DN ngành in bức xúc với quy định siết kinh doanh in ấn, quản lý photocopy
Khi nghị định mới về quản lý hoạt động in ấn được thi hành từ tháng 11-2014, doanh nghiệp trong ngành in sẽ phải đáp ứng nhiều điều kiện kinh doanh, nhập khẩu với nhiều giấy phép con.
Các đại diện DN đang lắng nghe ý kiến góp ý cho dự thảo hai thông tư hướng dẫn Nghị định 60/2014/NĐ-CP.
|
Đây cũng là lần đầu tiên dịch vụ sao chụp (photocopy) bị đưa vào diện bị quản lý trong ngành in vốn là ngành kinh doanh có điều kiện.
Trong hội thảo hôm 8-10 tại TPHCM do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức nhằm góp ý cho dự thảo hai thông tư hướng dẫn thi hành Nghị định 60/2014/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 1-11-2014, nhiều doanh nghiệp trong ngành in ấn tỏ ra bất ngờ, và bức xúc khi sắp tới đây việc kinh doanh in ấn của họ sẽ bị ảnh hưởng bởi nhiều quy định mà họ cho là không phù hợp với thực tiễn.
Chẳng hạn như, nhập máy móc thiết bị in phải được cấp phép, doanh nghiệp in phải kiểm soát nội dung in ấn, người đứng đầu doanh nghiệp phải có bằng cao đẳng trở lên về chuyên ngành in, doanh nghiệp không được hợp tác gia công in ấn, mỗi sáu tháng và một năm doanh nghiệp in phải báo cáo tình hình tài chính, cơ sở in phải chuyển ra khỏi khu dân cư v.v....
Ngoài ra, với Nghị định 60, đây là lần đầu tiên dịch vụ photocopy bị đưa vào diện bị quản lý về chuyên ngành in, tức là cơ sở photocopy phải có giấy phép hoạt động in. Doanh nghiệp photocopy phải cáo cáo tình hình hoạt động định kỳ 6 tháng/lần, còn cơ sở photocopy diện hộ kinh doanh phải báo cáo đột xuất khi có yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước.
Không đúng thực tiễn
Theo ông Nguyễn Văn Dòng, Chủ tịch Hiệp hội in Việt Nam, bức xúc lớn nhất của các doanh nghiệp in đối với Nghị định 60 là doanh nghiệp phải xin cấp phép nhập khẩu đối với tất cả các loại máy móc thiết bị in, phụ tùng, trục in, khuôn in, bản in.. trong khi Luật Xuất bản 2004 chỉ quy định việc cấp phép nhập khẩu đối với máy photocopy màu.
Ông Dòng cho biết, khi xây dựng văn bản, ban soạn thảo viện dẫn tinh thần của Chỉ thị số 17/CT-TTG ngày 9-8-2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường quản lý, kiểm soát việc nhập khẩu công nghệ, máy móc, thiết bị của doanh nghiệp nhằm tránh nhập khẩu máy móc thiết bị cũ gây ô nhiễm môi trường… Chỉ thị này ra đời sau các sự cố ở Vinashin.
Ngoài ra, với máy móc, thiết bị đã qua sử dụng, dự thảo thông tư hướng dẫn cụ thể từng loại máy móc phải đáp ứng thời gian sử dụng (7 năm, 10 năm, và 15 năm, tùy loại) và chất lượng như quy định trong Điều 6 của Thông tư 20/2014/TT-BKHCN ngày 15-7-2014 của Bộ Khoa học Công nghệ. Tuy nhiên, Thông tư 20 này trên thực tế đã bị tạm hoãn thi hành trước sự phản đối của giới doanh nghiệp. Ngoài ra, Thông tư 20 cũng chỉ đưa ra tiêu chí máy móc, thiết bị được nhập chứ không nói về chuyện phải cấp phép như Nghị định 60, ông Dòng cho biết.
Trong khi đó, hiện 80% thiết bị trong ngành in là máy đã qua sử dụng, đặc biệt khâu đóng sách, khâu in. Nhiều máy móc in ấn chủ yếu được sản xuất từ những năm 1990, có nghĩa là có thời gian sử dụng khoảng 20 năm.
Hiện giấy in trong nước có chất lượng kém, không phù hợp để in bằng máy móc mới, và giá sách báo tại Việt Nam hiện cũng thuộc dạng rẻ nhất thế giới.
Hơn nữa, ông Dòng cho rằng, quy định về thời gian đã qua sử dụng cũng không hợp lý, vì với loại máy móc cần mới thì dự thảo thông tư này lại đưa ra niên hạn sử dụng dài, trong khi loại máy không cần mới thì lại yêu cầu niên hạn ngắn.
Nghị định 60 cũng quy định người đứng đầu doanh nghiệp in phải là công dân Việt Nam, phải có trình độ cao đẳng trở lên về chuyên ngành in hoặc được Bộ Thông tin và Truyền thông cấp giấy chứng nhận bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý hoạt động in.
Theo ông Dòng, hiện có rất nhiều người đứng đầu doanh nghiệp in lớn tại Việt Nam không có bằng cao đẳng hoặc đại học, tiến sĩ về in, cũng chưa được bồi dưỡng về quản lý in, nhưng vẫn điều hành doanh nghiệp hiệu quả, có doanh số hàng năm trên dưới 1.000 tỉ đồng. Thêm nữa hiện Việt Nam chỉ còn duy nhất một trường cao đẳng in (tại Hà Nội) và trường này đang có nguy cơ bị đóng cửa.
Phát biểu tại hội thảo hôm 8-10, ông Lê Văn Tròn, Chủ tịch hội in TPHCM, cho rằng Nghị định 60 là một biến tướng của giấy phép con, với thủ tục xin giấy phép hoạt động in, cũng như nhận chế bản in, gia công sau in khá rắc rối.
Chẳng hạn như, sau khi thỏa thuận hợp đồng in hoặc nhận đặt in, nhà in phải yêu cầu người đặt in xuất trình CMND và nộp bản sao CMND, kể cả in giấy tờ cá nhân như in thiệp cưới, danh thiếp, thiệp mời, đồng thời xuất trình một loạt giấy tờ mà ông Tròn nói là ông không thể nhớ hết, mà chỉ đọc trong Nghị định 60 mới có thể biết.
Một điều khác mà ông Tròn cho là đáng lo ngại đối với các nhà in là họ không biết được nội dung mà họ nhận in ấn có vi phạm “Những hành vi bị nghiêm cấm” trong Nghị định 60 hay không. Theo nghị định này, các doanh nghiệp in, cơ sở photocopy sẽ bị xử phạt hành chính, bồi thường, nếu in, photocopy những sản phẩm thuộc “Những hành vi bị cấm”, bao gồm như những giấy tờ, chế bản có nội dung truyền bá tư tưởng phản động, lối sống dâm ô, đồi trụy, tệ nạn xã hội, tiết lộ bí mật nhà nước, tiết lộ đời tư cá nhân, sử dụng hình ảnh bản đồ Việt Nam không thể hiện đúng chủ quyền quốc gia,…
Theo dự thảo thông tư, cơ sở in cũng phải di dời cách khu dân cư 100m, 200m, hay đưa vào khu công nghiệp, với lộ trình trước 2016, trước 2020 và trước 2025, tùy từng loại hình in ấn.
Vì ngành in ấn không chỉ riêng doanh nghiệp in sách báo, ấn phẩm, mà bao gồm cả những doanh nghiệp in quảng cáo, nhãn hàng, bao bì, … do đó đối tượng doanh nghiệp bị điều chỉnh bởi Nghị định 60 khá rộng. Ngoài ra, việc Nghị định đưa cơ sở photocopy hiện với số lượng khá lớn vào diện quản lý cũng bị nhiều doanh nghiệp tại hội thảo cho là khó thực thi, và không đem lại hiệu quả quản lý.
T.Thu
tbktsg
|