Chứng khoán Mỹ giảm mạnh, khối ngoại ở Việt Nam có "lung lay"?
Triển vọng tăng trưởng của thị trường chứng khoán nhìn từ giao dịch của khối ngoại và thanh khoản thị trường đang bị hạn chế trong ngắn hạn.
Sự đi xuống của thị trường Mỹ
Chỉ số VIX đạt mức kỷ lục từ tháng 06/2012. Chỉ số đo lường trạng thái biến động CBOE (VIX), thước đo tốt nhất về mức độ sợ hãi trên phố Wall, đóng cửa phiên giao dịch ngày 13/10/2014 tại mức 24.64, mức cao nhất kể từ tháng 6/2012.
Chỉ số VIX liên tục tạo những cây nến xanh dài trong 4 - 5 phiên gần đây cho thấy tâm lý nhà đầu tư trên thị trường Mỹ đang khá bi quan.
DJIA xuyên thủng nhóm MA dài hạn lần đầu trong 2 năm. Lần đầu tiên kể từ tháng 11/2012, chỉ số Dow Jones Công nghiệp (DJIA) đã phá vỡ hoàn toàn cả 3 đường MA dài hạn (SMA50, SMA100, SMA200) cùng lúc. Tín hiệu này cho thấy xu hướng dài hạn của thị trường Mỹ có thể thay đổi sau nhiều năm bứt phá liên tục và mạnh mẽ.
Bên cạnh đó, việc chỉ số DJIA phá vỡ vùng đáy cũ của tháng 08/2014 (tương đương vùng 16,350 – 16,550 điểm) và MACD rơi xuống dưới mức 0 cho thấy xu hướng ngắn hạn cũng khá bi quan.
Khối ngoại đang tăng cường bán ra trên thị trường Việt Nam
Kể từ ngày 10/09/2014, đường EMA 5 ngày và EMA 20 ngày của NetValForVN liên tục duy trì bên dưới đường 0. Điều này đánh dấu một giai đoạn bán ròng mạnh mẽ và liên tục của khối ngoại trên thị trường chứng khoán Việt Nam.
Trong khi đó, đáng chú ý là dòng vốn vào các quỹ ETF nước ngoài lớn đầu tư vào Việt Nam cũng đang có dấu hiệu ngưng trệ trong vài tuần qua, thậm chí còn bị rút bớt.
Do khối ngoại có ảnh hưởng rất lớn đến xu hướng của thị trường Việt Nam nên cần hết sức thận trọng nếu tình trạng bán ròng vẫn tiếp diễn trong thời gian tới.
Thanh khoản thị trường giảm khá mạnh, ngay cả những phiên giảm sâu
Một điểm đáng chú ý nữa của giai đoạn hiện nay là khối lượng khớp lệnh giảm liên tục trong các phiên gần đây và rơi xuống dưới mức trung bình 20 phiên gần nhất (tương đương 102 triệu đơn vị).
Ngay cả trong những phiên giảm mạnh thì khối lượng khớp lệnh cũng không tăng. Điều này cho thấy lực cầu đang yếu đi và nhà đầu tư thận trọng hơn trong ngắn hạn nên nguy cơ giảm điểm tăng lên mức cao.
Như vậy, những tín hiệu trên cho thấy thị trường có thể phải trải qua một giai đoạn khó khăn và triển vọng tăng trưởng bị hạn chế trong ngắn hạn. Nhà đầu tư, vì vậy, chỉ nên mua vào ở mức vừa phải và hạn chế đua lệnh để phòng ngừa rủi ro giảm điểm sâu.
Thế Phong
|