Chuyên gia WB, AmCham góp ý về kinh tế Việt Nam
Ông Sandeep Mahajan- Trưởng nhóm kinh tế vĩ mô của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam và ông Adam Sitkoff - Giám đốc điều hành Phòng Thương mại Mỹ (AmCham) tại Hà Nội nói rằng, để theo mô hình thành công của các láng giềng Đông Á, Việt Nam cần xóa bỏ các rào cản về kinh tế, nhân lực…
Ông Sandeep Mahajan - Trưởng nhóm kinh tế vĩ mô của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam
|
Ông nhận định thế nào về tình hình và chính sách kinh tế Việt Nam năm 2014 và những năm sau đó?
Đại diện WB: Việt Nam tiếp tục củng cố sự ổn định của kinh tế vĩ mô, với mức lạm phát vừa phải, tài khoản cán cân thanh toán vãng lai được đẩy mạnh, thị trường ngoại hối ổn định hơn. Việc giảm mạnh tỷ lệ lạm phát (từ mức đỉnh 23% trong tháng 8/2011 xuống 4,9% vào tháng 5/2014) thể hiện hai nhân tố chính.
Thứ nhất, sự trì trệ về kinh tế vẫn còn đáng kể khi mà GDP vẫn ở dưới xu hướng dài hạn vì nhu cầu nội địa thấp. Thứ hai, áp lực chính sách hạ mức thuế để khuyến khích sản xuất và đầu tư đã dịu lại, nhờ sự ổn định về giá thực phẩm và năng lượng. Cán cân thanh toán và ngoại thương mạnh lên đã giúp tăng dự trữ ngoại hối lên mức khoảng 3 tháng nhập khẩu, tăng so với mức 2,4 tháng hồi tháng 12/2013. Chúng tôi dự đoán tăng trưởng GDP đi ngang ở mức 5,4% trong năm 2014, rồi tăng nhẹ lên 5,5% trong năm 2015.
Đại diện AmCham: Việt Nam nên đẩy mạnh những cải cách cần thiết để tạo ra môi trường cạnh tranh hơn, nơi các quyết định được đưa ra nhanh hơn, các thủ tục bớt phức tạp, các luật lệ, quy định được thực hiện công bằng và các công ty cạnh tranh bình đẳng, bao gồm việc tiếp cận vốn, đất đai và cơ hội. Các thành viên của chúng tôi cần nhìn thấy các sáng kiến có nội dung tăng cường khuyến khích doanh nghiệp tư nhân và chuẩn bị cho Việt Nam đón nhận những cơ hội thương mại và đầu tư mới. Những cơ hội này có thể đến qua các hiệp định như TPP (Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương).
Theo ông, đâu là những điểm yếu của kinh tế Việt Nam?
Ông Adam Sitkoff - Giám đốc điều hành Phòng Thương mại Mỹ tại Hà Nội
|
Đại diện WB: Về ngắn hạn, tăng trưởng thấp liên quan tới nhu cầu nội địa thấp (đầu tư trong nước chậm, tiêu thụ tư nhân yếu). Khu vực trong nước dù có cải thiện nhưng vẫn chưa tìm được chỗ đứng vững chắc vì một số yếu tố, trong đó có tính cạnh tranh và năng suất thấp, thiếu khả năng ở một số doanh nghiệp nhà nước. Hoạt động tín dụng vẫn ở mức thấp, vì các ngân hàng, với bản cân đối kế toán trĩu nặng mức nợ xấu cao, ngày càng không thích mạo hiểm và không dùng đòn bẩy.
Thị trường bất động sản vẫn còn trầm lắng sau một số năm có tăng trưởng tín dụng và đầu tư quá mức. Thâm hụt ngân sách tăng trong năm 2014 và tiếp tục đối mặt áp lực thu ngày càng tăng, do hoạt động kinh tế yếu đi, các mức thuế chính bị giảm và doanh nghiệp gặp khó khăn.
