TP.HCM: Tiến độ thoái vốn của DNNN còn chậm
Chiều 7-10, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Mạnh Hà chủ trì cuộc họp với các doanh nghiệp Nhà nước (DN) về tiến độ thoái vốn trong tiến trình cổ phần hóa. Theo kết quả báo cáo của các DN, việc thoái vốn còn khá chậm.
Theo Ban quản lý đổi mới DNNN TP.HCM, trong số 15 DN thực hiện cổ phần hóa trong năm 2014, cuối năm sẽ có 12 DN thực hiện bán cổ phần ra công chúng. Hiện nay đã có 7 tổng công ty thoái vốn gồm 190 tỷ, mới đạt hơn 12% kế hoạch (1.500 tỷ đồng). Trong đó, có nhiều DN có số thoái vốn ngoài ngành còn hạn chế, như: Tổng công ty Địa ốc Sài Gòn thoái vốn 27,6 tỷ đồng, kế hoạch đạt 26,45%; Tổng công ty Vàng bạc đá quý sài Gòn cũng chỉ đạt hơn 15%...
Tuy nhiên, theo phản ánh của các DN, việc thực hiện thoái vốn của các tổng công ty, công ty gặp khó khăn trong việc tìm đối tác mua, nhượng lại cổ phần, đặc biệt là các công ty cổ phần chưa niêm yết hoặc chưa đăng kí giao dịch trên sàn, do đó tiến độ thoái vốn còn chậm. Thủ tục chuyển nhượng đối với các công ty cổ phần, chưa niêm yết hoặc chưa giao dịch trên sàn Upcom còn phức tạp, phải thực hiện theo quy trình, phương thức tại Thông tư 204/2012/TT-BTC và Thông tư 220/2013/TT-BTC của Bộ Tài chính…
Căn cứ theo Phương án tổng thể về sắp xếp, đổi mới DN 100% vốn nhà nước giai đoạn 2012-2015 của UBND TP.HCM đã được Thủ tướng phê duyệt đến năm 2015, TP.HCM thực hiện cổ phần hóa (CPH) 31 DN, tiếp tục hoàn thành sắp xếp lại 25 DN (trong đó giải thể 7 DN, phá sản 9 DN, bán 5 DN, sáp nhập 2 DN và chuyển thành công ty cổ phần 2 DN). Sau năm 2015, thực hiện CPH 48 DN. Theo kế hoạch được UBND thành phố đặt ra, trong hai năm 2014 và 2015 sẽ hoàn thành cổ phần hóa 31 DN. |
Đại diện Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn cho biết, đã hoàn tất phương án cổ phần hóa 2 DN theo kế hoạch. Hiện nay, Tổng công ty Thương mại Sài Gòn đã thực hiện thoái vốn được 80 tỷ đồng. Trong đó, các công ty thuộc lĩnh vực tài chính đã thoái được 100%, lĩnh vực ngân hàng thoái được 50% cổ phiếu trên sàn,… Theo vị đại diện này, lĩnh vực đầu tư ngoài ngành chiếm số vốn lớn, nhưng thủ tục thoái vốn còn lệ thuộc vào thị trường, nên khó khăn khi thực hiện.
Nêu khó khăn trong việc thoái vốn, đại diện Công ty vàng bạc SJC cho rằng, đơn vị gặp khó khăn do tìm nhà đầu tư mua lại rất khó. Nhưng khi tìm được nhà đầu tư, theo quy định của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước- Bộ Tài chính, DN phải lập hồ sơ như chào bán chứng khoán lần đầu ra công chúng của công ty đại chúng. Trong khi đó, DN chỉ là cổ đông nhỏ không thể thực hiện được. Bên cạch đó, khi thực hiện kiểm toán, hạch toán thì bị lỗ, nên không đủ điều kiện bán ra công chúng.
Một số DN cũng nêu khó khăn khi thực hiện đấu giá cổ phiếu. Theo đó, khi giá cổ phiếu bán cao hơn hoặc thấp hơn 5% so với giá sàn đề phải báo phải báo cáo giải trình và xin ý kiến.
Theo Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Mạnh Hà, tái cơ cấu DNNN kế hoạch năm 2014 đã cơ bản hoàn thiện, cần phải đẩy nhanh tiến độ thoái vốn. Năm 2015 tập trung vào thực hiện thoái vốn ngay từ đầu năm, nếu DN nào điều chỉnh kế hoạch phải thực hiện ngay, nếu không điều chỉnh phải thực hiện đúng theo kế hoạch, với chỉ tiêu hơn 1.000 tỷ đồng.
Tuy nhiên, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM lưu ý các DN quan tâm đến đề án phát triển khoa học kỹ thuật phục vụ cho tái cấu trúc DN. Bởi vì, theo Sở Khoa học Công nghệ TP.HCM, các chương trình tái cấu trúc phải có chương trình phát triển khoa học công nghệ trong thời gian 5 năm. Đến nay, các DN đã gửi chương trình theo yêu cầu. Tuy nhiên, phần lớn chương trình của DN chưa đạt, nhiều DN làm cho có, nội dung rất chung chung. Có trường hợp copy luôn chương trình của Sở.
Lê Thu
Hải Quan
|