Sức mua giảm mà vốn ngoại vẫn đổ vào
Tại cuộc họp Chính phủ tháng 7 vừa qua, Chính phủ đánh giá nền kinh tế sẽ khó đạt tốc độ tăng trưởng 5,8% trong năm nay nếu không có sự đột phá nào trong công tác điều hành. Biểu hiện cụ thể, theo Chính phủ, là tổng cầu chưa có chuyển biến đáng kể, chỉ số giá tiêu dùng tăng thấp.
Quả thực chỉ nói riêng về sức mua của nền kinh tế, theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tuy sức mua của tháng sau vẫn cao hơn tháng trước, nhưng mức tăng này cứ ngày một teo dần.
Một góc siêu thị Aeon Mall tại Tân Phú, TPHCM mới khai trương đầu năm 2014
|
Tính riêng trong tháng 7, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng chỉ tăng 0,3% so với tháng trước, chủ yếu ở mảng dịch vụ lưu trú và ăn uống, còn hàng hóa hầu như không tăng giá, mặc dù hồi đầu tháng, xăng đã tăng giá mạnh nhưng tác động “lan tỏa” lại không mạnh như những lần trước đây.
Nhìn lại những tháng trước, ngoại trừ hai tháng đầu năm nay thị trường bán lẻ hàng hóa có sức mua tích cực, các tháng còn lại hàng hóa tiêu thụ đều thấp. Nguyên nhân chủ yếu vẫn là nền kinh tế chưa hết khó khăn, việc làm và thu nhập của người lao động bị ảnh hưởng nên xu hướng thắt lưng buộc bụng lại trở thành chủ đạo trong phần lớn cư dân.
Tính chung bảy tháng đầu năm, sức mua của thị trường trong nước tăng 11,4% so với cùng kỳ năm trước, song nếu loại trừ yếu tố giá thì con số này chỉ còn 6,3%, một mức thấp nếu so với những năm trước (thường trên 10%).
Hàng loạt các siêu thị, trung tâm thương mại... dù đã tung ra nhiều chương trình khuyến mại để kích cầu nhưng sức mua vẫn không cải thiện được bao nhiêu.
Thị trường ế ẩm khiến các doanh nghiệp không có động cơ để nghiên cứu sản phẩm mới, gia tăng sản xuất hay đầu tư mở rộng... Tuy nhiên, điều này lại chưa hẳn đúng với các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, đặc biệt trong lĩnh vực phân phối.
Trong lúc các nhà bán lẻ trong nước còn đang tập trung để giữ doanh thu không sụt giảm, còn khá hơn là tăng doanh thu, thì các nhà bán lẻ nước ngoài cũng âm thầm mở rộng sự hiện diện của họ ở thị trường Việt Nam.
Nhiều thương hiệu lớn của nước ngoài đã xuất hiện và tấn công thị trường bán lẻ Việt Nam từ đầu năm đến nay như tập đoàn Mapletree của Singapore (liên doanh với Saigon Coop), hay Robins Department Store, thành viên của tập đoàn bán lẻ Central đến từ Thái Lan, (sắp mở trung tâm thứ hai tại TPHCM vào tháng 11 tới, sau khi đã mở trung tâm đầu tiên tại Hà Nội). Một tên tuổi lớn khác của Nhật là Aeon Mall cũng đã khai trương trung tâm thương mại đầu tiên ngay ngày đầu năm 2014 tại quận Tân Phú, TPHCM và đang tiếp tục mở cái thứ hai, dự kiến sẽ khai trương trong quí 4-2014, tại tỉnh Bình Dương.
Còn với các nhà kinh doanh thức ăn nhanh, cà phê, kem... như McDonald’s, Starbucks, Baskin Robbin, hay Dairy Queen... đều tăng tốc mở thêm cửa hàng trong các tháng vừa qua.
Có lẽ, câu nói “khó khăn của người này lại là cơ hội của người khác” đã đúng trong trường hợp này.
Quế Thanh
tbktsg
|