Vì sao CPI tháng 8 tăng thấp so với các năm trước?
Tổng cục Thống kê vừa công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8/2014 đã tăng 0,22% so với tháng trước và tăng 4,31% so với cùng tháng năm trước. Như vậy, sau 8 tháng, CPI cả nước mới chỉ tăng 1,84%, thấp nhất trong vòng 5 năm qua.
Diễn biến CPI của cả nước các tháng qua - Nguồn: Tổng cục Thống kê
|
Mức tăng CPI tháng này chỉ tương đương mức tăng của tháng trước đã gây bất ngờ đối với không ít người bởi trong tháng 8 của ba năm gần đây, CPI luôn tăng ở mức cao, thậm chí gần 1% so với tháng trước. Tuy nhiên, diễn biến giá cả năm nay có sự khác biệt lớn so với các năm trước.
Nếu như các năm trước, CPI chịu tác động mạnh mẽ, chủ yếu từ các mặt hàng do nhà nước quản lý như học phí (năm 2011) hay do dịch vụ khám chữa bệnh (năm 2012 và 2013) thì năm nay, cả hai yếu tố trên chỉ tác động rất nhỏ đến CPI.
Đơn cử, tác động của nhóm giáo dục năm nay chỉ bằng 1/6 tác động của năm 2011 còn tác động của nhóm y tế năm nay thậm chí chỉ bằng 1/25 tác động của năm 2012 và bằng 1/18 tác động của năm 2013.
Như đã từng phân tích, tác động của những mặt hàng do nhà nước quản lý đến CPI chỉ mang tính thời điểm nên khi các tỉnh cơ bản đã điều chỉnh tăng gần hết các dịch vụ trên thì tác động của nó đến CPI là không nhiều.
Như vậy, có thể nói, CPI tháng 8 năm 2014 ít chịu tác động từ các yếu tố phi thị trường, điều này được thể hiện rõ qua diễn biến giá cả của các nhóm hàng chính như sau.
Hàng ăn và dịch vụ ăn uống là nhóm có mức tăng mạnh nhất trong tháng ở mức 0,45% so với tháng trước trong đó lương thực tăng 0,45%, thực phẩm tăng 0,54% và ăn uống ngoài gia đình tăng 0,16%.
Kết thúc 5 tháng giảm liên tiếp, nhóm hàng lương thực tăng trở lại khi đón nhận những tín hiệu tốt từ việc xuất khẩu gạo sang các thị trường lớn như Philippines hay Malaysia. Mặc dù vụ đông xuân vừa qua, cả năng suất và sản lượng tại hai vựa lúa lớn của cả nước đền tăng mạnh, cung cấp nguồn cung dồi dào đảm bảo đáp ứng được cả nhu cầu trong nước và xuất khẩu.
Trong khi đó, nhóm hàng thực phẩm vẫn tiếp tục giữ đà tăng giá so với tháng trước. Chi phí chăn nuôi vẫn ở mức cao cộng với chi phí vận chuyển tăng là những nguyên nhân khiến giá các mặt hàng thực phẩm chưa có cơ hội giảm giá.
Nhóm tăng giá cao thứ hai là nhóm may mặc, mũ nón, giày dép khi đạt mức 0,32% so với tháng trước. Thời tiết đã chuyển mùa thu cũng là lúc bắt đầu vào năm học mới khiến nhu cầu mua sắm quần áo mới ở một số địa phương có tăng cao hơn trước là nguyên nhân chủ yếu khiến chỉ số giá nhóm này tăng cao hơn hẳn so với mức tăng của tháng trước.
Ở phía các nhóm hàng giảm giá, yếu tố thế giới đã thể hiện rõ tác động đến giá cả trong nước trong tháng qua. Giá gas nhập khẩu liên tục giảm khiến giá gas bán lẻ của các hãng đồng loạt giảm khoảng 12 nghìn đồng/ bình 12kg từ đầu tháng qua là nguyên nhân chính khiến chỉ số giá nhóm nhà ở, vật liệu xây dựng, điện, nước và chất đốt giảm 0,31% so với tháng trước.
Cũng do ảnh hưởng từ giá thế giới, giá xăng dầu bán lẻ trong nước được điều chỉnh giảm 2 lần trong tháng lấy giá qua cũng là nguyên nhân chính khiến chỉ số giá nhóm giao thông giảm nhẹ 0,02% so với tháng trước. Giá cước vận chuyển hành khách bằng xe khách và taxi vẫn chưa được điều chỉnh theo giá xăng dầu.
Trong tháng, hai mặt hàng đặc biệt là vàng và đô la Mỹ đã diễn biến cùng chiều khi cùng giảm so với tháng trước ở các mức tương ứng 0,34% và 0,26%.
Thái Hà
vneconomy
|