVT chỉ có 36 người thì không thể đi thường xuyên mà phải phân cấp cho địa phương. Nơi nào để lực lượng TTGT tiêu cực thì địa phương đó phải chịu trách nhiệm về con người, Bộ chịu trách nhiệm về nghiệp vụ.
Với chỉ đạo Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng, sai phạm đều bị xử lý tới nơi tới chốn, tiêu cực liên quan đến ngành giao thông phải hạn chế đến mức thấp nhất.
Xin cảm ơn ông.
Đoàn xe của Công ty TNHH Trung Thành.
|
Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam Nguyễn Văn Huyện:
Cò mồi và tiêu cực "ngầm"!
Mong người dân và báo chí cùng giám sát.
Phóng viên: Kể từ khi triển khai công tác kiểm soát tải trọng xe, Bộ GTVT đã rất quyết liệt trong việc ngăn chặn tiêu cực ở các trạm cân nhưng vì sao mãi lộ vẫn xảy ra?
Ông Nguyễn Văn Huyện: Ngay từ những ngày đầu triển khai kiểm soát tải trọng xe, chúng tôi đã quán triệt tất cả lực lượng hoạt động ở trạm cân phải thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật. Trường hợp nào có tiêu cực đều sẽ bị loại ra khỏi lực lượng.
Tuy nhiên, đến nay có thể khẳng định trong kiểm soát tải trọng xe vẫn còn tiêu cực, tình trạng cò mồi vẫn còn xuất hiện ở một số trạm cân, làm cản trở đến hiệu quả của việc kiểm soát tải trọng xe.
Riêng vụ tiêu cực xảy ra ở trạm cân Đắk Nông liên quan đến ba cán bộ thanh tra Sở GTVT, theo tôi được biết, từ hai tháng trước sau khi nhận được thông tin phản ánh từ chủ phương tiện, lái xe, người dân về tình trạng tiêu cực, nhận hối lộ của xe quá tải thì ngành giao thông đã không cho những cán bộ trên làm việc ở trạm cân nữa. Còn việc xử lý những cán bộ này như thế nào thì tới đây các cơ quan chức năng sẽ quyết định.
Các trạm cân được trang bị máy móc hiện đại như camera giám sát nhưng vẫn xảy ra chuyện chung chi. Chẳng lẽ các thiết bị ấy bị vô hiệu, thưa ông?
Qua tìm hiểu, chúng tôi thấy những tiêu cực xảy ra ở trạm cân là tiêu cực ngầm, chủ phương tiện và lực lượng thực thi công vụ thông đồng với nhau. Ví như lực lượng thực thi công vụ bằng hình thức nào đó thông báo cho lái xe, chủ phương tiện về những giờ cân bị trục trặc hoặc cán bộ “bận” đi ăn, không có người túc trực để xe vượt trạm. Những hành vi đó là thông đồng, móc ngoặc chứ thực chất không phải là do thiết bị gặp trục trặc.
Để ngăn chặn tình trạng trên, chúng tôi đã cho lắp đặt hệ thống camera giám sát ở khu vực các trạm, tới đây sẽ tăng cường lắp đặt nhiều hơn nữa để giám sát chặt chẽ hơn. Tất cả hình ảnh, biểu hiện tiêu cực nếu có sẽ được truyền về cho các cơ quan quản lý theo dõi để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm vi phạm.
Cạnh đó, ngành giao thông và lực lượng công an phải tăng cường giám sát hoạt động của các trạm cân. Chúng tôi cũng mong muốn người dân, báo chí tăng cường giám sát đối với hoạt động ở các trạm cân. Khi người dân, báo chí cung cấp thông tin về tiêu cực ở các trạm cân chúng tôi sẽ thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm, không dung túng, bao che.
Nhiều ý kiến cho rằng muốn ngăn chặn được xe quá tải, ngoài việc chống tiêu cực, mãi lộ thì cần phải có các giải pháp tổng thể, trong đó có việc kiểm soát tải trọng ngay từ nguồn hàng. Vậy việc này tới đây sẽ được triển khai như thế nào, thưa ông?
Hiện chúng tôi đã yêu cầu tất cả bến bãi, bến cảng phải có trách nhiệm kiểm soát tải trọng. Nếu đơn vị nào để tình trạng bốc xếp hàng quá tải trên xe mà tái phạm nhiều lần sẽ bị rút giấy phép kinh doanh. Ngoài ra, thời gian tới sẽ tăng cường, trang bị thêm nhiều cân xách tay để các lực lượng địa phương kiểm tra di động xe quá tải trên khắp các tuyến đường. Chúng tôi tin rằng biện pháp trên chắc chắn sẽ hiệu quả, góp phần ngăn chặn được tình trạng xe quá tải, bảo vệ được các tuyến đường, góp phần làm cho thị trường vận tải hàng hóa trở nên lành mạnh hơn.
Xin cảm ơn ông.
Những nghi vấn bảo kê ở Đắk Nông và Hải Phòng
Theo Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đắk Nông, ngày 9-10, cơ quan này triệu tập ông Nguyễn Tấn Mẫn, cán bộ TTGT (Sở GTVT tỉnh Đắk Nông) lên làm việc và ông này thừa nhận có nhận hối lộ để xe qua trạm cân lưu động. Sau đó, ông nhảy lầu tự vẫn. Công an cũng xác định ông Nguyễn Quang Khải, Đội phó Đội TTGT và ông Lê Đình Trọng, trạm phó trạm cân, đã nhận tiền của một số tài xế chở quá tải để không bị xử lý. Hiện công an đã khởi tố vụ án, bắt tạm giam phó chánh Thanh tra Sở GTVT.
Cũng trong ngày 9-10, Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam có công văn kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ Công an lập chuyên án để điều tra làm rõ việc bảo kê cho Công ty TNHH Trung Thành (Hải Phòng) chở quá tải. Công văn này cho rằng: “Theo dư luận từ Hải Phòng, Công ty Trung Thành lộng hành như vậy là do có sự bảo kê của cơ quan chức năng, trong đó có Công an TP Hải Phòng”.
Hiệp hội cũng kiến nghị Bộ GTVT phối hợp với các cơ quan chức năng khắc phục tình trạng xe chở quá tải trọng.
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, cho rằng xuất phát từ thực tế Công ty TNHH Trung Thành thường xuyên chở quá tải và các cơ quan kiểm soát tải trọng ở Hải Phòng thường để “lọt lưới”. “Hải Phòng cũng có trạm cân tại sao anh không xử lý để lọt lưới chạy đến các địa phương khác. Cái đó chắc chắn là không bình thường nên hiệp hội mới kiến nghị để Thủ tướng chỉ đạo Bộ Công an lập chuyên án điều tra!” - ông Thanh nói.
Ông Nguyễn Văn Huyện - Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ cho biết: “Lượng xe quá tải ở Hải Phòng có rất nhiều nên dư luận có thể nghi ngờ việc này việc kia. Vì thế, hiện đơn vị đang làm việc với Bộ Tài chính để đầu tư thêm Hải Phòng một bộ cân xe và sẽ yêu cầu địa phương bố trí thêm nhiều cân xách tay nữa. Tới đây chúng tôi cũng sẽ tổ chức họp với Hải Phòng, Hải Dương, Vĩnh Phúc để làm sao các địa phương đó liên minh với nhau tạo ra sự khép kín trong việc kiểm soát tải trọng, tránh tình trạng xe quá tải trốn trạm”.
Thành Văn
|
Trung Dung - Thàn Văn thực hiện
pháp luật tphcm
|