Cả Hà Nội và Tp.HCM đều chưa duyệt đề án tái cơ cấu kinh tế
Theo nghị trình kỳ họp thứ 8, ngày mai (1/11), Quốc hội sẽ giám sát tối cao về thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế.
Báo cáo giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về nội dung này đã chỉ ra khá nhiều hạn chế, vướng mắc ngay từ khâu đầu tiên: ban hành chính sách, pháp luật.
Cả hai thành phố lớn nhất nước cùng có tên trong danh sách chưa ban hành đề án tái cơ cấu kinh tế
|
Trong đó, rất đáng chú ý là đề án tổng thể tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế được Chính phủ phê duyệt từ tháng 2/2013, nhưng đến tận thời điểm này vẫn còn một số địa phương chưa phê duyệt đề án tái cơ cấu nền kinh tế.
Mặc dù, ở đề án tổng thể, Chính phủ đã yêu cầu các bộ, ngành, địa phương ngay trong nửa đầu năm 2013 xây dựng và triển khai thực hiện chương trình hành động tái cơ cấu theo lĩnh vực, ngành hoặc vùng lãnh thổ thuộc thẩm quyền quản lý nhà nước được giao.
Nhìn nhận việc chưa phê duyệt đề án tái cơ cấu nền kinh tế của một số địa phương là hạn chế, vướng mắc về chính sách, pháp luật, báo cáo giám sát nêu rõ tên các tỉnh, thành là Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, An Giang, Hà Nội, Tp.HCM…
Như vậy là cả hai thành phố lớn nhất nước cùng có tên trong danh sách chưa ban hành đề án.
Nhưng, “đặc biệt” nhất có lẽ là An Giang, với lý do “chưa có hướng dẫn” như VnEconomy đã phản ánh.
Bên cạnh một số địa phương, kết quả giám sát cũng cho thấy đề án tái cơ cấu của một số tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, ngân hàng thương mại diễn ra chậm.
Theo báo cáo của Chính phủ, tính đến tháng 9/2014, còn 20/108 tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước chưa được phê duyệt đề án tái cơ cấu.
Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam, Ngân hàng Phát triển nhà đồng bằng sông Cửu Long là những cái tên nằm trong danh sách chậm này.
Sự khác nhau về cơ sở pháp lý giữa các trọng tâm tái cơ cấu cũng được chỉ ra tại báo cáo kết quả giám sát.
Các nghị quyết của Đảng, Quốc hội đều nhấn mạnh sự đồng thời tập trung vào cả ba lĩnh vực quan trọng nhất của quá trình tái cơ cấu nền kinh tế trong giai đoạn 2011-2015, đó là đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước và hệ thống ngân hàng.
Tuy nhiên, trong khi các mục tiêu, quan điểm, định hướng và giải pháp cơ bản tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước và hệ thống ngân hàng được thể hiện trong các đề án khá hoàn chỉnh theo quyết định của Thủ tướng thì nội dung về tái cơ cấu đầu tư công chưa có đề án riêng và chỉ được quy định trong các chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ.
Việc này, trong chừng mực nào đó thiếu mô tả, định lượng cụ thể và thiếu các biện pháp, giải pháp trong quá trình thực hiện và nhất là không có lộ trình tái cơ cấu đầu tư công một cách cụ thể, báo cáo nêu rõ.
Lãnh đạo Bộ Kế hoạch và đầu tư, trong một vài phiên họp liên quan đến đề án tái cơ cấu nền kinh tế đã từng đề cập đến chỉ thị Chỉ thị 1792/CT-TTg của Thủ tướng như làm một trong những lý do để không ban hành đề án riêng về tái cơ cấu đầu tư công.
Nhưng, kết quả giám sát cho thấy chỉ thị này có những vướng mắc như quy định nguyên tắc quản lý đầu tư chưa hợp lý, việc bố trí vốn vượt quá thời gian quy định phải điều chỉnh tổng mức đầu tư khó triển khai thực hiện, gây lãng phí phần vốn đã đầu tư.
Đối với các dự án đầu tư từ nguồn Trung ương bổ sung có mục tiêu do các địa phương quyết định, theo quy định của Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan chủ trì thẩm định nguồn vốn nên với các dự án có quy mô nhỏ nếu thực hiện theo đúng quy trình sẽ kéo dài thời gian, ảnh hưởng đến tiến độ triển khai, đoàn giám sát tiếp tục nêu vướng mắc.
Trong lĩnh vực tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, báo cáo giám sát cho rằng việc ban hành, sửa đổi, bổ sung chính sách, văn bản hướng dẫn còn chậm nên cả cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp đều gặp khó khăn, lúng túng trong giải quyết các vấn đề phát sinh như vướng mắc về đất đai, tài chính trong cổ phấn hóa, sắp xếp doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, các vấn đề phát sinh trong đấu giá, định giá tài sản doanh nghiệp, tổ chức, hoạt động của doanh nghiệp nhà nước liên quan đến thực hiện quyền chủ sở hữu nhà nước, quản lý tài chính của doanh nghiệp cũng còn lúng túng trong giải quyết làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện cổ phần hóa và tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước.
Với tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, theo kết quả giám sát thì còn thiếu quy định pháp luật về hạn chế, kiểm soát có hiệu quả vấn đề sở hữu chéo, đầu tư chéo.
Luật Các tổ chức tín dụng quy định tổ chức tín dụng thông qua các hình thức khác để trở thành cổ đông (như ủy thác mua, nhận chuyển nhượng, cấp tín dụng…) nhưng trên thực tế, nhiều đối tượng dùng các thủ đoạn lách quy định giới hạn sở hữu, hạn chế cho vay, đầu tư bằng cách nhờ người khác đứng tên hộ hoặc thông qua các công ty sân sau hoặc thông đồng, liên kết với các đối tượng khác,…báo cáo giám sát giải thích.
Ngoài ra, kết quả giám sát còn cho thấy nhiều văn bản pháp luật liên quan đến hoạt động tiền tệ, ngân hàng còn những bất cập chưa được sửa đổi, bổ sung hoặc cần những quy định mới nhưng chưa được ban hành để hỗ trợ cho việc cơ cấu lại, xử lý nợ xấu, xử lý tài sản bảo đảm, sở hữu nhà ở của người nước ngoài…
Việc xử lý nợ xấu qua VAMC còn nhiều khó khăn, chưa có cơ chế thích hợp để tổ chức tín dụng và VAMC chủ động bán nợ theo giá thị trường, báo cáo nêu rõ.
Nguyên Vũ
vneconomy
|