Chuyên gia: CPI tháng 8 tiếp tục gia tăng, kinh tế vĩ mô đang dần ổn định
Theo ý kiến của một số chuyên gia, CPI tiếp tục tăng nhẹ trong tháng 8/2014 chủ yếu do giá cả mặt hàng thiết yếu biến động không mạnh. Ngoài ra, kinh tế vĩ mô cũng đang ổn định và tốt dần lên.
Bà Nguyễn mai Phương – Giám đốc nghiên cứu CTCK Maritimebank (MSBS): “Tâm điểm của CPI quý 3 sẽ rơi vào tháng 9, còn trong tháng 8 sẽ không có nhiều yếu tố tạo áp lực đến chỉ số CPI. Với những động thái giảm giá xăng dầu trong tháng 8/2014 cùng với diễn biến giá cả của một số mặt hàng thì tôi cho rằng CPI tháng này sẽ tăng rất thấp so với tháng trước đó. Cụ thể CPI tháng 8 sẽ tăng không quá 0.15% so với tháng trước đó và tăng 4.3-4.5% so với cùng kỳ năm trước”.
Theo bà Phương, trong tháng 8, mặc dù đã có sự thay đổi về giá xăng dầu, đồng thời một số mặt hàng thiết yếu cũng có điều chỉnh giá tăng nhẹ. Nhưng những thay đổi này cũng không tác động quá lớn đến CPI. Nếu nói đến nhóm hàng có tác động lớn nhất đến CPI tháng 8, thì nhóm hàng ăn và ăn uống dịch vụ sẽ có ảnh hưởng lớn nhất bởi Việt Nam đang trong mùa mưa bão nên nhu cầu về thực phẩm như thịt, rau xanh có thể sẽ tăng. Hơn nữa giá gạo đã tăng nhẹ trở lại do nhu cầu xuất khẩu sang các nước tăng. Các nhóm hàng khác trong rổ tính CPI vẫn sẽ được duy trì ổn định, không có quá nhiều biến động so với tháng trước.
Về những diễn biến của CPI trong thời gian gần đây, bà Phương nhìn nhận là CPI đang chững lại, việc này cho thấy tổng cầu của nền kinh tế vẫn đang ở mức thấp, mặc dù theo thống kê, sức mua trên thị trường đã có sự cải thiện, nhưng mức độ cải thiện vẫn còn rất thấp, không đáng kể. Trước những diễn biến của CPI như vậy thì có thể thấy một vấn đề không mới đó là tổng cầu của nền kinh tế đang rất thấp, của cả khối tư nhân và Chính phủ. Tuy nhiên thì không thể nói nền kinh tế đang đi ngang, mà bà vẫn cho rằng nền kinh tế vẫn đang dần hồi phục, nhưng tốc độ hồi phục của nó vẫn còn chậm.
Bà Phương đưa ra một số dẫn chứng:
+ Hoạt động xuất nhập khẩu. Mặc dù trong những tháng gần đây liên tục nhập siêu, nhưng một số mặt hàng nhập khẩu của Việt Nam có tỷ trọng lớn lại là nguyên nhiên vật liệu phục vụ cho hoạt động sản xuất. Vì vậy, nhu cầu sản xuất trong nước vẫn đang chuyển biến theo hướng tích cực.
+ PMI tháng 7 đạt 51.7 điểm cho thấy Việt Nam vẫn đang mở rộng sản xuất, lĩnh vực sản xuất vẫn đang tăng tốc so với những tháng đầu năm. Hơn nữa phía Chính Phủ và Ngân hàng nhà nước cũng đã tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tiếp cận được với các nguồn vốn giá rẻ. Nên triển vọng nền kinh tế từ nay cho đến cuối năm vẫn theo chiều hướng đi lên nhưng đi lên với tốc độ chậm.
Cùng quan điểm CPI sẽ gia tăng nhưng có phần tích cực hơn, ông Phan Dũng Khánh – Giám đốc Tư vấn Đầu tư CTCK Maybank Kimeng (MBKE) cho rằng: “CPI tháng 8 sẽ tăng nhẹ và xoay quanh mức tăng của tháng 7 (0.23%)”.
Ông Khánh nhìn nhận, CPI biến động tăng - giảm trong thời gian gần đây nhưng mức chênh lệch thấp cho thấy kinh tế vĩ mô đang dần ổn định và tốt lên. Với diễn biến này, theo ông trong tương lai CPI sẽ đi nhanh hơn nhưng mức tăng không quá nóng để đảm bảo tính ổn định cho thị trường.
