Thứ Năm, 30/10/2014 15:15

Doanh nghiệp không khỏe, nền kinh tế sao khỏe được!

Có nhiều biểu hiện cho thấy nền kinh tế khỏe hay không khỏe, chứ không hẳn chỉ dựa vào chỉ tiêu tăng trưởng GDP.

* Bao giờ người dân mới biết được “bức tranh thật nhất” của nền kinh tế?

* Phía sau thành tích tăng trưởng

Tổng cầu yếu đã khiến nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn vì không bán được hàng.

Tuần qua, các đại biểu Quốc hội, chuyên gia cũng như người dân có nhiều lo lắng về nợ công của đất nước. Tuy nhiên, nợ của doanh nghiệp trong nước nói chung, và doanh nghiệp nhà nước nói riêng, càng đáng lo hơn. Hiện nay, không cơ quan nào công bố cơ cấu của cục nợ này, bao nhiêu là nợ trong nước, bao nhiêu là nợ nước ngoài? Lãi suất phải trả của mỗi khoản nợ ra sao?

Số liệu của Tổng cục Thống kê trong “Sự phát triển của Doanh nghiệp Việt Nam giai đoạn 2006-2011” và số liệu cập nhật cho năm 2012, cho thấy nợ của khối doanh nghiệp nhà nước đến năm 2012 vào khoảng 192 tỉ đô la Mỹ, bằng khoảng 124% GDP.

Nếu loại trừ yếu tố giá bằng chỉ số giảm phát GDP, thì lượng nợ năm 2012 giảm 2% so với năm 2011.

Nếu tính cả doanh nghiệp ngoài nhà nước thì tổng nợ phải trả của khối doanh nghiệp nội đến năm 2012 khoảng 415 tỉ đô la Mỹ, khoảng 269% GDP. Và nếu lãi suất bình quân khoảng 3-4% thì khối doanh nghiệp nội phải trả lãi hàng năm từ 12-16 tỉ đô la.

Tỷ lệ giữa nợ phải trả và nguồn vốn chủ sở hữu giai đoạn 2006-2011 của khối doanh nghiệp nhà nước là 3,3 trong khi của khối doanh nghiệp ngoài nhà nước là 3. Năm 2012 tỷ lệ này có giảm xuống đôi chút (2,95 khối doanh nghiệp nhà nước và 2,03 cho khối doanh nghiệp ngoài nhà nước).

Tuy việc vay nợ trong năm 2012 có giảm chút ít nhưng khối nợ vẫn tăng lên. Quan trọng hơn là các doanh nghiệp trong nước làm ăn rất khó khăn, tỷ suất lợi nhuận thấp (của doanh nghiệp nhà nước năm 2011 chỉ khoảng 3%, doanh nghiệp ngoài nhà nước là 1%), vậy làm sao để trả nợ?

Chưa hết, các chính sách ưu đãi không hợp lý của Nhà nước đôi khi cũng dẫn đến nhiều hệ lụy khác, ví dụ như giá bán sản phẩm cho người Việt Nam cao hơn giá bán cho người nước ngoài. Cụ thể với mặt hàng gạo, có thể thấy chỉ số giá xuất khẩu gạo luôn thấp hơn chỉ số giá CPI từ 7-10 điểm phần trăm.

Ông Nguyễn Đức Thành, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu chính sách, cũng đồng quan điểm này khi cho rằng doanh nghiệp xuất khẩu gạo đang được hưởng những chính sách về thuế và nhiều loại chi phí đầu tư từ Chính phủ (tức là tiền thuế của dân trong nước). Những khoản này không được hạch toán vào giá thành của gạo. Như vậy, một phần đóng góp của người dân trong nước lại đang được dùng để trợ cấp cho người tiêu dùng nước ngoài?

Xem lại số liệu từ 2005-2013 cho thấy một số bất cập sau và đây là những minh chứng rất rõ, cùng với những biểu hiện và phân tích ở trên, cho nhận định nền kinh tế đang không khỏe, thay vì “có chuyển biến tích cực”.