Tăng trưởng dài hạn vẫn bị cản trở bởi nhiều vấn đề cấu trúc trong các doanh nghiệp nhà nước cũng như lĩnh vực ngân hàng, sự yếu kém về chính sách tiếp tục ảnh hưởng đầu tư tư nhân trong nước và sự cạnh tranh trong các lĩnh vực trọng yếu; khoảng cách kỹ năng ngày càng rộng, khó khăn trong tiếp cận tài chính, chi phí hậu cần thương mại tương đối cao, nhiều doanh nghiệp nhà nước vẫn ở chiếu trên và tình trạng quan liêu chưa giảm.
Đại diện AmCham: Việt Nam cần nỗ lực hơn nữa trong cuộc chiến chống tham nhũng, bằng cách áp dụng các hệ thống giảm cơ hội cho những thanh toán bất hợp pháp. Các bạn có những bước đi làm giảm đáng kể việc thanh toán bằng tiền mặt. Việt Nam cũng cần đảm bảo rằng, các cam kết WTO (Tổ chức Thương mại Thế giới) được thực hiện đúng lộ trình và với tinh thần tạo ra môi trường kinh tế cạnh tranh và hiệu quả hơn, đặc biệt trong lĩnh vực đầu tư và dịch vụ.
Việt Nam cần tạo ra cơ sở hạ tầng thiết yếu đủ để hỗ trợ loại hình đầu tư và tăng trưởng kinh tế mà tất cả chúng ta mong muốn, đặc biệt trong các lĩnh vực quan trọng như điện lực, giao thông vận tải. Việt Nam cần đầu tư nguồn lực thích đáng hơn và hoan nghênh đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn hơn trong lĩnh vực giáo dục để đảm bảo rằng, các bạn có lực lượng quản lý, kỹ sư, kỹ thuật viên sản xuất lành nghề…
Ông có khuyến nghị gì đối với Việt Nam về phát triển kinh tế năm nay và giai đoạn tiếp theo?
Đại diện WB: Đòi hỏi chính sách tức thì là xử lý những cản trở đối với tăng trưởng của khu vực tư nhân như đã nói ở trên. Giải quyết các vấn đề lâu đời của doanh nghiệp nhà nước và tái cấu trúc lĩnh vực ngân hàng vẫn rất quan trọng.
Để theo mô hình thành công của các hàng xóm Đông Á, Việt Nam sẽ cần đảm bảo giá trị gia tăng từ xuất khẩu tăng thêm và liên tục nâng cao chất lượng hàng xuất khẩu. Giống như các nền kinh tế Đông Á thành công (Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan), nguồn lực chính của Việt Nam là con người. Vì vậy, việc đầu tư nâng cao nguồn lực con người là điều kiện tiên quyết đối với tăng trưởng dài hạn của Việt Nam.
Cuối cùng, một bài học đáng chú ý nữa là cần tập trung hơn nữa vào việc cải thiện quản lý đô thị (xây dựng các thành phố cho tương lai) và hiện đại hóa nông nghiệp, khiến lĩnh vực này có định hướng tư nhân nhiều hơn.
Đại diện AmCham: Việt Nam nên đẩy mạnh cải cách doanh nghiệp nhà nước, thúc đẩy các cơ hội kinh doanh. AmCham tin rằng, các hiệp định như TPP, EU-FTA (Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-Liên minh châu Âu), RCEP (Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực) đều đem lại các cơ hội mới cho tăng trưởng kinh tế. Những hiệp định này có thể trợ giúp xóa bỏ rào cản thương mại trong các lĩnh vực như tiếp cận thị trường, mua sắm công, trong khi đặt ra các tiêu chuẩn mới liên quan tính liên kết về luật lệ, quyền của công nhân, bảo vệ môi trường, sở hữu trí tuệ…
Chúng tôi tin vào vai trò lãnh đạo của Việt Nam trong ASEAN đang lớn mạnh. Chúng tôi tin vào Việt Nam với tư cách đích đến sản xuất thay thế Trung Quốc.
Thị trường bất động sản vẫn còn trầm lắng sau một số năm có tăng trưởng tín dụng và đầu tư quá mức. Thâm hụt ngân sách tăng trong năm 2014 và tiếp tục đối mặt áp lực thu ngày càng tăng, do hoạt động kinh tế yếu đi.
|
tiền phong
|