Về biến động giảm giá xăng - dầu, theo ông cũng có ảnh hưởng đến CPI nhưng không nhiều do trước đó xăng tăng giá nhưng thị trường cũng không có biến động đáng kể. Bên cạnh giá xăng - dầu, ảnh hưởng đến CPI trong tháng 8 còn có nhóm ngành năng lượng, vận tải nhưng tác động cũng không nhiều. Theo đó, CPI tháng 8 sẽ tăng và dao động quanh mức 0.23% so với tháng trước chứ không có bứt phá hay suy giảm mạnh.
“CPI tháng 8 có mức tăng tốt hơn tháng 7 và kỳ vọng tăng 0.4-0.5% so với tháng 7 nhưng so với cùng kỳ giảm mạnh chỉ còn 4.5-4.6%” là ý kiến dự báo của ông Trần Minh Hoàng - Trưởng bộ phận nghiên cứu và chiến lược thị trường CTCK Vietcombank (VCBS) .
Ông Hoàng đưa ra một số nguyên nhân như: Cầu trong nước còn yếu nên các mặt hàng như giày, dép, quần áo,… và các dịch vụ du lịch, khách hàng,… không có đột biến.
Nhiều khả năng nhóm hàng giáo dục sẽ gia tăng do tính chất mùa vụ (vào năm học mới), đóng góp vào mức tăng 0.4-0.5% của chỉ số, bên cạnh đó, nhóm ngành nhà ở và vật liệu xây dựng dự báo cũng sẽ có những bước tiến khi bước vào mùa xây dựng hay giá thuê nhà gia tăng nhưng mức tăng của nhóm ngành này cũng sẽ không lớn.
Gia tăng và tác động đáng kể nhất đến CPI tháng 8, theo ông đánh giá là nhóm ngành dịch vụ y tế do Hà Nội điều chỉnh tăng giá viện phí lên 20%. Đây là 3 nhóm ngành chính đóng góp vào mức tăng của chỉ số CPI tháng 8.
Mặc dù CPI tháng 8 tăng so với tháng trước nhưng so với cùng kỳ năm ngoái (tăng 0.8-0.9%) có sự chênh lệch lớn. Tuy nhiên điều này cũng không quá lo ngại, việc CPI ở mức thấp và có xu hướng giảm trong thời gian tới sẽ là yếu tố thuận lợi để hạ lãi suất huy động mà không gây thay đổi về chính sách (Việt Nam có chính sách lãi suất thực dương và hơi neo theo CPI). Việc lãi suất huy động giảm sẽ là yếu tố thuận lợi cho TTCK, đặc biệt là yếu tố dòng tiền.
Ông Huỳnh Ngọc Thương – Trưởng phòng phân tích CTCK Nhất Việt (VFS): “CPI tháng 8 sẽ tăng trưởng 0.26% so với tháng 7 và tăng 4.35% so với cùng kỳ năm trước”.
Theo ông Thương, mặc dù có hiệu chỉnh giá xăng giảm ngày 29/7 nhưng do tác động tăng giá tháng 6 và trước đó vẫn còn, cộng với ảnh hưởng thời tiết bất lợi đã tác động đến nhóm hàng giao thông và theo ông trong tháng 8 nhóm này sẽ tăng 0.32%.
Nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng cũng sẽ tăng 0.31% trong tháng 8. Bên cạnh đó, do Hà Nội điều chỉnh tăng giá viện phí nên nhóm dịch vụ y tế sẽ có biến động và mức độ tăng của nhóm này lên đến 0.54%.
Ngoài ra, do vào mùa khai giảng nên nhóm ngành giáo dục cũng có mức tăng khá mạnh (0.5%), nhóm hàng may mặc cũng tăng 0.25% trong tháng 8. Về nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống, ông cho rằng mức độ tăng giá trong tháng 8 sẽ là 0.3%, chủ yếu do ảnh hưởng tăng lên của thực phẩm (0.42%).
Tóm lại, CPI tháng 8 sẽ tăng trưởng 0.26% so với tháng 7, tăng 4.35% so với cùng kỳ năm trước.
Ông Thương cũng đưa ra nhận định về nền kinh tế nói chung bằng việc kết hợp một số chỉ tiêu vĩ mô khác ngoài CPI như GDP, lãi suất, doanh số bán hàng, tình trạng xuất - nhập, tổng cầu của nền kinh tế và kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp. Theo đó, ông cho rằng, nền kinh tế đang trong quá trình phục hồi và sự phục hồi đó được hỗ trợ mạnh từ nhu cầu bên ngoài hơn là nhu cầu nội địa. CPI trong thời gian tới nhiều khả năng sẽ tăng lên với mức độ nhẹ và ổn định. Đây là cơ sở để Ngân hàng nhà nước tiếp tục thực thi chính sách lãi suất thấp và nới lỏng đến hết 2014.
Duy Hoàng
|