- GDP theo giá hiện hành năm 2013 tăng gấp 3,9 lần năm 2005 và bình quân hàng năm tăng 18,6%. Trong khi đó, chi trả sở hữu ra nước ngoài thuần trong giai đoạn này tăng 9 lần và bình quân cả giai đoạn tăng 32%.

- GDP đã loại trừ yếu tố giá năm 2013 tăng 1,6 lần so với 2005 và bình quân hàng năm tăng 6%. Còn chi trả sở hữu ra nước ngoài thuần theo giá so sánh 2010 cũng trong giai đoạn này tăng 3,7 lần và bình quân hàng năm tăng 18%.

- Tỷ lệ giữa thu nhập quốc gia (GNI) và GDP ngày càng rộng. Năm 2005, tỷ lệ giữa GNI và GDP là 98%, đến năm 2013 tỷ lệ này chỉ khoảng 95%.

Nếu phần chênh lệch giữa GNI và GDP là số dương, có nghĩa là phía Việt Nam có thu nhập sở hữu thuần túy với nước ngoài. Ngược lại, nếu nó là số âm, tức là phía Việt Nam phải chi trả sở hữu cho nước ngoài nhiều hơn phần thu được từ sở hữu của mình.

Phần chênh lệch này (trong Niên giám Thống kê gọi là thu nhập thuần túy từ nước ngoài) từ năm 2000 đến 2013 luôn luôn là một số âm. Nếu năm 2000 phía Việt Nam phải chi trả cho nước ngoài 6.300 tỉ đồng, thì đến năm 2013 con số này lên đến gần 150.747 tỉ đồng. Tình hình này vẫn không có dấu hiệu thay đổi và luồng tiền chảy ra nước ngoài hàng năm vẫn không có dấu hiệu đổi chiều.

Như vậy, các chỉ tiêu phản ánh sức khỏe nền kinh tế thì có đồ thị đi xuống, còn các chỉ tiêu phản ánh luồng tiền chảy ra nước ngoài lại là một đường đi lên. Điều này phản ánh sức khỏe nền kinh tế là rất đáng lo ngại cả về quá trình tạo thành thu nhập từ sản xuất và phân phối lại thu nhập từ sở hữu.

Ngoài ra, những chính sách hướng tới quản lý cầu triền miên trong những năm qua sẽ khiến rủi ro ngày càng tăng trong tương lai do nguy cơ lạm phát có thể quay lại bất cứ lúc nào và thâm hụt thương mại ngày càng trầm trọng đối với khu vực kinh tế trong nước. Trong bối cảnh Việt Nam hiện nay khi phía cung yếu kém, mọi can thiệp vào phía cầu không làm tăng sản lượng và thu nhập từ sản xuất mà chỉ tiềm ẩn làm tăng giá và thâm hụt thương mại. Từ đó có thể thấy chỉ tiêu tăng trưởng GDP hiện nay có rất ít ý nghĩa, càng không thể lấy làm tiêu chí duy nhất để đánh giá hoặc đo lường sức khỏe của nền kinh tế.

Bùi Trinh - Minh Thiện

tbktsg

Các tin tức khác

>   Đại biểu Quốc hội lo phía sau của “ổn định” kinh tế (30/10/2014)

>   Môi trường kinh doanh Việt Nam kém xa Malaysia, Thái Lan (30/10/2014)

>   Hôm nay Quốc hội thảo luận về kinh tế xã hội (30/10/2014)

>   Thủ tướng: Tăng trưởng sẽ đạt mục tiêu 5,8%, thậm chí có thể cao hơn (29/10/2014)

>   Ông Trương Văn Phước: “Chúng ta không vỡ nợ đâu” (29/10/2014)

>   Chẩn đoán “sức khỏe” nền kinh tế thông qua 5 chỉ số thống kê (08/11/2014)

>   Tổng cầu phục hồi chậm, sản xuất vẫn khó (28/10/2014)

>   Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh: "Nợ nước ngoài chưa đáng ngại" (28/10/2014)

>   Bao giờ người dân mới biết được “bức tranh thật nhất” của nền kinh tế? (27/10/2014)

>   Tăng trưởng kinh tế mất 0,57% mỗi năm do tham nhũng (26/10/2014)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật