Giá khí tăng gây áp lực giá điện:
EVN chưa trả tiền giá khí tăng...
Sáng 8-10, ông Nguyễn Quốc Khánh, phó tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí VN (PVN), khẳng định giá khí bán cho điện tăng với phần trên bao tiêu (phần ngoài cam kết giữ giá).
Ông Khánh cho biết như trên tại cuộc họp báo thường kỳ quý 3-2014 của Tập đoàn Dầu khí VN (PVN) khi trả lời câu hỏi giá điện đang chịu sức ép lớn từ giá than, khí tăng (tăng đến khoảng 7.000 tỉ theo tính toán của EVN).
Ông Khánh công nhận đã làm việc và chốt giá với EVN. Tuy nhiên, đến nay EVN chưa thanh toán khoản tiền này cho PVN. Ông Khánh nói thêm giá khí trên bao tiêu bị tăng giá kể trên cơ bản là nhiệt điện khí của PVN nên không phải giá khí tăng hơn bình thường.
Trả lời câu hỏi của Tuổi Trẻ về Thanh tra Chính phủ vừa công bố quyết định thanh tra các dự án nhiên liệu sinh học mà PVN đầu tư, liệu có phải PVN đã nôn nóng, đầu tư sớm trước khi có lộ trình sử dụng nhiên liệu sinh học của Chính phủ khiến nhiều dự án thua lỗ, ông Nguyễn Xuân Sơn, chủ tịch PVN - cho biết việc đầu tư của PVN góp vốn vào ba dự án theo đúng định hướng.
“PVN không phải tham gia sớm, thật ra hưởng ứng tích cực” - ông Sơn nói. Tuy nhiên, ông Sơn công nhận khâu báo cáo luận chứng các nhà máy có chuyện khi đánh giá thì chỉ tính giá sắn mua mất 2.200 - 2.050 đồng/kg.
Song đến năm 2007, giá sắn lát lên khoảng 5.000-5.500 đồng, làm giá thành nhiên liệu sinh học tăng cao. Chi phí xây dựng nhà máy cũng tăng hơn dự toán.
Ông Sơn nêu Thanh tra Chính phủ vào cuộc là thanh tra việc góp vốn của PVN vào các dự án nhiên liệu sinh học. Tuy nhiên, mục đích để kiểm tra lại quy trình góp vốn, nếu thấy cơ chế, chính sách chưa hợp lý thì sẽ kiến nghị Nhà nước sửa đổi, bổ sung để hỗ trợ.
Trả lời câu hỏi về dự án “khủng” đang được quan tâm: khai thác mỏ khí Cá Voi Xanh với dự kiến hợp tác với Hãng Exxon Mobil của Mỹ (vốn đầu tư từng được công bố có thể đạt 10-20 tỉ USD), ông Nguyễn Quốc Thập, phó tổng giám đốc PVN, công nhận đây là dự án lớn, phát hiện khí lớn nhất của VN từ trước đến nay.
Chỉ rõ mỏ khí nằm ở vùng biển giữa tỉnh Quảng Nam và Quảng Ngãi, chỉ cách đất liền khoảng 80km, ông Thập nhấn mạnh mỏ này nằm sâu trong thềm lục địa VN.
Cho biết dự án đang triển khai ở tất cả các khâu, kể cả phương án đàm phán giá khí, đầu ra dự án... đến nay theo ông Thập, đã xác định nguồn khí khi khai thác vào bờ sẽ cung cấp cho các nhà máy điện.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Quốc Thập, đặc điểm quan trọng của mỏ Cá Voi Xanh là khí ở đây có hàm lượng CO2 cao, trên 30%... Để sử dụng được phải tách thêm một số thành phần hóa học khác nên sẽ cần nhà máy điện chấp nhận đặc điểm này.
Ông Thập khẳng định dự án được sự ủng hộ của lãnh đạo cấp cao nhất đất nước, thống nhất sẽ phải khai thác, nhưng còn khó khăn như thống nhất giá bán nên “thuận lợi nhất năm 2021 có dòng khí đầu tiên phát điện từ mỏ Cá Voi Xanh”.
Về việc thoái vốn ngoài ngành của PVN chậm nhất trong báo cáo mới đây của Bộ Công thương, ông Nguyễn Minh Hồng, phó tổng giám đốc PVN, công nhận công ty mẹ PVN đã đầu tư vào 11 công ty khác.
Tuy nhiên, vốn chủ yếu tập trung vào hai ngân hàng là Ocean Bank và Pvcombank (khoảng 5.000 tỷ). Ông Hồng giải thích theo chỉ đạo của Thủ tướng, thoái vốn tại công ty tài chính, ngân hàng phải thực hiện theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước.
“Dù đã có giải pháp nhưng có chỉ đạo vậy phải chờ hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước” - ông Hồng nói.
Đáng lưu ý, về tái cơ cấu, ông Nguyễn Minh Hồng nêu PVN đang chuẩn bị cổ phần hóa (CPH) Công ty lọc hóa dầu Bình Sơn (quản lý Nhà máy lọc dầu Dung Quất), Nhà máy Đóng tàu Dung Quất, Tổng công ty Điện lực dầu khí (PV Power), Tổng công ty Dầu (PVOil).
Ông Hồng nhấn mạnh từ nay đến năm 2015 PVN sẽ CPH ba đơn vị là nhà máy Phân bón hóa chất Cà Mau, Công ty lọc hóa dầu Bình Sơn và Nhà máy đóng tàu Dung Quất. Còn PVOil và PVPower sẽ CPH sau 2015.
Riêng Nhà máy lọc dầu Dung Quất, công nhận đang đàm phán bán 49% cổ phần cho doanh nghiệp của Nga để thành công ty TNHH hai thành viên. Việc kết thúc đàm phán, ông Hồng nêu đang có hi vọng sẽ sớm, vào cuối năm 2014 hoặc 2015.
Tuy nhiên, ông Hồng cho biết PVN đã có phương án 2, nếu đàm phán với phía Nga không thành công, sẽ triển khai tự đầu tư nâng cấp nhà máy và CPH.
Với thông tin tổng giám đốc PVN Đỗ Văn Hậu sắp về hưu, ông Hồng nêu PVN đã báo cáo Bộ Công thương, Chính phủ, khi nào được cho phép thực hiện quy trình sẽ bắt đầu thực hiện.
Ông Nguyễn Xuân Sơn, chủ tịch PVN, tiết lộ PVN đã quy hoạch bốn cán bộ vào chức vụ tổng giám đốc, sẽ làm đúng quy trình.
C.V.Kình
tuổi trẻ
|