CIMB: Tín dụng thắt chặt có thể đẩy chứng khoán Việt Nam tăng mạnh
CIMB dự báo VN-Index có thể tăng 25-30% trong năm 2015
Các ngân hàng Việt Nam đã phải đối mặt với vấn đề nợ xấu trong một thời gian dài và điều này đã khiến tăng trưởng tín dụng suy yếu nhưng theo nhận định của CIMB Group Holdings BHD thì đó sẽ là yếu tố thúc đẩy thị trường chứng khoán Việt Nam tăng điểm mạnh hơn.
* Moody's: Chất lượng tín dụng của các ngân hàng Việt Nam sẽ cải thiện
* Chứng khoán Việt Nam có đủ chuẩn để MSCI nâng hạng thành thị trường mới nổi?
Nguyên nhân là do các mức lãi suất đang trên đà sụt giảm.
Trong báo cáo công bố tuần trước, CIMB cho biết: “Lạm phát đang sụt giảm và làn sóng mua mạnh trái phiếu Chính phủ của các ngân hàng đã đẩy lợi suất giảm mạnh”. Theo CIMB, lợi suất trái phiếu Chính phủ kỳ hạn 10 năm hiện đã giảm khoảng 2.6% trong năm 2014.
Trong khi việc mua vào trái phiếu là một dấu hiệu cho thấy các ngân hàng vẫn còn quá xa lánh các tài sản rủi ro nên chưa thể tiến hành hoạt động cho vay, CIMB cho biết “lợi suất giảm sẽ có lợi cho giá cổ phiếu theo nhiều cách, thậm chí khi điều này xuất phát từ đà tăng trưởng tín dụng yếu ớt - yếu tố có thể tác động tiêu cực đến nhu cầu nội địa”.
Vậy thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ tăng mạnh đến đâu? CIMB kỳ vọng VN-Index sẽ leo dốc 25-30% trong năm tới sau khi chỉ số này đã tăng khoảng 23% trong năm nay.
Ngân hàng này cho biết: “Lãi suất thấp hơn đã khuyến khích những người gửi tiền tiết kiệm mua vào cổ phiếu, đặc biệt là trong bối cảnh hiện nay khi nhiều nhà đầu tư trong nước không còn mặn mà với vàng. Bên cạnh đó, việc lợi suất trái phiếu sụt giảm 2% ám chỉ giá cổ phiếu có thể tăng tiếp ít nhất khoảng 25%.
Theo CIMB, người gửi tiền tiết kiệm Việt Nam thường thích đầu tư vào vàng nhưng đà biến động gần đây của giá kim loại quý cũng như các biện pháp kiểm soát chặt chẽ đối với các sàn giao dịch vàng trái phép của Chính phủ đã làm giảm sức hấp dẫn của kênh đầu tư này. Người gửi tiền tiết kiệm cũng thận trọng về một “vịnh tránh bão” thuyền thống khác là bất động sản khi kênh đầu tư này vẫn chưa phục hồi từ sau sự đổ vỡ của bong bóng khổng lồ năm 2010.
Ngoài ra, theo CIMB, tình trạng không có nhu cầu cho vay cũng đã thúc đẩy các ngân hàng cắt giảm lãi suất huy động xuống các mức kém hấp dẫn.
CIMB dự báo các ngân hàng có thể sử dụng khoản lợi nhuận có được từ việc mua trái phiếu Chính phủ để làm đẹp kết quả kinh doanh khi họ bắt đầu trích lập dự phòng nợ xấu. Và bất kỳ sự tiến triển nào trong việc xử lý nợ xấu cũng có thể trở thành chất xúc tác đối với giá cổ phiếu.
Trong khi đó, các tổ chức khác lại không chắc chắn rằng lãi suất thấp hơn có thể đẩy TTCK Việt Nam lên cao hơn.
Các nhà phân tích Maybank-KimEng cho biết trong báo cáo tuần trước: “Chúng tôi dự báo sẽ xảy ra một đợt cắt giảm lãi suất nữa và VND có thể giảm tiếp 0.45-0.5 %. Tuy nhiên, kinh nghiệm thực tế và các điều kiện hiện tại của thị trường cho thấy những điều này chỉ gây ra tác động nhẹ đối với TTCK trong ngắn hạn”.
Tuy nhiên, Maybank-KimEng khuyến nghị mua vào cổ phiếu Việt Nam trong các đợt sụt giảm với kỳ vọng “các cuộc cải cách thực sự” đang diễn ra. Đó là sự tiến triển hơn nữa của quá trình IPO các doanh nghiệp nhà nước, việc giải quyết nợ xấu và cải cách ngân hàng. Maybank-KimEng cho biết có 71 vụ IPO đã diễn ra trong 9 tháng đầu năm 2014, cao hơn cả tổng số vụ IPO trong hai năm trước.
Được biết, CIMB Group Holdings BHD là ngân hàng lớn thứ hai của Malaysia và ngân hàng có tài sản lớn thứ 5 ASEAN. Cuối tháng 7 vừa qua, Reuters cho biết CIMB Group Holdings BHD đã có kế hoạch xin giấy phép vào Việt Nam. Ngân hàng này cũng dự định sẽ mở rộng ra nhiều nước khác trong khu vực và Việt Nam là một mục tiêu ưu tiên.
Phước Phạm (Theo CNBC)
|