Việt Nam tiến 2 bậc trong bảng xếp hạng cạnh tranh toàn cầu của WEF
Báo cáo Cạnh tranh toàn cầu (GCR) 2014-2015 được Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) công bố ngày thứ Tư cho thấy mức độ cạnh tranh của Việt Nam đã tăng hai bậc so với giai đoạn 2013-2014.
* WEF cảnh báo khả năng cạnh tranh của Thụy Sĩ đang bị đe dọa
Theo đó, Chỉ số cạnh tranh toàn cầu (Global Competitiveness Index - GCI) của Việt Nam đạt 4.23 điểm và xếp ở vị trí 68 trong số 144 nền kinh tế được WEF khảo sát hàng năm.
Chi tiết về Chỉ số cạnh tranh toàn cầu (GCI) của Việt Nam trong bảng xếp hạng
Nguồn: World Economic Forum (WEF)
|
>>> Xem chi tiết báo cáo của WEF
Báo cáo cho thấy, Mỹ và Anh tiếp tục leo cao trong bảng xếp hạng các nền kinh tế cạnh tranh nhất thế giới. Theo đó, nền kinh tế lớn nhất thế giới leo 2 bậc trong năm thăng hạng thứ hai liên tiếp lên vị trí thứ 3 sau Thụy Sỹ và Singapore.
Được biết, đây là năm thứ hai liên tiếp, Thụy Sỹ và Singapore lần lượt chiếm giữ hai ngôi vị cao nhất trong bảng xếp hạng của WEF, diễn đàn được biết đến nhiều nhất với hội nghị kinh tế thường niên tại Davos.
Năng lực cạnh tranh của Anh cũng tăng một bậc lên vị trí thứ 9. Đáng chú ý, Nhật Bản ghi nhận sự cải thiện mạnh mẽ nhất trong số 10 nền kinh tế hàng đầu khi tiến lên vị trí thứ 6.
Tương tự như Mỹ, Anh và Nhật Bản cũng đã áp dụng các biện pháp kích thích tiền tệ được biết đến với tên gọi “nới lỏng định lượng” (QE) nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và ngăn ngừa rủi ro giảm phát.
Tuy nhiên, WEF cảnh báo kinh tế toàn cầu vẫn còn đối mặt với nhiều rủi ro bất chấp các gói kích thích tiền tệ và các biện pháp cải cách được áp dụng trong nhiều năm qua.
Ở chiều hướng ngược lại, Phần Lan và Đức đều giảm một bậc, lần lượt xuống vị trí thứ 4 và thứ 5. WEF cho biết Đức đã vượt qua cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu 2007-2008 tương đối tốt nhưng hệ thống giáo dục lại trượt bậc do số lượng đăng ký vào đại học thấp hơn kỳ vọng.
Top 10 nền kinh tế cạnh tranh nhất thế giới theo bảng xếp hạng của WEF:
Nguồn: World Economic Forum (WEF)
|
1. Thụy Sỹ – 2. Singapore – 3. Mỹ – 4. Phần Lan – 5. Đức
6. Nhật Bản – 7. Hồng Kông – 8. Hà Lan – 9. Anh – 10. Thụy Điển
Phước Phạm (Theo WEF, CNBC, BBC)
|