Tiền đâu xây sân bay Long Thành?
Đó là câu hỏi lớn nhất được Ủy ban Kinh tế Quốc hội đặt ra khi thẩm tra tờ trình của Chính phủ về chủ trương xây dựng sân bay Long Thành.
* Chính phủ đồng ý xây sân bay Long Thành
Trình bày trước Ủy ban thường vụ Quốc hội chiều 8-10, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đinh La Thăng cho biết giai đoạn 2002-2012, lượng hành khách thông qua các cảng hàng không Việt Nam đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 14,7%/năm.
“Năm 2013, Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất đạt lưu lượng 20 triệu khách, dự kiến đến năm 2016-2017 sẽ đạt công suất thiết kế 25 triệu khách/năm và sẽ trở nên quá tải sau đó (dự kiến đến năm 2025 lượng hành khách là 40,4 triệu/năm)” - ông Thăng cho biết.
Do đó, Chính phủ cho rằng việc đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành là cần thiết và cấp bách.
“Đa số ý kiến tán thành với chủ trương đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành” -Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Phúc cho biết quan điểm của ủy ban.
Tuy vậy, Ủy ban Kinh tế đề nghị làm rõ hàng loạt vấn đề: “Việc xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành với mục đích cảng hàng không trung chuyển của khu vực và quốc tế, vì nếu chỉ đơn thuần là để giảm tải cho sân bay Tân Sơn Nhất và đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng không trong tương lai thì hệ thống hàng không hiện tại (7 cảng hàng không quốc tế) hoàn toàn có thể đáp ứng”.
“Có ý kiến cho rằng chỉ cần mở rộng sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất (với tổng diện tích 1.500 ha hiện tại) vẫn có thể nâng công suất khai thác đáp ứng nhu cầu vì các cảng hàng không trong khu vực diện tích nhỏ hơn vẫn có thể phục vụ lượng khách rất lớn như: Cảng hàng không quốc tế Chek Lap Kok (Hong Kong) chỉ với 1.255 ha, công suất 50 triệu khách/năm, Cảng hàng không quốc tế Changi (Singapore) 1.300 ha, công suất 42 triệu khách/năm” - ông Phúc nói.
Vẫn theo thẩm tra sơ bộ của Ủy ban Kinh tế, báo cáo đầu tư chưa đánh giá được khả năng cạnh tranh với các sân bay lớn đã hình thành từ lâu trong khu vực, trong đó có những cảng hàng không trung chuyển lớn như Suvarnabhumi của Thái Lan (quy hoạch 100 triệu khách/năm), Kuala Lumpur của Malaysia (quy hoạch 100 triệu khách/năm), Changi của Singapore (quy hoạch 135 triệu khách/năm).
Nhưng câu hỏi “tiền đâu” mới là câu hỏi khó trả lời nhất. “Dự án này sử dụng lượng vốn ngân sách nhà nước và vốn vay của các tổ chức quốc tế trong bối cảnh nợ công tăng nhanh và ngân sách khó khăn cần được cân nhắc kỹ lưỡng.
Tuy nhiên, báo cáo chưa làm rõ khả năng huy động vốn. Tổng mức đầu tư giai đoạn một khoảng 164.589 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách nhà nước, trái phiếu Chính phủ và ODA là 84.624 tỷ đồng. Nếu tính cả ba giai đoạn thì tổng mức đầu tư sẽ rất lớn.
Hơn nữa, mức đầu tư giai đoạn một cũng mới chỉ là ước tính” - báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế viết.
Trong khi đó, Chính phủ đưa ra phương án giải phóng mặt bằng toàn bộ 5.000 ha trong giai đoạn một của dự án. Thường trực Ủy ban Kinh tế cho rằng với kinh phí đền bù, hỗ trợ, tái định cư rất lớn dùng vốn ngân sách nhà nước (khoảng 20.000 tỷ) lại thực hiện trong thời gian ngắn sẽ dẫn đến cân đối vốn rất khó khăn.
Quốc hội sẽ quyết định có đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành hay không tại kỳ họp tháng 10 tới đây.
Lê Kiên
tuổi trẻ
|